Những cư dân đầu tiên đặt chân lên vùng đất này sống bằng nghề chài lưới trên sông Đế Võng. Sau đó, việc đánh bắt cá càng lúc càng khó khăn, đời sống dân vạn ngày càng túng thiếu khi mùa đông, tháng lạnh. Họ nhận ra sự thuận lợi của điều kiện tự nhiên, nên thử lên bờ trồng rau. Ban đầu chỉ một số ít người, họ thu hoạch tốt và đời sống khấm khá hơn. Sau đó, nhiều gia đình đã bỏ nghề đánh bắt cá, lên bờ khai khẩn đất hoang trồng rau và đã hình thành làng trồng rau. Họ sử dụng sự màu mỡ của đất, rong rêu từ đầm và dòng sông làm bổi (chất trộn với đất). Đất được tăng độ mùn và tơi xốp bằng các loại phân chuồng để hoai, phân vi sinh chế biến từ thảo mộc. Không cần phân bón hóa học, cây rau sống trên đất tơi xốp quyện với rong hóa mùn lên xanh mươn mướt, tạo nên sắc thái riêng và mùi vị đặc trưng hấp dẫn cho rau Trà Quế. Đến nay, tổng diện tích trồng rau sạch đã gần 20 ha, với khoảng hơn 200 hộ dân. Rau ở đây ngon nhờ thổ nhưỡng phù hợp, không gian khoáng đãng, nên cũng loài cây đó mà đem cấy xuống mảnh đất lạ khác, rau như nhớ đất quê mình, tuy có thể xanh tốt hơn nhưng dứt khoát cái hương vị đặc biệt Trà Quế mất hẳn. Kể cũng lạ, cái hương vị vượt trội, thơm ngon, đậm đà không đâu sánh bằng. Đó cũng chính là những ưu điểm nổi bật, tạo nên nét đặc trưng của làng rau truyền thống Trà Quế xưa nay.
Khách du lịch trải nghiệm một ngày làm nông dân tại làng rau Trà Quế. |
Các loại rau: cải xanh, húng, hẹ, hành, tỏi, gừng, ngò, é, tía tô, ớt, diếp cá, xà lách, giá đậu xanh, rau mùi… gồm hơn 20 loài khác nhau, xanh mơn mởn trên những luống dài tăm tắp thật thích mắt. Gieo trồng chăm chút đến thu hoạch, vun lên từng rò dọc dài theo miếng đất để dễ chăm bón và thu hoạch. Ban đầu làm thức ăn trong gia đình, khi rau được làm ra nhiều hơn, họ đem ra ven đường, ra chợ quê, rồi chợ phố cổ Hội An bán. Người dùng thấy rau ngon, có hương thơm hơn các loại rau trồng nơi khác. Dần dần, cây rau làng Như Quế bắt đầu có tiếng tăm. Người buôn bán mua lại rồi mang đến các chợ ở Điện Bàn, Duy Xuyên và các nơi xa xôi khác bán. Như Quế trở thành làng nghề trồng rau ăn sống khi được phối hợp các loại với nhau thành món rau sống ăn rất hấp dẫn bởi mùi vị thơm, cay, nồng, đắng, chát… Có loại được chế biến thành các món khác nhau như món ăn truyền thống: rau luộc, nấu canh, muối thành dưa… như cải. Có loại chỉ để bỏ vào khi thức ăn đã chín để tạo mùi thơm như hành lá, ngò. Có loại dùng làm gia vị của mắm để chấm như tỏi, gừng… Có loại dùng làm món xào như hành củ, cải…
Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long kinh lý về vùng Hội An, được nghe các quan địa phương kể về ngôi làng có nghề trồng rau nổi tiếng. Rau ở đây thơm ngon, người các nơi đều thích. Nhà vua bèn ngự giá đến xem. Được tin, người trồng rau trong làng chọn các loại rau ngon nhất, thơm nhất tiến vua. Vua Gia Long thưởng thức rau, khen rằng rau có mùi thơm, kích thích vị giác nên ăn rất ngon. Vua hỏi tên làng, các quan cho biết là làng Như Quế. Vua bảo Như Quế cũng hay nhưng Trà Quế lại hay hơn. Từ đó làng Như Quế được đổi tên thành Trà Quế. Nhưng cũng có câu chuyện, theo các bô lão, danh xưng của làng gắn liền với nghề nghiệp người dân trồng rau là Nhà Quế, với ý nghĩa, nhà nào cũng trồng rau!
Làng rau truyền thống Trà Quế nay thuộc xã Cẩm Hà, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đến Trà Quế ta sẽ nghe bài ca dao: “Ai về Trà Quế thì về/Trà Quế có nghề nấm giá đậu xanh/Sớm mai đi bán rau hành/Chiều về tưới nước suốt canh chưa nằm/Khuya thì dậy sớm cắt rau/Sáng lo đi bán suốt năm không nhàn”. Khi Đà Nẵng đã phát triển và Hội An không còn là thương cảng thịnh vượng nữa, người Đà Nẵng đã biết tiếng và chuộng các loại rau Trà Quế, một thị trường mới đầy tiềm năng đã hình thành. Người dân Trà Quế thức dậy từ lúc hai, ba giờ sáng, ăn uống xong rồi gánh rau đi bán, sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng từ chiều tối ngày hôm trước. Họ đi bộ dọc bờ biển, người nọ nối tiếp người kia, lặng lẽ, lầm lũi trong đêm khi mọi người còn an giấc, ra tới An Hải, qua đò Hà Thân rồi bán sỉ tại chợ Hàn để kịp cho phiên chợ sáng. Rồi lại làm cuộc hành trình theo chiều ngược lại. Chị em buôn bán ở Đà Nẵng thấy có lời cũng lặn lội vào tận Trà Quế mua rau về bán lại, đi về như người làng rau. Chuyện mưu sinh của những người buôn gánh, bán bưng bao đời mãi mãi là một điệp khúc buồn. Sự cực khổ, vất vả ấy khiến trai gái các làng khác rất ngại kết duyên với trai gái làng rau Trà Quế: “Muốn về Trà Quế trồng rau/Sợ e gánh nước hai gàu không quen”.
Như nhiều ngành nghề truyền thống khác, làng rau Trà Quế cũng có những bước thăng trầm. Khi tuyến đường Đà Nẵng - Hội An và các nơi khác có xe đò chạy thường xuyên, họ mới chuyển qua đi xe đò thuận lợi hơn trong vận chuyển. Người nông dân đỡ cơ cực, lượng hàng hóa tiêu thụ mạnh hơn nhờ các thị trường mới mở ra nhiều hơn, đời sống đỡ vất vả hơn. Đã hàng mấy trăm năm nay, rau Trà Quế theo chân bà con tỏa đi các nơi phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân các địa phương khác. Trong đó, chợ Hội An luôn luôn là địa điểm chính của rau Trà Quế. Thỉnh thoảng, lại có vài chuyến xe tốc hành từ Sài Gòn ra Đà Nẵng nhân tiện ghé chợ Hội An, mua rau chính gốc Trà Quế. Về thị trường tiêu thụ, ngoài những thị trường truyền thống như Hội An, Đà Nẵng, rau Trà Quế đã vào đến Tam Kỳ, vươn ra Huế…
Giữa mùa xuân tiết trời ấm áp, với ánh nắng tươi giòn, ngọn gió heo may nhè nhẹ, đôi khi có những cơn mưa xuân lớt phớt se se lạnh. Trời không nắng gắt, không mưa dầm như mùa hạ và mùa đông, du khách trong và ngoài nước đến làng nghề truyền thống Trà Quế để thưởng thức hương vị ngan ngát thơm nồng, nóng hổi các loại đặc sản và rau sống Trà Quế mà ấm lòng và xem người làng rau làm du lịch, nhằm tạo ra thêm sản phẩm mới để thu hút du khách, nâng cao hơn nữa đời sống người trồng rau. Họ sắm những bộ áo quần nông dân, dép lê, nón lá và dựng những ngôi nhà dành cho du khách nghỉ ngơi. Du khách sẽ được người làng rau bày cho cách cuốc đất, trồng, tưới nước và chăm bón rau. Họ sẽ được nhìn thấy các loại rau một cách thích thú ở nơi trưng bày và giới thiệu. Những luống rau xanh mượt mà, thẳng tăm tắp. Nghề trồng rau bây giờ đã đi vào chuyên nghiệp, nắm giữ những bí quyết gia truyền. Cuộc sống phát đạt trên những mảnh vườn thẳng tắp, ngăn nắp và xinh đẹp sắc màu như những vườn hoa trong công viên. Khắp các ngõ lối, chỗ nào cũng ngào ngạt hương thơm quyến rũ kích thích mọi giác quan. Buổi chiều, khi gió ngoài sông Đế Võng thổi lộng vào, các cô gái, các bà gánh những gánh rau đầy ắp từ ngoài vườn về để đầy sân, chuẩn bị cho chuyến chợ phố ngày mai. Tấm lòng mến khách của người trồng rau đã làm du khách thích thú, không ngần ngại xuống đồng tự làm nông dân để trải nghiệm những nhọc nhằn nhưng rất vui. Họ cùng xắn tay áo cuốc đất, trồng rau, tưới nước, chăm bón cho rau. Sau một ngày làm việc vất vả, họ được thưởng thức các món ẩm thực “đặc sản” của làng nghề truyền thống này. Họ được “nhìn tận mắt, bắt tận tay” cách trồng rau sạch, mũi bị kích thích bởi hương thơm cay nồng của húng, hẹ… mà lòng khoan khoái, bởi khi ăn thật là khoái miệng!
Đến Hội An để thưởng thức các món ăn ngon với rau sạch làng Trà Quế. Nhờ hương vị đặc biệt mà rau Trà Quế đã góp phần làm nổi tiếng các món ăn dân dã Hội An và Quảng Nam. Về đây mới thấy, mới cảm những món đặc sản này được chế biến tại chỗ, hơn hẳn khi đem về chế biến ở nơi khác.
HUỲNH VIẾT TƯ/ CAND
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã