Thực tế trước đây, trong những câu chuyện về thị trường heo toàn cầu gần như vắng bóng Trung Quốc. Hơn nữa, ngành heo của Trung Quốc có đặc trưng chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ nên người nuôi không có nhu cầu về di truyền học, thú y hoặc nguồn thức ăn nhập khẩu. Tuy nhiên, tất cả những điều này giờ đã thay đổi.
Chăn nuôi heo nông hộ ở Trung Quốc Ảnh: Pigprogress
Giai đoạn 2013/2014, sau khi truyền thông đưa tin hàng loạt heo chết được tìm thấy ở các khu vực công cộng tại Trung Quốc, chính quyền địa phương bị khiển trách. Nhiều vụ chăn nuôi phi pháp, không xin phép và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã khiến các nhà thực thi chính sách quốc gia buộc phải xem xét lại toàn ngành nông nghiệp nói chung và ngành heo nói riêng. Trong lúc đó, thịt heo liên tục lao dốc khiến thị trường ảm đạm, người chăn nuôi bế tắc.
Để thay đổi hình ảnh ngành nuôi heo, việc đầu tiên, Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt quản lý môi trường từ cấp quốc gia tới địa phương, chấp nhận ngành heo phải thu hẹp quy mô từ 50 triệu heo nái xuống 37 triệu con chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, đây là những bước khởi đầu cho ngành nông nghiệp Trung Quốc thực hiện công cuộc hiện đại hóa theo kế hoạch quốc gia lần thứ 13 đề ra trong năm 2016. Kết quả đã tạo ra sự chuyển biến lớn trong ngành heo khi hàng loạt hộ nuôi quy mô nhỏ dần chuyển sang nuôi công nghiệp và hiện đại. Tỷ lệ chăn nuôi heo gia hộ đã giảm từ 57% vào năm 2015 xuống dưới 52% tính đến cuối năm 2017, tương đương 66 triệu con heo, theo Cofco Meat.
Zhang Guangan, Giám đốc Hiệp hội Chăn nuôi heo Trung Quốc cho biết 10 hãng nuôi heo lớn nhất Trung Quốc đang nắm trong tay 5,8% sản lượng heo cả nước vào năm ngoái, tăng 2,8% so với năm 2016. Thị phần của những doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi heo tại Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng. Những lá cờ đầu như doanh nghiệp vốn nhà nước Cofco và Wens đang xây dựng hàng loạt trại nuôi heo ở những khu vực xa xôi hẻo lánh khắp Trung Quốc. Wen, công ty từng đạt sản lượng 17 triệu đầu heo vào năm ngoái trong cuộc đua tranh với công ty Smithfield của Mỹ đang đặt mục tiêu nâng cao sản lượng lên 27,5 triệu đầu heo trong 2 năm tới.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc cũng chấp thuận cho vay tối thiểu 3 tỷ Nhân dân tệ (450 triệu USD) tới năm 2020 để hỗ trợ công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp Trung Quốc. Hai chính sách này đã thay đổi cục diện ngành heo Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thay đổi của ngành heo cũng kéo theo những mối lo ngại như làm cách nào để bù lại lượng thịt heo đang bị thiếu hụt cho người tiêu dùng Trung Quốc khi số lượng đàn heo bị cắt giảm vào năm 2014/2015. Các nhà quản lý tại Trung Quốc phải chấp nhận giải pháp ngắn hạn là nhập khẩu. Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu heo vào năm 2015 và tăng lượng nhập khẩu lên gấp đôi trong năm 2016 lên 3 triệu tấn mỗi năm và trở thành nước nhập khẩu thịt heo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian này, ngành heo Trung Quốc đã bước lên vị trí sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới. Sự thay đổi này đã giúp ngành heo Trung Quốc linh hoạt hơn vì trực tiếp kết nối với thị trường toàn cầu, dần thu hút sự đầu tư và hợp tác của các doanh nghiệp chế biến thịt heo nổi tiếng tại châu Âu và Bắc Mỹ - chính thức đánh dấu kỷ nguyên mới của ngành heo Trung Quốc khi trở thành một mắt xích quan trọng của thị trường heo toàn cầu vì trực tiếp tác động đến giá heo trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc chuyển dịch sang chăn nuôi heo tập trung cường độ vốn đã bắt đầu nhưng vẫn còn cả một chặng đường dài mới đánh giá được kết quả trọn vẹn. Trước mắt có thể thấy ngành heo Trung Quốc đang hướng tới các công ty phương tây để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực gen di truyền, thiết bị chăn nuôi, thức ăn và kỹ năng quản lý trại nuôi và mở rộng sang các kỹ năng mềm như dịch vụ bác sĩ thú y, an toàn sinh học.
Trong khi dịch bệnh vẫn hoành hành, nhất là tại mô hình chăn nuôi gia hộ, cộng với quản lý yếu kém và lạc hậu, những kỹ năng quản lý thực sự cần thiết và có sức hút với ngành heo Trung Quốc. Chi phí sản xuất heo Trung Quốc lại tương đối cao so với các nước khác càng đặt ra nhu cầu cấp bách về đầu tư và nâng cao kỹ thuật chăn nuôi - đây cũng là sự chuyển dịch lớn nhất trong ngành heo Trung Quốc hiện nay.
Hiện có 8 doanh nghiệp lớn xác nhận kế hoạch sản xuất khoảng 17 triệu đầu heo mỗi năm ở Đông Bắc, vẫn còn cách xa kỳ vọng 120 triệu đầu con/năm của chính phủ - tương đương 20% tổng sản lượng heo của Trung quốc và tương đương sản lượng đầu ra của Henan và Sichuan, 2 tỉnh dẫn đầu Trung Quốc về nuôi heo. Nhiều chuyên gia lo ngại vùng Đông Bắc xa xôi và thời tiết lạnh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất nhưng các nhà quản lý ngành tại Trung Quốc vẫn lạc quan vào chiến lược mới và cho rằng, trong điều kiện tương tự nhưng Canada vẫn khắc phục được và trở thành nước xuất khẩu thịt heo thành công nhất thế giới.
Có thể thấy, ngành heo và chuỗi giá trị thịt heo của Trung Quốc đang thay đổi rất nhanh trong 5 năm trở lại đây. Vẫn chưa thể chắc chắn liệu chiến lược cải tổ ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc có thành công hay không, nhưng Trung Quốc đang dần chứng tỏ được khả năng thay đổi toàn cục diện ngành heo theo chiều hướng khá tích cực.
Chính quyền Bắc Kinh đang khuyến khích đẩy mạnh phát triển các tổ hợp chăn nuôi heo khép kín quy mô lớn tại Đông Bắc Trung Quốc để chống lại nạn ô nhiễm môi trường ở miền Nam và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng hóa ở Đông Bắc. |
Tuấn Minh
(Theo PigProgress)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;