Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương báo cáo về công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng. Công văn nêu rõ, hai bộ Tài chính và Công Thương phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 18/4.
Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa có báo cáo của DN với các phản ánh về việc “có dấu hiệu cạnh tranh chưa lành mạnh” trong giao dịch thương mạị liên quan tới hạn ngạch xuất khẩu 400 ngàn tấn gạo vừa qua.
Chỉ trong khoảng 3 tiếng đồng hồ từ 0h ngày 12/4, hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu đã được lấp đầy. Không ít DN (chủ yếu là DN vừa và nhỏ) cho rằng việc mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm, không thông báo trước là không minh bạch khiến nhiều DN không kịp trở tay.
DN cho rằng, việc xuất khẩu bị ngưng trệ nhưng các chi phí sản xuất, chi phí quản lý, tiền lương vẫn phát sinh và thậm chí mỗi một ngày trôi qua chất lượng hàng hóa đó cũng bị ảnh hưởng. Nếu các lô hàng hóa không được thông quan và xuất khẩu, các thương nhân sẽ bị thiệt hại nặng nề lên tới hàng tỷ đồng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phía Hiệp hội cho rằng nếu không thông quan và xuất khẩu được gạo trong tháng 5 thì một số thương nhân không còn tiền để trả nợ ngân hàng, ảnh hưởng uy tín. Do vậy phía thương nhân kiến nghị, cần giải tỏa toàn bộ lượng gạo hàng hóa đã sẵn sàng tại các cảng, và cho thông quan hết toàn bộ số lượng gạo hàng hóa đã nằm trên cảng trong thời gian sớm nhất có thể, ước tính số lượng thực tế không vượt quá 300.000 tấn.
Đại diện Hiệp hội này cũng góp ý, cơ quan Hải quan xem xét tạo điều kiện phân luồng xanh và luồng vàng cho các lô hàng đã sẵn sàng ở cảng khi khai báo hải quan để được thông quan nhanh chóng.
Riêng với hạn ngạch 400.000 tấn, Hiệp hội lương thực kiến nghị tiến hành kiểm hóa thực tế đối với các thương nhân đã truyền tờ khai, kiểm tra số container, số seal (niêm phong) thực tế của container hàng có đúng với số lượng đã truyền qua mạng để mở tờ khai hay không. Vừa kiểm tra vừa xuất hàng thực tế bị tồn đọng tải cảng, vừa phát hiện được thương nhân khai báo khống nhằm giữ hạn ngạch.
Hiệp hội Lương thực cũng đề nghị Tổng cục Hải quan công khai minh bạch về thời gian mở hệ thống cho khai hải quan, có văn bản triển khai cụ thể để Cục hải quan địa phương thực hiện.
Về phía Hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định: Hệ thống thông quan điện tử của hải quan Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản tài trợ và đã được thông quan tự động từ mấy năm nay, tất cả tờ khai, thủ tục hải quan thực hiện trên điện tử 24/7, tức là doanh nghiệp khai mọi lúc mọi nơi, không có sự can thiệp, tác động chủ quan của công chức hải quan.
Các doanh nghiệp tự động đăng ký tờ khai giống như các hàng hóa khác nhưng chỉ khác điều kiện là chỉ giới hạn trong 400.000 tấn gạo.
Chưa có chế tài
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, theo thống kê, từ 0 giờ ngày 12/4, có 39 DN đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo, số lượng hạn ngạch đạt 400.000 tấn theo Quyết định của Bộ Công Thương.
Ông Tuấn chia sẻ: Hải quan làm hoàn toàn tự động tiếp nhận tờ khai đăng ký và tự động chấp nhận tờ khai, trung bình một tờ khai từ khi đăng ký đến khi nhận lại kết quả chỉ trong vòng vài giây.
Tuy nhiên, cũng từ việc rà soát số lượng DN đăng ký các tờ khai xuất khẩu, Tổng cục Hải quan nhận thấy có dấu hiệu khá bất thường.
Đó là, trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu, có những DN đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo (theo đấu thầu của Tổng cục Dự trữ Quốc gia) nhưng không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng. Nhưng khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu thì các DN này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng ngàn tấn gạo.
Theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, các DN cũng phải có trách nhiệm dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng xuất khẩu của DN trong 6 tháng trước đây.
Dù vậy, đáng tiếc là hiện chưa có chế tài buộc DN phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu gạo dự trữ quốc gia thì mới được xuất khẩu.
Ông Âu Anh Tuấn cho rằng, cần xem xét lại quy định quản lý xuất khẩu gạo, thay vì phân bổ hạn ngạch tổng lượng hàng tháng, có thể đấu giá hạn ngạch (như mặt hàng đường), dựa trên nguyên tắc DN tham gia đấu giá đáp ứng điều kiện xuất khẩu theo quy định.
Bên cạnh đó, ông Âu Anh Tuấn cho rằng, DN phải thực hiện hợp đồng cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia và DN phải ký hợp đồng với một siêu thị liên kết để cam kết đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của DN trong 6 tháng trước, đảm bảo cung ứng ra thị trường khi Chính phủ và các bộ, ngành có yêu cầu.
Đây phải được xem là điều kiện cần để DN tham gia đấu giá hạn ngạch, chỉ khi đó mới được tham gia vào đấu giá hạn ngạch. Như vậy DN sẽ chủ động hơn, khi có hạn ngạch rồi DN sẽ thực hiện ký hợp đồng và thực hiện đăng ký tờ khai xuất khẩu, không dẫn đến tình trạng như thời gian vừa qua, những DN nào đăng ký tờ khai trước sẽ chiếm hết hạn ngạch của DN đăng ký tờ khai sau.
Bên cạnh đó, ông Âu Anh Tuấn cũng kiến nghị cần có sự phối hợp thông tin tốt hơn giữa các đơn vị liên quan và DN khi chính sách thay đổi.
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;