Hiện nay nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long người nông dân bắt đầu chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu sang sản xuất hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên.
Giảm 40% chi phí cho sản xuất lúa
Được cán bộ khuyến nông ở thành phố Cần Thơ đưa đến cánh đồng lúa hữu cơ Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, chúng tôi tận mắt thấy lúa Hè Thu đang độ thu hoạch.
Vụ này thường không cho năng suất cao và chất lượng tốt do ảnh hưởng của thời tiết và lượng nước tưới không ổn định. Cán bộ khuyến nông cho biết, lúa gieo trồng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học phát triển rất tốt, cho hạt chắc đều.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, để ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai nhiều mô hình sản xuất vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm nước tưới hiệu quả. Hiện Cần Thơ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng chịu hạn và tiết kiệm nước được 1.200 ha.
Cánh đồng Tân Phước được áp dụng đồng bộ các kỹ thuật canh tác “1 phải 5 giảm” trong điều kiện mặt ruộng được san phẳng bằng tia laser để sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm nhất.
Bên cạnh đó, với việc sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học của trường Đại học Cần Thơ đã tiết kiệm chi phí gần 4 triệu đồng/ha, năng suất tăng 300 kg/ha và lợi nhuận thu được cao gấp đôi so với canh tác theo tập quán của nông dân.
Theo ông Trần Văn Đào, nông dân sản xuất 1.100 m2 lúa sử dụng phân bón hữu cơ ở Tân Phước, phường Tân Hưng, thì gia đình ông là một trong những hộ được trạm khuyến nông quận Thốt Nốt hướng dẫn cách sử dụng phân bón hữu cơ. Mô hình này bắt đầu từ năm 2012, cho đến nay trải qua 12 vụ lúa, năng suất lúa thu được luôn cao hơn ở những khu vực khác.
Ông Đào chia sẻ, mỗi khi bắt đầu mùa vụ, các nông dân trong khu vực này được cán bộ bảo vệ thực vật ở quận tập huấn cách canh tác 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học.
Qua đó giúp giảm 40% lượng phân bón vô cơ, làm cho đất ngày càng giàu dinh dưỡng, thay thế được lượng phù sa ngày càng ít được đưa vào đồng ruộng, chế phẩm sinh học cũng giúp hạn chế bệnh hại lúa.
Đồng thời, để quản lý được nguồn nước tưới cho cây lúa, trên mỗi thửa ruộng sử dụng 5 ống đo mực nước, cắm ở 4 góc và giữa ruộng. Mỗi ống được chia vạch 30 cm, ống ngập đất 20 cm và trồi lên mặt đất 10 cm.
Khi nước xuống dưới vạch 15 cm thì mới tiếp tục bơm vào để tưới lúa. Với những giải pháp này đã giúp nông dân giảm gần 4 triệu đồng/ha chi phí phân và nước tưới, đồng thời lợi nhuận tăng lên nhờ lúa năng suất vượt lên 10 tấn/ha, có vụ đạt 11 tấn/ha và hạt lúa đạt chất lượng cao.
Hoa màu vượt năng suất cho thu nhập cao
Bên cạnh việc sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học cho cây lúa, việc chuyển đổi một phần diện tích sản xuất lúa sang trồng hoa màu ngắn ngày có sử dụng chế phẩm sinh học đã mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nông dân, vừa ứng phó với nguồn nước tưới khan hiếm trong mùa khô hiện nay.
Ông Nguyễn Việt Trung, Trưởng phòng nông nghiệp huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, cho biết hiện đang thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, huyện U Minh Thượng đang chuyển đổi gần 200 ha lúa Hè Thu sang trồng các loại hoa màu khác như dưa leo, khổ qua, bầu, dưa lê, ớt,… sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân bón vô cơ. Việc chuyển đổi này được nông dân trong huyện hưởng ứng nhiệt tình vì năng suất đạt được cao hơn so với sử dụng phân bón vô cơ, cho thu nhập vượt trội.
Ông Chuyện cho biết, trước đây ông sản xuất lúa 3 vụ nhưng khi đến vụ lúa Hè Thu lại không có lời, thậm chí nhiều vụ còn lo lắng không bán được lúa. Nhưng từ khi ông chuyển sang trồng dưa leo sử dụng phân bón hữu cơ, giúp giảm gần 50% chi phí sản xuất, giảm 85% phân bón vô cơ, vừa cải tạo đất tốt hơn cho những vụ xuống giống sau, không mất nhiều chi phí làm đất lại khi sản xuất, mang lại lợi nhuận cao hơn cây lúa nhiều lần.
Là Tổ trưởng Tổ hợp tác Vĩnh Hòa, ông Chuyện đã đưa 16 thành viên của Tổ Hợp tác có thu nhập khá lên nhờ biết chuyển đổi mô hình sản xuất. Toàn xã có 46 ha sản xuất hoa màu. Riêng Tổ Hợp tác Vĩnh Hòa chỉ sản xuất 6 ha nhưng nguồn thu nhập vượt trội hơn. Ước tính, với 2.000 m2 ông Chuyện thu được 8 tấn dưa leo.
Mỗi năm ông thu hoạch 4 vụ dưa, sau khi trừ chi phí thì thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Trong khi đó nếu sản xuất lúa thì lợi nhuận từ 2.000 m2 này chưa tới 40 triệu đồng.
Mặt khác, khi sản phẩm dưa của tổ hợp tác được sản xuất theo hướng an toàn thì đầu ra của sản phẩm luôn được đảm bảo. Dù chưa xây dựng thương hiệu riêng nhưng sản phẩm của Tổ hợp tác Vĩnh Hòa đã được doanh nghiệp kí hợp đồng bao tiêu.
Như vậy, tuy mới mẻ nhưng những mảnh ruộng trở về với tự nhiên, áp dụng phân bón hữu cơ trên đồng ruộng đã giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long đứng vững trên mảnh ruộng của mình./.
Theo TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã