Từ vỏ trấu, một phụ phẩm nông nghiệp mà nhiều nông dân bỏ đi, anh Đỗ Mạnh Trung (xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh) đã tận dụng ép thành than củi trấu, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Với tuổi đời còn trẻ, song anh Trung đã có hai nhà xưởng sản xuất than củi trấu uy tín. Sau khi được tận mắt chứng kiến thực tế và tìm hiểu trên internet, anh nhận thấy mô hình sản xuất than củi trấu là hướng đi tốt, không những cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng rãi, mà còn phù hợp với điều kiện ở vùng quê. Trải qua không ít khó khăn ban đầu trong việc tìm đầu ra, đến nay sản phẩm than củi trấu do cơ sở của anh sản xuất đã bắt đầu được ưa chuộng vì dễ bén lửa, nhiệt cao, duy trì được lâu và ít gây ô nhiễm môi trường. Than củi trấu có thể sử dụng trong sản xuất công nghiệp, như: Đốt lò hơi, lò sấy, chế biến nông sản, thực phẩm... và có giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại chất đốt khác, bởi vậy sản phẩm đầu ra bán rất ổn định cho các công ty sản xuất xi măng ở Thái Bình, Hà Nam và một số cơ sở khác ở Ninh Bình. Năm 2017, cơ sở sản xuất than củi trấu của anh Trung đã xuất hơn 400 tấn sản phẩm, doanh thu hơn 800 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với mức thu nhập từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Đỗ Mạnh Trung (bên trái) giới thiệu với khách hàng sản phẩm than củi trấu. |
Cũng nuôi khát vọng khởi nghiệp từ quê hương, sau nhiều năm vượt khó, anh Ngô Ngọc Sơn (ở xã Yên Từ, huyện Yên Mô) đã quyết định biến những thửa ruộng ngập trũng thành khu trang trại nuôi cá và trồng cây ăn quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Nhưng để có được kết quả ấy, ông chủ của trang trại này đã phải cải tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng nông nghiệp theo công nghệ mới, nâng cao năng suất, trong đó chất lượng, an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Anh Sơn cho biết: “Trang trại của tôi nuôi trồng theo phương pháp vi sinh, tạo nguồn thực phẩm sạch và an toàn. Hầu như trang trại sản xuất đến đâu là được đặt mua hết đến đó”. Mô hình khởi nghiệp của anh được Tỉnh đoàn Ninh Bình cùng một số doanh nghiệp tham quan, khảo sát để hỗ trợ nguồn vốn vay giúp ổn định và mở rộng sản xuất.
Anh Hoàng Ngọc Hòa, Phó bí thư Tỉnh đoàn Ninh Bình, cho biết: “Với thanh niên nông thôn, Ban Thường vụ tỉnh đoàn tập trung hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi tích cực đẩy mạnh việc thành lập các tổ hợp tác xã, liên minh giữa các thanh niên làm kinh tế để hợp tác cùng nhau phát triển. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, đồng thời tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp và sản xuất, kinh doanh”.
Bài và ảnh: THU HÀ/ QĐND
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;