Học tập đạo đức HCM

Nhân rộng những mô hình văn hóa tiêu biểu

Thứ hai - 24/07/2017 20:55
Hiện tại, thành phố Hà Nội có 1.401 làng văn hóa. Phong trào xây dựng làng văn hóa góp phần gìn giữ văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa xứ Ðoài, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hiệu quả xây dựng mô hình làng văn hóa chưa cao. Cuộc giao lưu làng văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô năm 2017 cho thấy, cần kết hợp tốt giữa xây dựng làng văn hóa với xây dựng nông thôn mới, để diện mạo nông thôn thật sự khởi sắc.

Hiếm có cuộc giao lưu văn hóa cấp thôn, làng nào mà khán giả lại bị "giữ chân" đến tận phút cuối như Chương trình giao lưu làng văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu của Thủ đô năm 2017 tổ chức mới đây. Chương trình khiến khán giả bất ngờ về kho tàng văn hóa do nhân dân lưu giữ, cũng như tình yêu nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống tại vùng ngoại thành. Một trong những tiết mục ấn tượng nhất là màn hát văn "Cô đôi thượng ngàn" của người dân thôn Lương Quy (xã Xuân Nộn, huyện Ðông Anh). Những nghệ sĩ nông dân nhập vai Cô đôi hết sức nhuần nhuyễn, giọng ca truyền cảm làm công chúng hiểu thêm về những giá trị âm nhạc của Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu. Khi được chọn là làng văn hóa tiêu biểu của huyện Ðông Anh đi dự liên hoan, trong đó có phần thi văn nghệ, người dân Lương Quy đã lúng túng không biết chọn thể loại gì để dự thi. Hiện tại, cùng lúc, thôn Lương Quy có nhiều câu lạc bộ văn hóa khác nhau: Tuồng cổ truyền, tuồng đồng ấu (dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng), hát dân ca, hát văn, múa lân sư rồng...; câu lạc bộ nào cũng mạnh. Nghệ thuật tuồng có truyền thống nhất, đông người tham gia nhất nhưng khung thời gian cho phần thi tài năng chỉ có giới hạn, không đủ để diễn một trích đoạn tuồng, cho nên hát văn được chọn làm đại diện. Ở Lương Quy, nhiều gia đình có ba thế hệ đi diễn tuồng hoặc đều tham gia những câu lạc bộ khác nhau. Dịp hội hè, cả nhà cùng đi hát là chuyện thường tình.

Lương Quy là một trong 15 làng văn hóa tiêu biểu, đại diện cho 14 huyện ngoại thành Hà Nội tham dự cuộc giao lưu. Chỉ riêng với phần thi văn nghệ, các làng văn hóa tiêu biểu đã cho thấy sự giàu có của văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Thôn Khánh Vân (xã Khánh Hạ, Thường Tín) lại gây ấn tượng mạnh với màn trình diễn hát trống quân, một điệu hát đặc sắc ở Thường Tín, Phúc Thọ. Từng có thời gian tưởng chừng mai một, nhưng tiết mục hát trống quân của Khánh Vân được trình diễn bởi một dàn nghệ nhân "nhí" cho thấy loại hình nghệ thuật này không chỉ hồi sinh, mà đang có đà phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, còn có các tiết mục văn nghệ truyền thống độc đáo như hát ống (thôn Cam Thịnh, xã Ðường Lâm, thị xã Sơn Tây), hát chèo (thôn Hoàng Dương, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa), múa cồng chiêng (thôn Thuổng, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất)... Mỗi địa phương đem đến những sắc màu văn hóa riêng, nhưng đều cho thấy nhờ xây dựng mô hình làng văn hóa, đời sống văn hóa của nhiều làng quê đã đổi thay; văn hóa, nghệ thuật truyền thống được bảo tồn, phát huy.

Cụ thể hóa các mục tiêu của Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020", thành phố đã xây dựng các mô hình làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa. Hiện nay, toàn thành phố có 1.401 làng văn hóa góp phần tích cực trong gìn giữ văn hóa Thăng Long - Hà Nội, văn hóa xứ Ðoài, tạo dựng môi trường văn hóa để phát triển con người, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Song, thực tế xây dựng các mô hình văn hóa cũng cho thấy những bất cập nhất định. Một số địa phương có truyền thống văn hóa, nhưng lại chưa phát triển kinh tế - xã hội. Xã Xuân Nộn là một thí dụ điển hình. Phong trào văn hóa phát triển ở đây đã nhiều năm, nhưng khi triển khai xây dựng nông thôn mới, chỉ đạt hai trong số 19 tiêu chí. "Khoảng cách" đến nông thôn mới khi ấy còn rất xa. Từ khi xây dựng nông thôn mới, phương thức làm ăn được thay đổi, kinh tế đi lên, người dân không chỉ hiến đất làm đường mà còn đóng góp xây dựng đường bê-tông. Hiện, xã có 90% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; đời sống người dân được cải thiện; số hộ giàu, khá tăng nhanh. Trong cuộc giao lưu làng Văn hóa, gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô 2017, kinh nghiệm nổi bật của các địa phương chính là ở nơi nào có sự kết hợp hiệu quả giữa xây dựng mô hình làng văn hóa với xây dựng nông thôn mới thì các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển toàn diện hơn. Trường hợp thôn Yến Vỹ (xã Hương Sơn, Mỹ Ðức) là một thí dụ. Thông qua xây dựng nông thôn mới, thôn Yến Vỹ được đầu tư xây dựng một nhà văn hóa hai tầng khang trang, một phòng đọc sách với hơn 2.000 đầu sách; các di tích được tu bổ...; đây là nền tảng tốt để người dân xây dựng đời sống văn hóa, các hoạt động văn nghệ nhờ thế khởi sắc hơn.

Có thể thấy, việc xây dựng làng văn hóa đi liền với xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy đời sống kinh tế, xã hội phát triển, góp phần làm thay đổi chất lượng cuộc sống cũng như nâng cao nhận thức, lòng tự hào về việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa ở khu vực nông thôn.

 

 

GIANG NAM/ Nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập123
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay26,094
  • Tháng hiện tại219,187
  • Tổng lượt truy cập92,596,851
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây