Sản phẩm an toàn
Theo TS Nguyễn Thanh Phương, Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, trong năm 2016 Viện đã xây dựng mô hình khảo nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới tại Bình Ðịnh để SX quanh năm dưa chuột và dưa lưới, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điều kiện khí hậu vùng duyên hải Nam Trung bộ là nhiệt độ ẩm, gió mùa, rất thuận lợi cho các loại cây thuộc họ bầu bí phát triển, sinh trưởng tốt, chỉ cần biện pháp canh tác được nâng cao là SX có hiệu quả.
Tham quan mô hình trồng dưa trong nhà màng
09-40-11_1
"Nhà màng là yếu tố quyết định về hiệu quả SX, đặc biệt trong bối cảnh phải chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, nhiệt độ tăng cao trong mùa hè, lũ lụt trong mùa mưa. Do vậy, ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới để SX là rất cần thiết", TS Phương chia sẻ.
2 giống dưa được đưa vào SX giống dưa leo F1 The Hunter 1.0 đang trồng phổ biến và giống dưa lưới Chu Phấn. Mô hình được Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ làm thí điểm trong 2 vụ xuân - hè (từ tháng 2 - 5/2016) và vụ hè - thu (từ tháng 7 - 10/2016) với quy mô 500m2 nhà lưới/vụ cho mỗi mô hình. Mật độ trồng của mỗi mô hình là 33.000 cây/ha.
Theo TS Nguyễn Thanh Phương, công nghệ cao trồng trong nhà màng được Viện chuyển giao kỹ thuật cho một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch tại xã Nhơn Tân (TX An Nhơn, Bình Định) và một số hộ dân được hỗ trợ kinh phí khoa học - công nghệ tại tỉnh Quảng Nam.
“Qua mô hình, chúng tôi tiến hành đánh gía khả năng sinh trưởng phát triển của giống dưa chuột và dưa lưới khi được trồng trong nhà lưới công nghệ cao; đánh giá khả năng chống chịu sâu bệnh, năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất của giống dưa leo F1 The Hunter 1.0 và giống dưa lưới Chu Phấn; phân tích hiệu quả kinh tế SX dưa leo, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng”, TS Phương cho hay.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Dưa trồng trong nhà màng được sử dụng khay xốp, loại 84 lỗ/khay để gieo hạt. Hạt giống được gieo 1 hạt/lỗ trên xơ dừa đã được xử lý chất chát (Tanin) trộn với phân hữu cơ đã được xử lý bằng nấm Trichoderma và tro trấu phối trộn theo tỷ lệ tương ứng 70% - 20% - 10%. Khay ươm được đặt trong nhà ươm có che mưa và lưới chắn côn trùng. Hạt giống được tưới giữ ẩm hằng ngày. Sau khi gieo từ 7 - 10 ngày, khi cây xuất hiện lá thứ 2 thì tiến hành trồng.
Dưa trồng trong nhà màng phát triển tốt
09-40-11_3
Cây được trồng trong túi bầu có kích thước 40 x 40cm đựng 100% xơ dừa đã được loại bỏ chất chát (Tanin). Trước khi trồng 1 ngày cần phun thuốc Ridomil gold và thuốc trừ sâu để phòng. Trồng vào chiều mát, trồng hàng kép kiểu nanh sấu, mật độ trồng 3.000 cây/1.000m2 theo khoảng cách giữa 2 hàng kép là 100cm, hai hàng đơn là 40cm. Sử dụng nước giếng khoan hoặc nước sông suối tưới qua hệ thống nhỏ giọt, nước tưới phải đảm bảo độ pH từ 6 - 7, không mặn, không phèn.
“Sau khi được trồng từ 7 - 10 ngày, cây ra tua cuốn thì nhà vườn cần tiến hành treo dây để cố định cây. Giai đoạn cây ra hoa thì tiến hành thụ phấn bằng ong hoặc bằng phương pháp thủ công. Sau đó tỉa bỏ những nhánh phụ từ đốt 1 đến đốt 5. Từ đốt 6 trở đi bấm ngọn các nhánh phụ, chỉ để lại 2 đốt đầu tiên. Mỗi cây chỉ để 1 - 2 quả, sau đó tỉa hết cành nách tạo thông thoáng và hạn chế tiêu hao dinh dưỡng.
Sau khi trồng 40 ngày, quả phát triển đạt đường kính từ 2 - 4cm thì nhà vườn cần hãm ngọn để tập trung dinh dưỡng nuôi quản, quả lớn đều để đạt giá trị thương phẩm cao. Khi cây được 23 - 25 lá, nhà vườn cần bấm ngọn bên, chỉ chưa lại 2 lá/ngọn”, TS Phương cho hay.
Giống dưa leo F1 The Hunter 1.0 và dưa lưới Chu Phấn được đánh giá thích hợp cho SX trong nhà màng công nghệ cao tại Bình Ðịnh; cây sinh trưởng phát triển tốt, chỉ nhiễm sâu bệnh hại ở mức độ nhẹ, cho năng suất, chất lượng quả cao. Cây trồng trong nhà màng nên có thể SX 3 vụ/năm, SX trái vụ. Việc sử dụng nhà màng cũng kiểm soát được nhiều yếu tố tác động đến cây trồng, giảm chi phí đầu tư, công lao động và hạn chế đáng kể sử dụng thuốc BVTV. Ðây là những ưu điểm nổi bật của mô hình trồng dưa trong nhà màng và công nghệ tưới nhỏ giọt.
Kết quả đánh giá khảo nghiệm cho thấy, trên diện tích 1.000m2, mô hình dưa leo trồng trong điều kiện công nghệ cao cho năng suất 7.345kg; năng suất thực thu của giống dưa lưới Chu Phấn đạt từ 4.492 - 4.732kg/1.000m2. Hai khoản đầu tư quan trọng nhất của công nghệ này là: Nhà màng 30 triệu đồng/1.000m2 (khấu hao trong 20 vụ) và hệ thống tưới nhỏ giọt 30 triệu đồng (khấu hao trong 10 vụ). Với giá bán trung bình 10.000 đồng/kg dưa leo, doanh thu đạt 73,45 triệu đồng/vụ, sau khi trừ chi phí 58 triệu đồng/vụ, lãi ròng khoảng 15,45 triệu đồng/vụ. Thời gian 1 vụ của dưa lưới là 90 ngày, trên diện tích 1.000m2 cho năng suất đạt 4.612kg, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, doanh thu 92,24 triệu đồng, trừ chi phí 65,18 triệu đồng cho lãi ròng 27 triệu đồng.
“Với bước tiến của khoa học kỹ thuật hiện nay, nhà màng được sử dụng ngày càng phổ biến trong SXNN để bảo vệ cây trồng tránh được những bất lợi về thời tiết, hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV và giảm công lao động. Trên cơ sở kết quả đánh giá mô hình, chúng tôi đã đề nghị nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao để SX dưa chuột và dưa lưới trong nhà màng tại Bình Định và một số địa phương trong vùng duyên hải Nam Trung bộ có điều kiện tương tự”, ông Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ. |