Từ nguồn kinh phí sự nghiệp khuyến nông là 150 triệu đồng kết hợp vận động chủ tàu trang bị thêm, Trung tâm đã tổ chức lắp đặt trên 01 tàu nghề chài chụp (tàu QN 90998 TS- 430cv) của ông Nguyễn Văn Đãng (phường Hà An, thị xã Quảng Yên) và 01 tàu pha xúc (tàu QN 90008 TS- 680cv) của ông Nguyễn Đăng Dựng (phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên). Số lượng đèn thử nghiệm là 78 chiếc (18 loại 200W, 60 chiếc loại 300W).
Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ thử nghiệm ở mức độ “bổ sung ánh sáng” và chưa có kết quả rõ nét. Trung tâm Khuyến nông tiếp tục vận động, phối hợp doanh nghiệp các chủ tàu và các nhà khoa học để tìm kiếm nguồn kinh phí lắp đặt thay thế hoàn toàn cho 02 tàu chài chụp (tàu QN 91582 TS - 350cv của ông Đỗ Văn Thành, phường Tân An, thị xã Quảng Yên và tàu QN 90368 TS - 829cv của ông Đinh Hữu Hường nghiệp đoàn đánh cá Cẩm Phả) với tổng số đèn Led đưa vào thử nghiệm là trên 500 chiếc, tổng giá trị là trên 2 tỷ đồng.
Đây được coi là cuộc thử nghiệm có quy mô lớn nhất, bài bản nhất tính đến thời điểm này tại Việt Nam. Các kết quả từ thử nghiệm đã cho thấy các ưu điểm cơ bản của đèn Led: Lắp đặt, thay thế, vận hành thuận lợi và an toàn hơn so với đèn Siu; Thiết kế nhỏ, gọn, hạn chế rung, lắc khi tàu vận hành và di chuyển; Tính ổn định của bóng đèn cao, khả năng chống ăn mòn và chịu va đập tốt; Không gây nhiễu sóng các thiết bị hàng hải; Các yếu tố về cường độ, màu sắc ánh sáng có thể chủ động hoàn toàn do công nghệ sản xuất; Lượng dầu dùng máy phát điện giảm từ 40 – 60 %, tỷ lệ thuận với tỷ lệ thay thế giữa đèn Led/Siu (do sử dụng máy phát điện có sẵn trên tàu). Tỷ lệ thay thế càng cao thì lượng dầu tiết kiệm càng lớn, máy càng hoạt động ổn định. Trong quá trình di chuyển và dò tìm cá có thể tắt khoảng 50-80% số đèn nên tiết kiệm nhiên liệu đáng kể do đèn Led có thể tắt/bật ngay lập tức và không phụ thuộc vào thời gian nguội bóng (10 - 15 phút) như bóng đèn Siu nên số lượng mẻ đánh bắt tăng được khoảng 15 -20%. Đèn Led đặc biệt phù hợp và có thể thay thế hoàn toàn trên tàu pha – xúc.
Kết quả theo dõi ghi chép của chủ tàu pha xúc và tàu chài chụp thử nghiệm so với tàu đối chứng (tương đồng về các điều kiện) cho thấy: Sản lượng đánh bắt tăng không nhiều nhưng tàu pha xúc tiết kiệm được 12 triệu đồng tiền dầu mỗi tháng; Đối với tàu chài chụp, hiệu quả của chuyến đi biển tăng từ 25 – 35% do chi phí dầu máy phát điện ít hơn 42% (mỗi đêm giảm trung bình 180 lít dầu). Công nhân cảm thấy dễ chịu và thoải mái khi nhiệt độ trên boong tàu không tăng so với môi trường, thị lực ổn định, máy tàu vận hành nhẹ nhàng.
Trên cơ sở kết quả thử nghiệm, ngày 18/4/2019, tại thành phố Hạ Long, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức “Hội nghị tổng kết mô hình thử nghiệm, ứng dụng công nghệ đèn LED trong khai thác hải sản xa bờ”. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, chính quyền và cơ quan chức năng của một tỉnh chủ trì đợt thử nghiệm khoa học quan trọng này. Hội nghị nhất trí đánh giá đợt thử nghiệm đã thành công trên nhiều lĩnh vực, thử nghiệm được tiến hành rất bài bản, khoa học với sự tham gia của nhà khoa học, nhà cung cấp, chủ tàu và chính quyền địa phương, thử nghiệm đã rút ra được những bài học quý giá để chuẩn bị triển khai nhân rộng mô hình trong phạm vi toàn tỉnh…
Tiềm năng ứng dụng tại Quảng Ninh
Tính đến tháng 3/2020, tại Quảng Ninh có 8.460 tàu khai thác thủy sản, trong đó số tàu đã đăng ký hoạt động khai thác vùng khơi có chiều dài 15m trở lên là 240 tàu, nghề lưới chụp xa bờ là 102 tàu. Đội tàu khai thác được trang bị khá hiện đại theo mặt bằng chung cả nước, đi đầu trong sử dụng công nghệ mới áp dụng cho tàu khai thác xa bờ được áp dụng như: Ứng dụng máy dò ngang trên tàu chài chụp kết hợp ánh sáng; Ứng dụng công nghệ Polyurethane trong bảo quản sản phẩm trên tàu cá; Ứng dụng mô hình lưới rê cá chim cho tàu khai thác xa bờ... Khu vực tập trung lớn tàu khai thác thủy sản tại Móng Cái, Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí…
Với lượng dầu tiết kiệm trung bình khoảng 180 lít/tàu/đêm, mỗi tàu đã tiết kiệm xả thải ra môi trường là 540 kg khí CO2. Quảng Ninh hiện có 102 tàu chài chụp, nếu sử dụng hoàn toàn đèn Led thì mỗi đêm tiết kiệm được khoảng 18.360 lít dầu và tiết kiệm xả thải 55.080 kg khí CO2/đêm. Con số này sẽ vô cùng lớn nếu tính cho toàn thời gian khai thác trên biển trong năm của mỗi tàu là khoảng 200 – 250 đêm khai thác/năm, rất ý nghĩa trước yêu cầu bức thiết của xã hội là giảm phát thải nhà kính trong điều kiện Việt Nam chủ động và tích cực tham gia thực hiện Nghị định thư Montreal nhằm bảo vệ tầng ô-zôn. Phù hợp với định hướng phát triển theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường, nhằm giảm thiểu và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Những khó khăn trong triển khai ứng dụng
Mặc dù áp dụng công nghệ đèn Led cho tàu chài chụp khai thác thủy sản có nhiều ưu điểm, lợi thế rõ ràng so với đèn truyền thông (đèn Siu) trên các phương diện kinh tế, xã hội và môi trường và nhu cầu thay thế đèn Led trên tàu chài chụp đang có xu hướng tăng nhanh. Song trên thực tế, việc nhân rộng cũng còn gặp nhiều khó khăn như: Giá thành đèn Led đang ở mức giá rất cao so với đèn Siu; Chi phí thay thế toàn bộ đèn Led cho mỗi tàu chài chụp khá lớn (300 – 1.250 triệu, gấp trên 2 lần đèn Siu); Việc tác động vào nhận thức, tập quán sản xuất của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn do bà con chưa muốn thay hệ thống thiết bị truyền thống đã đầu tư, đặc biệt là máy phát điện, dàn đèn; Việc chia sẻ thông tin giữa bà con ngư dân cũng khá hạn chế, một phần do điều kiện hoạt động đánh bắt trên biển, một phần do nhu cầu giữ bí quyết khai thác (ngư trường, trang bị, kinh nghiệm…).
Ngoài ra, qua một số chương trình, mô hình thử nghiệm thì vị trí lắp đặt đèn Led cũng chưa được ưu tiên ở các vị trí phù hợp làm cho tính hiệu quả sử dụng đèn Led chưa rõ. Mặt khác, các nhà sản xuất chưa có nhiều nghiên cứu để điều chỉnh nhiệt độ màu của đèn Led phù hợp với cảm nhận của các chủ tàu theo yêu cầu đánh bắt các loại thủy sản.
Những “cú hích” từ chính sách phát triển
Ngành thủy sản Quảng Ninh nói chung và ngành khai thác thủy sản có ý nghĩa đặc biệt quan trong tỷ trọng phát triển kinh tế của tỉnh. Nhận thức được tầm quan trọng này, tỉnh đã ban hành hàng loạt các chính sách nhằm tác động phù hợp, mang tính đột phá nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh từ kinh tế biển. Đây là bước đi quan trọng, ghi nhận tầm nhìn phát triển kinh tế biển của tỉnh trong lĩnh vực khai thác thủy sản.
Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong cả nước về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, những bứt phá mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang dần là bước đệm vững chắc để Quảng Ninh nỗ lực trong tiến trình thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng theo phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tăng trưởng xanh... Với việc triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ đèn Led cho tàu chài chụp khai thác thủy sản xa bờ tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2020 - 2021” góp phần hướng tới xây dựng và phát triển toàn diện khu vực kinh tế biển, đảo gắn chặt với đảm bảo quốc phòng an ninh, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là hết sức thiết thực và ý nghĩa.
Nguyễn Bá Lâm
Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;