Học tập đạo đức HCM

Tạc tượng cho cây

Thứ ba - 09/01/2018 03:27
Từ những chiếc lá cây bé nhỏ bình thường, qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân nông dân, nhiều bức tượng nghệ thuật tạo hình đơn giản nhưng đặc sắc như ngôi nhà, ấm trà, trái cây hay linh vật rồng, rắn, khỉ, cá, chó… đã hình thành
Đó như một sự kết hợp hài hòa giữa trí tưởng tượng con người và cỏ cây. Điều đặc biệt hơn, những người tạc tượng bằng cây lá ấy lại chỉ là những nông dân chân lấm tay bùn, thậm chí là phụ nữ chân yếu tay mềm.
Sáng tạo, tìm tòi
Những ngày cuối năm, đi dọc Tỉnh lộ ĐT 882 đoạn qua địa phận các xã Vĩnh Thành, Long Thới (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), dễ thấy hàng trăm nhà vườn làm nghề tạo hình cây lá đang hối hả sản xuất phục vụ dịp Tết Mậu Tuất sắp tới. Kể về công việc uốn cây cảnh, bác Đặng Văn Duy, 54 tuổi, một người làm nghề tạo hình cây lá lâu năm ở Vĩnh Thành, cho biết: “Nguyên liệu chính để làm những bức tượng đủ hình từ cây gừa và cây sanh, những loài cây có đặc điểm lá nhiều, thân khỏe lại mềm, dễ uốn, thích hợp với nghề này. Ngoài ra, 2 loài cây này cũng dễ thích nghi, phát triển tốt trong nhiều điều kiện sống khác nhau khiến chúng được chọn làm nguyên liệu để thoải mái sáng tác, uốn nắn, cắt tỉa”. 
Tạc tượng cho cây ảnh 1

Chia sẻ về kinh nghiệm làm nghề, bác Duy cho biết thêm: “Với những hình dạng thông thường như con vật, thú cưng có kích cỡ nhỏ chỉ cần khoảng 10-15 cây nguyên liệu với chiều dài mỗi cây 2-3m. Cây được chọn phải khỏe mạnh, rễ nhiều. Sau đó là quá trình uốn ghép hình dáng. Đây là việc quan trọng nhất bởi tác phẩm đẹp hay xấu, sinh động hay vô hồn chính ở giai đoạn này.
 
Tạc tượng cho cây ảnh 2
Tạo hình từ cây xanh thu hút nhiều người mua. 
Ban đầu, từ những khung thép định sẵn, nghệ nhân bắt đầu uốn cây theo. Để làm những hình dáng sống động, hợp với thị hiếu khách hàng, ngay từ những chi tiết nhỏ nhất cũng cần sự tỉ mỉ và cần mẫn. Từng chiếc lá, từng nhánh nhỏ cũng có thể quyết định tới hình dáng tác phẩm điêu khắc cây lá sau này. Ngoài ra, một số hình dạng khó, như tạo hình thú, ngoài việc tỉa cắt, việc gắn thêm mắt, mũi hay một bộ phận nhỏ đặc trưng của con vật cũng hết sức cần thiết. Tùy theo từng đơn đặt hàng, từng năm các hình dáng cây lá có thể thay đổi. Mỗi lần thay đổi, những người làm nghề lại phải tìm tòi, sáng tạo những cách làm mới”. 
Tạc tượng cho cây ảnh 3

Với lợi thế nằm giữa 2 con sông lớn Hàm Luông và Cổ Chiên có phù sa bồi đắp hàng trăm năm, nên đất đai vùng Chợ Lách vô cùng màu mỡ và tươi tốt, thích hợp với nghề trồng và uốn cắt cây. Không ai biết nghề uốn cây ở Chợ Lách bắt đầu khi nào, chỉ biết cách đây chừng hơn 10 năm những nhà vườn làm nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn bây giờ, tổng số nhà vườn đã lên tới hàng trăm, các hình dáng tạo hình ngày càng được cải thiện và sinh động hơn, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Sản phẩm của làng nghề theo ghe thuyền xuôi ngược khắp miền sông nước lục tỉnh, lên tận TPHCM tiêu thụ.

Nhộn nhịp cuối năm
Theo anh Trần Văn Dụng, 44 tuổi, ấp Phú Lộc, xã Vĩnh Thành, làm nghề uốn cây hơn 10 năm, cứ dịp cuối năm các đơn đặt hàng và lượng khách đến mua cây cảnh tăng vọt. Hiện nay, giá những cây cảnh uốn không quá đắt, chỉ vài trăm ngàn đồng tới vài triệu đồng tùy kích cỡ và hình dáng. Chính vì thế những tác phẩm tạo hình từ cây lá đang thu hút đông đảo người mua. Khách hàng cũng rất đa dạng, có thể mua cây về làm cảnh, ngắm và tạo không gian xanh mát cho tư gia, hoặc mua cây cảnh về trang trí quán ăn, quán cà phê, công ty, khách sạn… Những ngày cuối năm Đinh Dậu này, anh Dụng đã nhận 3 đơn hàng của khách TPHCM với nhiều hình dáng như nhà vườn, lộc bình, quả bưởi và bộ ấm tách uống trà. Gần đây, một số tạo hình được nhiều khách hàng ưa thích là cá hô, loài cá khổng lồ sinh sống trong môi trường nước ngọt, thường xuất hiện nhiều ở những con sông vùng miệt vườn sông nước. Với lợi thế vừa để ngắm nhìn vừa tạo bóng mát nên những tác phẩm làm từ cây lá luôn là lựa chọn của nhiều gia đình. Ở khu vực Chợ Lách, đây được coi là nghề truyền thống, thu hút nhiều người tham gia kể cả phụ nữ bởi công việc tạo hình không quá nặng nhọc, chỉ cần tỉ mỉ và công phu. 
Ông Trần Huy Đông, một khách hàng đang xem cây cảnh ở Mỹ Tho, Tiền Giang, cho biết ông sửa nhà xong, muốn mua một đôi chó kiểng bằng cây xanh về đặt trước nhà, vừa lấy bóng mát vừa làm cho không gian ngôi nhà thêm sinh động. Với nhiều người làm nghề sông nước ở miền Tây, chó không chỉ là loài vật canh giữ cho ngôi nhà mà còn là người bạn gần gũi, thân thiện. Vì thế, họ để đôi chó kiểng bằng cây xanh trước nhà cho thêm đẹp.
Nhiều khách hàng còn có những yêu cầu tạo hình thú, động vật trên chính những cây họ đang trồng. Vì thế, những nghệ nhân chăm sóc cây cảnh phải tới tận nơi để tìm hiểu, chế tác tạo hình theo ý tưởng của các khách hàng. Đây là công việc khó khăn hơn, đòi hỏi người thợ phải có tư duy ý tưởng độc đáo. Theo chia sẻ của những người làm nghề, mỗi lần uốn xong một tạo tác, do cây thường khá yếu nên phải có chế độ chăm sóc đặc biệt như bón phân, tưới nước và tạo ra những khoảng không gian cần thiết để cây phát triển tốt. 
Từ những cây, cành lá vô tri vô giác, nhưng qua bàn tay tài hoa của những người thợ miệt đồng bằng đã tạo nên những tác phẩm tinh tế, hài hòa đang hiện diện ngày càng nhiều ở các thành phố lớn.
 

Đoàn Xá/ Sài gòn đầu tư

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập569
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại848,713
  • Tổng lượt truy cập92,022,442
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây