Học tập đạo đức HCM

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cuộc đua giành thị phần ngày càng khốc liệt

Thứ tư - 28/03/2018 11:09
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và cuộc chiến để giành “miếng bánh” thị phần này ngày càng khốc liệt.

Thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là miếng bánh hấp dẫn, đang có sự tăng trưởng nóng và sẽ giữ xu hướng đi lên trong thời gian tới. Theo kết quả khảo sát thường niên về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu năm 2017 (GRDI) của Hãng tư vấn A.T. Kearney, Việt Nam đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng.

Hiện Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Như vậy, Việt Nam đã vượt các thị trường đông dân như Indonesia (vị trí trứ 8), hay các nước có thị trường bán lẻ tốt trong những năm qua như Saudi Arabia (thứ 11), Kazakhstan (thứ 16), Philippines (vị trí 18), Thái Lan (thứ 30)... Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước có sức hút trở lại đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tương tự, kết quả khảo sát và nghiên cứu đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố mới đây cũng chỉ ra rằng, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các yếu tố như chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… đã khiến thị trường bán lẻ Việt Nam lọt vào danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, điển hình như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)... đã và đang đầu tư, khai thác tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập.

Trong năm 2018, xu thế này ngày càng gia tăng khi nhiều tập đoàn quốc tế “để mắt” tới thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua việc tổ chức những diễn đàn liên quan đến ngành bán lẻ, đồng thời thúc đẩy các loại hình dịch vụ, các công cụ thanh toán nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhà bán lẻ như thương mại điện tử, kinh doanh online, tiếp thị đa kênh…

Nở rộ cửa hàng tiện ích

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2017, các nhà bán lẻ ngoại tại Việt Nam chiếm 17% thị phần, nhà bán lẻ trong nước chiếm 83% thị phần. Những thương hiệu lớn đã khẳng định được chỗ đứng và thế mạnh của mình có thể kể tới như Vingroup, Fivimart, Big C, Coopmart, Aeon Mall…

Bên cạnh đó, một nét đáng chú ý là có 70% nhà bán lẻ ngoại đang tập trung vào mở rộng các cửa hàng tiện ích, tạo nên diện mạo mới cho thị trường.

Không khó để nhận ra sự xuất hiện ồ ạt của các cửa hàng tiện ích. Vừa mới xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian rất ngắn nhưng Circle K Việt Nam đã phát triển chóng mặt với 259 cửa hàng tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu.

Năm 2017, một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới 7-Eleven đã xuất hiện ở Việt Nam với quy mô 11 cửa hàng nhưng doanh nghiệp ngoại này cũng đang nuôi tham vọng mở rộng trong thời gian tới. Theo thông tin mới nhất, 7-Eleven có ý định sẽ phát triển mạnh số lượng cửa hàng tại thị trường Việt Nam trong 10 năm tới, nâng tổng số lên 1.000 cửa hàng tiện ích, phủ sóng tại nhiều thành phố lớn.

Bên cạnh đó, các chuỗi cửa hàng B’s mart, Family Mart, Ministop cũng mở rộng mạng lưới với số lượng cửa hàng đã lên hàng trăm đơn vị cho mỗi thương hiệu.

Ngoài ra, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài khác như Big C, Aeon, Auchan, Lotte… cũng đang tiếp tục đẩy mạnh mở rộng hệ thống nhằm gia tăng thị phần.

Không riêng doanh nghiệp nước ngoài, công ty bán lẻ nội địa cũng sớm gia nhập xu hướng này. Trong đó, Vingroup đã khiến thị trường bán lẻ phải ngạc nhiên bởi tốc độ gia tăng các điểm bán hàng quá nhanh của mình. Tính đến ngày 3/1/2018, Vingroup có tới 65 siêu thị Vinmart và 1.000 cửa hàng Vinmart+ trên cả nước.

Theo các chuyên gia phân tích thị trường, sự gia tăng mạnh mẽ của các cửa hàng tiện ích đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho bức tranh ngành bán lẻ, biến đây thành “chiến trường” ngày càng nóng bỏng, sôi động hơn.

Thách thức từ xu hướng tiêu dùng mới

Xu hướng gia tăng các kênh bán lẻ hiện đại đang ngày một lớn với độ phủ sóng rộng của các trung tâm thương mại, siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi đã đe dọa đến doanh thu của kênh bán lẻ truyền thống. Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đang làm thay đổi hành vi tiêu dùng.

Theo khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây của PwC, 49% số người tham gia khảo sát có thói quen mua sản phẩm qua điện thoại/smartphone ít nhất hàng tháng, cho thấy người tiêu dùng đang quen dần với việc ứng dụng công nghệ vào mua sắm.

Hiện có rất nhiều nhà bán lẻ, đặc biệt là những nhà bán lẻ hàng công nghệ như Thế giới di động, FPT... có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng, nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử, kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ giúp tăng hiệu quả bán hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí bán hàng cho các nhà bán lẻ.

Theo nghiên cứu của Nielsen, Việt Nam đang có khoảng 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến, chi tiêu của nhóm này đang chiếm 1/3 chi tiêu trên thương mại điện tử của người tiêu dùng tại Việt Nam. Dự báo, con số này tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thương mại điện tử tại Việt Nam chưa đạt như tiềm năng mong đợi do quan ngại của người dân về chất lượng của hàng hóa, thời gian chuyển hàng cũng như một số phần mềm thương mại điện tử vẫn chưa dễ sử dụng với tất cả mọi người...

"Một vấn đề cốt lõi là thương hiệu của công ty, doanh nghiệp hay sản phẩm. Các doanh nghiệp của Việt Nam cần có chiến lược tốt hơn trong việc giữ gìn thương hiệu để người tiêu dùng có đủ sự tin tưởng khi mua sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử", bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, Công ty Nielsen Việt Nam nhấn mạnh.

Bà Đặng Thúy Hà khẳng định, chúng ta không thể đi nhanh hay gọi vốn để tăng trưởng nếu không có công nghệ. Việt Nam đang có cơ sở hạ tầng tốt cho phát triển thương mại điện tử. Thêm vào đó, những chính sách của Chính phủ rất tốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế thời gian qua. Chính vì vậy, hơn lúc nào, doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội tiếp cận với công nghệ để nhanh nhất thích ứng với xu hướng thế giới.

Ông Nguyễn Viết Hồng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Nông trại sinh thái (Ecofarm) cho biết, một tỷ lệ lớn hàng hóa, sản phẩm của Công ty đã được chuyển hướng tiếp thị và phối hợp với các doanh nghiệp phân phối theo phương thức giao dịch điện tử, bán hàng trực tuyến và đạt được kết quả tích cực.

“Xu hướng tiêu dùng mới hiện nay đã xuất hiện rất rõ ràng, gắn với sự phát triển mạnh của công nghệ thông tin. Số khách hàng mua bán thông qua giao dịch điện tử và các hình thức giao dịch, thanh toán thông minh tăng rất mạnh trong thời gian gần đây là thách thức lớn với các nhà bán lẻ, kể cả các trung tâm thương mại”, ông Hồng nhận xét.

Cuộc đua ngày càng khốc liệt

Bước sang năm 2018, cuộc đua tăng trưởng giữa các doanh nghiệp bán lẻ sẽ diễn ra mạnh mẽ và khốc liệt hơn nữa, khi nhiều nhà đầu tư ngoại thể hiện rõ tham vọng tại thị trường Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp nội cũng toan tính để giữ vững thị phần.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, cuộc đua trên thị trường bán lẻ ngày càng gay go và khốc liệt hơn giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam.
“Cạnh tranh đã diễn ra từ năm 2012 cho đến nay, với mức độ khốc liệt ngày càng gia tăng. Sự cạnh tranh này giúp người tiêu dùng được hưởng lợi khi có thêm nhiều lựa chọn, nhưng đồng thời cũng khiến các hệ thống bán lẻ phải nhìn lại mình để hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng”, bà Hậu cho biết.

Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia bán lẻ, tính chất cạnh tranh càng nóng bỏng thì những khó khăn đối với doanh nghiệp bản lẻ càng gia tăng. Theo đó, các doanh nghiệp bán lẻ xác định năm 2018 tiếp tục là một năm thử thách khi tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Doanh nghiệp nội lép vế

Theo nhận định của Savills Việt Nam, nhìn một cách tổng quát, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có sự mở cửa, nhưng với các doanh nghiệp ngoại, để sớm xâm nhập vào thị trường tiềm năng này, các nhà bán lẻ nước ngoài chủ yếu tập trung vào mua bán, sáp nhập. Thực hiện chiến lược này giúp doanh nghiệp nhanh chóng đặt chân vào thị trường Việt Nam nhờ có sẵn sự hỗ trợ, hạ tầng của đối tác cũ.

Ngoài ra, doanh nghiệp ngoại sẽ dễ dàng hơn vì không bị vướng mắc nhiều vấn đề thủ tục pháp lý, giấy tờ… như thành lập doanh nghiệp, trung tâm thương mại mới. Bên cạnh đó, cách này cũng giúp họ an toàn hơn khi có được lượng khách ổn định từ đối tác cũ.

Với sức mạnh về tài chính, kinh nghiệm, các nhà bán lẻ ngoại đang dần lấn át trên thị trường Việt Nam. Theo ước tính của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, con số trên thực tế có thể cao hơn. Điều này đang gây sức ép lớn với các nhà bán lẻ nội địa, nhất là với những doanh nghiệp thiếu tiềm lực và kinh nghiệm. Đặc biệt, khi các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn đang làm công việc thương mại là chính.

Lý giải lý do các doanh nghiệp nội chỉ làm về thương mại đơn thuần, các chuyên gia cho rằng, đó là do tiềm lực yếu, kinh nghiệm quản lý và nguồn nhân lực thiếu, nếu mở rộng quy mô hoạt động, rất dễ vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Trong khi doanh nghiệp trong nước đang loay hoay tìm lối đi, thì doanh nghiệp nước ngoài lại có định hướng rõ ràng là mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị phần.

Không những thế, thói quen làm ăn nhỏ lẻ, không có kế hoạch chiến lược phát triển dài hạn rõ ràng cũng là nhược điểm của các doanh nghiệp trong nước. Nhất là đối với các doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử.

Parkson đóng cửa, bài học và cơ hội cho doanh nghiệp bán lẻ Việt

Thị trường bán lẻ Việt Nam được xem là “miếng bánh ngon” đối với các tập đoàn bán lẻ ngoại. Tuy nhiên, sự kiện "đại gia" bán lẻ một thời Parkson đóng cửa 4 trung tâm thương mại ở Việt Nam, dù trước đó đã thành công ở nhiều nước trên thế giới khiến không ít người đặt câu hỏi: Thị trường bán lẻ Việt Nam có “béo bở” như nhiều người nghĩ?

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là bài học, cũng là cơ hội cho các DN bán lẻ còn lại.

Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia bán lẻ, một trong những nguyên nhân khiến Parkson gặp khó khăn tại Việt Nam là các trung tâm thương mại mới ra đời rất nhiều, họ có sự đa dạng về chủng loại hàng hóa, về thái độ phục vụ, quan trọng là có thể đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng từ bình dân đến cao cấp, nhưng Parkson vẫn “cố thủ” với mô hình kinh doanh cũ, chỉ hướng tới những khách hàng cao cấp.

Còn theo ông Lê Phú Toàn, Tổng Giám đốc điều hành Công ty THT Việt Nam, một trong những DN chuyên về bán lẻ hàng Thái Lan tại thị trường Việt Nam cho rằng, từ sự kiện Parkson đóng cửa 4 trung tâm, bài học quan trọng nhất là DN muốn tồn tại, phát triển được thì phải liên tục thay đổi theo nhu cầu của thị trường. Nếu vẫn giữ nguyên nếp kinh doanh cũ trong một hoàn cảnh mới, DN sẽ tự đào thải chính mình.

Rõ ràng, để đứng vững và có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại, các nhà bán lẻ Việt Nam không chỉ “ngồi lại bên nhau, dự báo khả năng đối thủ, bàn bạc giải pháp”, mà cần phải có sự đoàn kết, thậm chí có thể tính tới sáp nhập, hợp nhất với nhau để tăng quy mô, tận dụng thế mạnh của nhau. Nếu không, sớm hay muộn, các nhà bán lẻ trong nước sẽ bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.


Theo VOV.VN

 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập581
  • Hôm nay93,514
  • Tháng hiện tại829,624
  • Tổng lượt truy cập93,207,288
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây