Học tập đạo đức HCM

Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo xây dựng giải pháp tăng trưởng hậu Covid-19

Thứ bảy - 25/04/2020 10:17
Chiều ngày 24/4/2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ đã tham dự cuộc họp bàn về các giải pháp triển khai kế hoạch hành động của Bộ Công Thương sau giai đoạn giãn cách xã hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực trong việc phòng, chống dịch thời gian vừa qua. Tuy nhiên, dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp, khó lường. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành phải đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở tiếp tục duy trì, phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp này trên cơ sở đánh giá, rà soát lại toàn bộ những nhiệm vụ đã triển khai thời gian vừa qua và những nhiệm vụ triển khai thời gian tới, trong bối cảnh mới, đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế xã hội cũng như tạo điều kiện đảm bảo đời sống về kinh tế xã hội của nhân dân.

Lãnh đạo Bộ hy vọng các đơn vị thuộc Bộ sẽ có những đánh giá tình hình cụ thể và quán triệt đầy đủ hơn nữa tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong việc thực hiện nhiệm vụ kép: vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế. Theo Bộ trưởng, việc chuyển sang một trạng thái mới (khi dịch bệnh tại Việt Nam tạm thời được kiểm soát nhưng trên thế giới còn diễn biến phức tạp) không phải đơn thuần là chúng ta chuyển đổi tình trạng của doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội mà quan trọng hơn là chúng ta phải có các giải pháp căn cơ, thấu đáo hơn, gắn với tình hình thực tế.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Báo cáo chung tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng cho biết, việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ các nhiệm vụ được Bộ đề ra tới nay đã cho thấy những kết quả tích cực, cả trong công tác phòng chống dịch bệnh, cả trong công tác tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được thực hiện tốt, bảo đảm được trật tự thị trường trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo đó, lũy kế từ ngày 31/01 đến ngày 23/4/2020, số vụ kiểm tra, giám sát của lực lượng Quản lý thị trường là 8.445 vụ; số tiền xử phạt vi phạm hành chính ước đạt 4,33 tỷ đồng.

Công tác bảo đảm sản xuất, cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang chống giọt bắn cho nhu cầu sử dụng của người dân trong thời gian qua được thực hiện tốt. Theo đó, tới nay về cơ bản các doanh nghiệp trong nước đã chủ động sản xuất và đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu trong nước và đủ năng lực để sản xuất phục vụ xuất khẩu. Cho đến nay, năng lực cung ứng khẩu trang vải đã lên tới trên 11 triệu chiếc/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu khẩu trang vải phòng chống dịch bệnh và phục vụ cho xuất khẩu. 

Để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận các điểm bán khẩu trang vải (khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn, khẩu trang vải thường) trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương đã cung cấp và liên tục cập nhật danh sách các điểm bán khẩu trang vải các loại trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trong cả nước và danh sách các điểm bán khẩu trang tại các hệ thống phân phối trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương và Chuyên trang hành động phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ.

Về khơi thông cho xuất khẩu, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho biết, Bộ Công Thương liên tục bám sát tình hình từ những ngày cuối tháng 1 năm 2020 và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp để vừa bảo đảm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa xử lý những ách tắc ở cửa khẩu phù hợp với diễn biến tình hình ở phía Việt Nam cũng như phía các nước..

Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông, thời gian qua, Bộ đã tập trung kết nối với hệ thống phân phối trong nước để giải phóng một lượng lớn hàng hóa, đặc biệt là nông sản vào vụ thu hoạch, giảm áp lực cho xuất khẩu trong giai đoạn gặp khó khăn. Theo đó, hầu hết các hệ thống phân phối lớn tại Việt Nam đều tham gia hoạt động kết nối, tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân. Ông Trần Duy Đông nhấn mạnh, một trong các giải pháp rất hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa là thông qua môi trường thương mại điện tử - gian hàng Việt.

Đồng tình với ý kiến của Vụ trưởng Trần Duy Đông, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số cho biết, thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh đã có một "cú hích" đáng kể. Rất nhiều người, nhiều doanh nghiệp chưa tham gia TMĐT, giờ đã tham gia. Những mặt hàng chưa từng có mặt trên sàn TMĐT, giờ cũng đã xuất hiện. Cục trưởng chia sẻ thêm, thời gian vừa qua, Cục đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, việc hỗ trợ người dùng tập trung hỗ trợ khâu thanh toán; đối với doanh nghiệp thì hỗ trợ xây dựng website, đào tạo trực tuyến các kỹ năng cơ bản. Cục trưởng cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, Cục đã tổ chức đào tạo được 5 lớp với đông đảo các học viên tham gia. 

Theo báo cáo, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thường xuyên kiểm tra, rà soát việc niêm yết giá nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm, gian hàng vi phạm và thông báo tới người bán về việc không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá các sản phẩm hàng hóa phục vụ phòng dịch gây mất ổn định thị trường. Tính đến ngày 24/4/2020, các Sàn Thương mại điện tử đã xử lý gỡ bỏ tổng cộng khoảng 17.310 gian hàng và khoảng 34.480 sản phẩm vi phạm.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Cục đã thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại áp dụng ngay các phương thức xúc tiến thương mại hiệu quả trong mùa dịch như xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá thương hiệu thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử, khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin như phần mềm ứng dụng trên máy tính và điện thoại di động... trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Làm tốt công tác bình ổn, kiểm soát thị trường

Thứ trưởng Đặng Hoàng An

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, bối cảnh dịch bệnh cho thấy Covid-19 không khiến tất cả đều màu xám,"trong nguy có cơ", chẳng hạn như "cú hích" trong lĩnh vực thương mại điện tử và khả năng sản xuất thiết bị y tế của ta rất tốt. Bên cạnh đó, nhờ nỗ lực rất lớn, số liệu xuất khẩu tại nhiều thị trường vẫn tăng trong những tháng vừa qua. Thứ trưởng biểu dương thành công trong việc giữ ổn định tại thị trường trong nước, và khẳng định, đây là tiền đề quan trọng nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao việc Bộ Công Thương đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng, Bộ cũng đã rất tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. 

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng đồng tình với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khi đánh giá việc đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu và kiểm tra, giám sát tốt thị trường của Bộ Công Thương giai đoạn vừa qua đã góp phần không nhỏ trong thành tựu kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ. Theo Thứ trưởng, để khôi phục sản xuất kinh doanh, chúng ta phải có hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp thông qua gói hỗ trợ "đầu vào", "đầu ra". Thứ trưởng cho biết, nếu thời gian tới, Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn, Vụ Chính sách thương mại đa biên và 2 Vụ thị trường ngoài nước cần phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu và khai thác tốt những cơ hội từ Hiệp định này. Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Vụ Khoa học - công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các chương trình chuyển đổi số.

Tập trung triển khai các nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương - trực tiếp là Ban Chỉ đạo của Bộ đã bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh và có chỉ đạo sát sao các đơn vị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Bô Công Thương đánh giá, qua báo cáo đánh giá chung và báo cáo của Lãnh đạo các đơn vị tại buổi làm việc cho thấy, kết quả đạt được tới nay rất tích cực. Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao tất cả các đơn vị thuộc Bộ đã nghiêm túc, nỗ lực triển khai với tinh thần trách nhiệm cao.

Với yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới hiện nay, Bộ trưởng yêu cầu:

Trước hết, tiếp tục quán triệt yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm các qui định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và các Quyết định, Chỉ thị của Bộ trong công tác phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo các Kế hoạch, Chương trình hành động của Bộ đã xây dựng và ban hành. 

Tiếp tục bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh ở trong và ngoài nước, tiến hành rà soát, đánh giá tác động của dịch bệnh đến từng ngành, lĩnh vực và cập nhật kịch bản tăng trưởng, đề xuất giải pháp ứng phó.

Tiến hành ngay việc xây dựng Kế hoạch công tác cụ thể của Đơn vị để chủ động thực hiện trong giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và đặc biệt là sau khi chấm dứt dịch bệnh, tập trung triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 và những năm tiếp theo.

Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ, theo các lĩnh vực cụ thể như:

Đối với các đơn vị phụ trách sản xuất, tập trung rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành (đặc biệt là các ngành trọng điểm như: dệt may, da giày, điện tử, sản phẩm cao su, đồ gỗ, chế biến thực phẩm, phân bón, hóa chất...) để có kế hoạch cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất và sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu khi tình hình dịch bệnh ở các nước được kiểm soát tốt hơn.

Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại và các Vụ Thị trường ngoài nước phải có kế hoạch cụ thể để thúc đẩy xuất khẩu cho từng mặt hàng, từng thị trường để khai thác ngay trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn hậu dịch bệnh. Đối với hoạt động xúc tiến thương mại nửa cuối năm 2020, cần đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi, xây dựng kế hoạch và các hoạt động triển khai linh động bám sát vào tình hình hồi phục và nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch tại các thị trường để có thể triển khai ngay hoạt động xúc tiến thương mại.

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Cục Xúc tiến thương mại cần khẩn trương xây dựng Kế hoạch để triển khai các nội dung thống nhất giữa Bộ trưởng Công Thương với Bộ trưởng Thương mại và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm đưa các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hai nước vào thực hiện để thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương.

Các Vụ Thị trường ngoài nước phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu có đánh giá và đưa ra đối sách để kịp thời khai thác, phát triển các thị trường xuất khẩu mới để kịp thời thay thế, bổ sung các thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn bởi tác động của dịch bệnh Covid-19; tập trung vào các thị trường có sự kiểm soát tốt dịch bệnh để đẩy mạnh khai thác các khung khổ hợp tác thương mại song phương, đa phương, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sớm tiếp cận thị trường.

Vụ Chính sách thương mại đa biên cần tập trung xử lý tốt vấn đề về trình thông qua EVFTA tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV trong tháng 5 tới đây. 

Vụ Thị trường trong nước cần phải có kế hoạch và giải pháp cụ thể để thúc đẩy thương mại trong nước, đặc biệt là trong giai đoạn hậu dịch bệnh Covid-19. Coi đây là động lực quan trọng để phục vụ tăng trưởng của năm 2020 và những năm tiếp theo, khi thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu trong ngắn hạn để kịp thời có giải pháp điều hành, bình ổn thị trường. Sớm chuẩn bị phương án thực hiện triển khai các hoạt động kết nối cung cầu sau dịch nhằm tạo thuận lợi tiêu thụ của hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại thông qua thực hiện các đề án, chương trình, mục tiêu về phát triển thương mại và thị trường trong nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ trưởng giao Văn phòng Bộ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đảm bảo hạ tầng kỹ thuật cho các cuộc họp trực tuyến của Lãnh đạo Bộ với Chính phủ; tiếp tục hướng dẫn các đơn vị trong Bộ xử lý công việc trên môi trường trực tuyến, sử dụng hệ thống văn bản điện tử iMOIT để xuyên suốt và hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành và đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh thực hiện các chương trình chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh và phương thức làm việc.

Cục Phòng vệ thương mại bám sát diễn biến thị trường, hết sức lưu ý để có biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp trước diễn biến phức tạp từ tình hình thế giới. Theo dõi sát tình hình và chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng có phương án báo cáo, phối hợp để nghiên cứu và áp dụng ngay các biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp hàng hóa tồn đọng, tồn kho do dịch bệnh Covid-19 tại các nước xuất khẩu ồ ạt tràn vào thị trường trong nước với giá thấp, nhằm đảm bảo cạnh tranh trong nước và năng lực sản xuất nội địa.

Tổng cục Quản lý thị trường khẩn trương hoàn tất báo cáo, biên bản pháp lý liên quan đế việc nhập lậu mặt hàng thịt lợn để chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định; xem xét đề xuất với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia để xử lý nghiêm các hành vi tiếp tay cho việc buôn lậu; báo cáo Thứ trưởng Đặng Hoàng An để chỉ đạo.

Vụ Kế hoạch có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng Kế hoạch chung của Bộ để báo cáo Lãnh đạo Bộ xem xét, cho ý kiến và trình Bộ trưởng quyết định ban hành.

Bộ trưởng nhấn mạnh, các đơn vị trong Bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch công việc cụ thể để thực hiện cho giai đoạn tới đây, đặc biệt là sau khi dịch bệnh kết thúc, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, bảo đảm yêu cầu về tăng trưởng cho năm 2020 và những năm tiếp theo; tiếp tục tăng cường theo dõi sát tình hình, duy trì quan hệ làm việc chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng để cập nhật kịp thời những diễn biến mới tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hội, từ đó có biện pháp đề xuất, hoàn thiện và đảm bảo hiệu quả chung trong chính sách điều hành của Chính phủ cũng như của Bộ Công Thương.

https://www.moit.gov.vn/


Hồng Hạnh, Phương Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập293
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm292
  • Hôm nay21,206
  • Tháng hiện tại264,962
  • Tổng lượt truy cập90,328,355
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây