Qua 8 năm thực hiện, dự án đã hình thành được các kỹ năng sản xuất tiêu bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người trồng và giữ vững được giá trị của hồ tiêu Bình Phước.
Tiêu sạch giá cao
Dự án chuỗi cung ứng tiêu bền vững được Sở NNPTNT Bình Phước và Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thực hiện từ năm 2013. Mục tiêu nhằm hỗ trợ phát triển các câu lạc bộ (CLB), tổ hợp tác và HTX sản xuất tiêu trên địa bàn đạt tiêu chuẩn RA (đủ chuẩn xuất khẩu) và bao tiêu sản phẩm.
Qua 3 năm, dự án này đã triển khai 32 mô hình trên 420ha của 640 hộ, tại 6 tỉnh (Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đăk Lăk và Đăk Nông). Kết quả ở mô hình dự án, chi phí sản xuất đầu vào đã giảm 4 triệu/ha. Đã có 1.276 tấn hồ tiêu được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Lãi thuần đạt đạt 37,6 triệu đồng/ha năm 2018; tăng lên 91 triệu đồng/ha năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Quân (xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng) cho biết, làm tiêu truyền thống rồi chuyển qua làm tiêu sạch là hướng đi tất yếu. Theo tiêu chuẩn mà Nedspice đưa ra, ngoài việc đảm bảo chất lượng hạt tiêu sạch thì môi trường đất canh tác cũng phải được cải thiện.
Vườn tiêu 1,8ha của ông luôn tạo được cảm giác thân thiện, không có mùi của thuốc BVTV. Cỏ trong vườn không bị phun thuốc hóa học mà giữ lại, rồi dùng máy phát để làm phân hữu cơ.
Quan trọng hơn là việc đảm bảo năng suất, sản lượng tiêu của nông dân đều được công ty hỗ trợ.
Ông Quân nhẩm tính, nếu làm tiêu thông thường, 1 nọc tiêu cho thu hoạch trung bình từ 2-2,5kg thì thì tiêu sạch theo hướng hữu cơ cho 2-2,2kg. Bù lại, giá thu mua tiêu sạch từ công ty chênh lệch từ 6.000-7.000 đồng/kg so với tiêu thường. "Vì thế, sản lượng dù thấp hơn nhưng hiệu quả lại cao hơn" - ông Quân nói.
Tại xã Nghĩa Bình hiện có đến 2 CLB hồ tiêu bền vững được thành lập. Trong đó CLB hồ tiêu Nghĩa Bình 1 đang có 48 thành viên tham gia với tổng diện tích 90ha.
Ông Biện Xuân Hai - Chủ nhiệm CLB Nghĩa Bình 1 cho biết đã tham gia dự án từ năm 2017. Lúc đầu, bà con cũng không hiểu nhiều về tiêu bền vững, việc thực hành còn gặp khó khăn. Đến năm 2018, từ khâu hỗ trợ kỹ thuật và chính sách thu mua của công ty, nhận thức của bà con về sử dụng thuốc BVTV đã thay đổi.
Ông Trần Văn Phương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước cho biết, toàn tỉnh có khoảng 17.000ha trồng tiêu. Từ 2013 đến nay, dự án đã thành lập được 66 CLB trồng tiêu bền vững với gần 2.000 hộ tham gia. Thời gian qua, khi thị trường giá tiêu giảm cùng với những tác động xấu từ dịch Covid-19, các CLB vẫn hoạt động hiệu quả.
"Đặc biệt là có 10 hộ tham gia dự án tiêu hữu cơ đã đạt chuẩn chất lượng và được cấp giấy chứng nhận" - ông Phương cho biết.
Chính sách từ doanh nghiệp
Niên vụ vừa qua, Công ty Nedspice đã thu mua hơn 4.000 tấn hồ tiêu của các CLB tham gia dự án, khoảng 10.000 tấn hồ tiêu của các các hộ ngoài dự án nhưng đạt yêu cầu kỹ thuật và chất lượng.
Ông Lê Thanh Hùng - cán bộ phụ trách chính sách của Nedspice cho biết, bên cạnh đội ngũ kỹ thuật thường xuyên đi kiểm tra vườn để giúp nông dân khắc phục thiếu sót, công ty cũng thường xuyên duy trì các chính sách khác để giúp nông dân yên tâm sản xuất. Ngoài chính sách thưởng sản lượng, nếu sản phẩm đạt chất lượng châu Âu thì sẽ thưởng từ 10% trở lên. "Chính sách ký gửi cũng là một phần hỗ trợ trong trường hợp bà con chưa muốn bán nhưng vẫn muốn có tiền để xoay vòng vốn đầu tư" - ông Hùng chia sẻ.
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, ban đầu, dự án thực hiện tại 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản. Từ năm 2015 đến nay, dự án đã nhân rộng ra toàn tỉnh. Không chỉ nhận thức sản xuất sạch thay đổi mà sự chênh lệch giá giữa các sản phẩm an toàn và không an toàn cũng giúp nông dân hướng đến sản xuất hữu cơ nhiều hơn. Thời gian tới, Sở NNPTNT sẽ cùng doanh nghiệp phát triển dự án theo hướng cấp mã vùng trồng và cấp mã cơ sở chế biến.
"Nhiều nông dân đang háo hức tham gia dự án này. Điều đó cho thấy hiệu quả thiết thực từ chuỗi liên kết hồ tiêu bền vững" - bà Tuyết chia sẻ.
Theo Trần Khánh/ Dân Việt
https://danviet.vn/binh-phuoc-doanh-nghiep-nha-nong-hop-tac-trong-tieu-sach-vuon-tieu-dep-nhu-tranh-gia-thi-cao-khoi-noi-20201207165559557.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã