Chuyển đổi cây trồng
Là một trong những người đam mê làm kinh tế trang trại, ông Bế Văn Mai (tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) đã tự mình vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Sau hàng chục năm gắn bó với cây cao su, ông có nguồn thu nhập lớn từ 17 ha cây "vàng trắng" này.
Tuy nhiên, vào năm 2013, sau một cơn bão lớn, vườn cao su 17 ha của gia đình ông đã bị gãy đổ. Nhớ lại chuyện cũ, ông Mai chia sẻ: “Sau cơn bão kinh hoàng đó, toàn bộ cơ ngơi trang trại vợ chồng tôi gây dựng gần như mất trắng. Phải hơn một năm sau, vợ chồng tôi mới dần khôi phục, ổn định lại cuộc sống”.
Vốn là người làm ăn kinh tế giỏi, dám nghĩ, dám làm, ông Mai quyết tâm tiếp tục tìm hướng đi mới cho trang trại của gia đình. Từ việc đi tham quan, học hỏi các mô hình trồng cam ở các tỉnh, như: Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh…, nhận thấy hiệu quả cây cam mang lại trên những vùng đất gò đồi của tỉnh bạn, ông Mai quyết định chuyển đổi từ cây cao su sang trồng cam. Từ 3 ha đất trồng cam năm 2015, đến nay, trang trại của ông Mai đã có 7ha trồng cam các loại, như: V2, lòng vàng, xã Đoài…
Ông Bế Văn Mai (thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) phấn khởi thu hoạch mùa cam thứ hai của gia đình
Để tìm hướng đi mới cho vùng gò đồi, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều hộ dân ở các xã: Trường Thủy (huyện Lệ Thủy); Phú Định, Sơn Lộc, Hòa Trạch (huyện Bố Trạch); Lê Hóa, Nam Hóa (huyện Tuyên Hóa)… đã mạnh dạn chuyển đổi đất vườn từ trồng cao su, keo, tràm… sang trồng cây cam.
Bà Trần Thị Mai (thôn Trường Giang, xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết: “Với mong muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả trên diện tích đất gò đồi của gia đình, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh, tôi đã mạnh dạn đưa giống cam mật Hiền Ninh về trồng. Cây cam Hiền Ninh có ưu điểm cây khỏe, nhiều trái, mỏng vỏ và ngọt thanh, có sức chống chịu với mưa gió, sâu bệnh”.
Mang về “quả ngọt”
Ông Lê Thuận Trung, Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh cho biết, Quảng Bình là địa phương có địa hình hẹp và dốc từ phía Tây sang phía Đông, 85% tổng diện tích tự nhiên là đồi núi, có tiềm năng để phát triển, tăng diện tích trồng các loài cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày... Nhận thấy cam là cây trồng đưa lại hiệu quả kinh tế cao, có sức chịu nắng, gió, mưa bão tốt và phù hợp với đất gò đồi, những năm qua, Trung tâm KN-KN tỉnh đã hỗ trợ bà con nông dân triển khai nhiều mô hình trồng cam thâm canh, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất, trước khi thực hiện mô hình, Trung tâm KN-KN tỉnh đã tiến hành khảo sát, lựa chọn địa điểm phù hợp để trồng cam; hỗ trợ các hộ tham gia mô hình đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các vườn cam đã thành công ở tỉnh bạn; tập huấn kỹ thuật... Trong quá trình thực hiện mô hình, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm sẽ thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn bà con về cách chăm sóc, phát triển cây...
Bà Trần Thị Mai chia sẻ: “Khi mới bắt đầu triển khai trồng, tôi khá lo lắng vì chưa biết nhiều về giống cam mật Hiền Ninh. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KN-KN tỉnh trong cách trồng, chăm bón cây… nên vườn cam của tôi đã phát triển xanh tốt. Với 60 gốc cam, vụ thu hoạch đầu tiên (năm 2019) đạt khoảng 1 tấn quả, tôi bán được khoảng 20 triệu đồng. Năm nay, quả sai hơn, vườn cam đạt khoảng 3 tấn quả”.
Phát huy thế mạnh của vùng gò đồi, đất đai rộng, nhiều hộ gia đình khác tại xã Trường Thủy, như: bà Nguyễn Thị Kiên, ông Nguyễn Văn Hóa… cũng triển khai mô hình trồng cam và cây đã bắt đầu cho những trái ngọt đầu tiên.
Trong những mô hình trồng cam hiện nay trên địa bàn tỉnh, có thể thấy mô hình của ông Bế Văn Mai là một trong những vườn cam tiên phong, mang lại hiệu quả rõ nét. Để có được thành công đó, ông Mai đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng cam theo hướng VietGAP; việc phòng trừ sâu bệnh và các loại côn trùng đều được thực hiện bằng phương pháp an toàn sinh học để cây cam đạt năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Sau 4 năm chăm sóc, 3 ha cam đầu tiên của ông Mai đã cho thu hoạch trái. Cầm những trái cam to, vàng, mọng nước trên tay, ông Mai phấn khởi chia sẻ: “2019 là năm đầu thu hoạch nên năng suất cam chỉ mới đạt khoảng 15 tấn/ha. Năm nay, năng suất có tăng lên một chút, đặc biệt vài năm nữa, khi bước vào thu hoạch đại trà, nếu thuận lợi, cam sẽ cho năng suất cao từ 30 tấn/ha trở lên, mang lại nguồn thu từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha”.
Theo ông Lê Thuận Trung, Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh, mặc dù cây cam phù hợp trồng ở vùng gò đồi, có khí hậu khắc nghiệt, tuy nhiên, cây cam đòi hỏi khá cao về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Do đó, người trồng cần phải nghiêm túc thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật trồng cam; đặc biệt, giống cam phải được chọn mua ở các địa chỉ uy tín, chất lượng nhằm tránh việc đầu tư không mang lại hiệu quả…
Thùy Trang - Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;