Dự hội nghị ở điểm cầu Trung ương có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương Đảng. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dự hội nghị ở điểm cầu Trung ương có Ủy viên BCH Trung ương Đảng Lê Đình Sơn; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Trung Dũng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Tháng 2 năm 2013, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập. Từ đó đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt với nhiều biện pháp đồng bộ, bài bản. Ban chỉ đạo đã đưa hơn 800 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng vào diện theo dõi, chỉ đạo 3 cấp, trong đó, Ban chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc, đã xét xử 86 vụ án, 814 bị cáo với mức án nghiêm khắc.
Với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, công tác phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra cách làm cụ thể và phân tích một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện phòng chống tham nhũng. Từ đó, nêu rõ một số bài học kinh nghiệm đó là: trong thực hiện phòng chống tham nhũng phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng; phải xác định phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng; phải gắn công tác phòng chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao vai trò của Ban chỉ đạo Trung ương, sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và cho rằng: Kỷ luật Đảng đã đi trước, đã làm nghiêm tạo sức lan tỏa đối với các ngành thanh, kiểm tra khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Những kết quả có được là sự kế thừa cách làm trong nhiều nhiệm kỳ qua và ngày càng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của quần chúng Nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị (Ảnh TTVVN)
Phân tích một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị phải thực hiện nghiêm trên quan điểm: Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không ngoại trừ ai vì sự nghiệp chung, sự trong sạch, uy tín của Đảng và ý nguyện của Nhân dân. Công tác phòng, chống tham nhũng phải được làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới và xem đây là nền tảng làm trong sạch Đảng, chỉnh đốn Đảng. Xử lý tham nhũng tuyệt đối không chủ quan, không bằng lòng, kết hợp đấu tranh với răn đe, phòng ngừa. Gắn công tác phòng chống tham nhũng với phòng chống lãng phí và tăng cường học tập làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế đủ mạnh cho việc thực thi phòng chống tham nhũng và thực hiện nghiêm các quy định công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản lý tài sản đối với những cơ quan, tổ chức, những người có quyền lực. Kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực của những cơ quan, những cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng./.
Nguyễn Tâm/HTTV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã