Nông thôn tương đối “yên ổn”
Ông Hồ Xuân Hùng cho rằng, đến bây giờ chưa dự đoán nổi xu hướng dịch Covid-19 nên tính toán để cho phát triển sắp tới trong lĩnh vực nông nghiệp là rất khó khăn. Dù vậy, ông tin rằng khả năng sức bật nhanh nhất vẫn là nông nghiệp.
Chế biến trái cây để xuất khẩu tại Nhà máy Tanifood ở huyện Gò Dầu, Tây Ninh. Ảnh: T.L
Theo Bộ NNPTNT, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm ước đạt gần 15,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu 9,06 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết, các mặt hàng xuất khẩu đều giảm kim ngạch, trừ gạo, rau, sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre… |
Theo ông, dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn?
- Ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất của dịch Covid-19 là người lao động. Cũng rất may trong đợt dịch này, ở nông thôn chúng ta còn tương đối yên ổn. Tôi nói tương đối vì cũng có một thực trạng không ít vùng nông thôn đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do con em ở nước ngoài về hoặc người từ nơi khác đến, người mang mầm bệnh về…
Thứ hai, người dân hiện nay chỉ cần được đáp ứng yêu cầu cơ bản, thiết yếu; những khu vui chơi, giải trí gần như không có, nên nhu cầu giảm nặng, giảm sâu.
Thứ ba, ảnh hưởng nặng cả xuất - nhập khẩu. Rất nhiều sản phẩm thiết yếu của công nghiệp và nông nghiệp đều phải nhập, ngược lại các sản phẩm xuất khẩu của ta, qua 3 tháng vừa rồi tỷ lệ tăng không đáng kể và nhiều mặt hàng bị giảm.
Thứ tư, rõ ràng cho đến bây giờ cũng chưa dự đoán nổi xu hướng, cho nên tính toán để cho phát triển sắp tới trong lĩnh vực nông nghiệp là rất khó khăn.
Thứ năm, phần lớn sản phẩm nông nghiệp là nguyên liệu của công nghiệp, mà công nghiệp đang bị đình trệ một cách nghiêm trọng.
Đấy là những cái chúng ta phải thấy được cái ảnh hưởng, tác động như thế để tính toán cho xu hướng sắp tới. Bên cạnh đó, cũng phải thấy trong khi một số ngành khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là du lịch, công nghiệp, rồi các dịch vụ, xây dựng... thì những sản phẩm thiết yếu không thể bỏ được nên chúng ta còn có cơ để cứu vãn.
Thực tế, sản xuất nông nghiệp ở nông thôn tuy có bị ảnh hưởng nhưng không bị nặng lắm. Bà con vẫn ra đồng làm ruộng, chỉ giảm bớt tiếp xúc, làm việc này việc kia thôi và các nhu cầu sản xuất khác để phát triển vẫn giữ được nhịp độ tương đối bình thường.
Sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với các rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thị trường. Vậy, theo ông, điều này có giúp ích gì chúng ta khi ứng phó các ảnh hưởng của dịch Covid-19?
- Nói chung, sản xuất nông nghiệp bao giờ cũng phải đối phó, chấp nhận với rủi ro. Rủi ro lớn nhất là thiên tai, dịch bệnh, rồi rủi ro với thị trường. Đối với dịch bệnh, lâu nay chúng ta đang nặng về rủi ro với gia súc, gia cầm và cây con, còn rủi ro dịch bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe con người cũng có, nhưng phải nói như dịch Covid-19 là lần đầu tiên.
Chúng ta đã trải qua nhiều dịch bệnh, ví dụ Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) nhưng nó không ảnh hưởng lớn như dịch Covid-19 bây giờ. Hay gần như Việt Nam năm nào trở mùa cũng bị dịch cúm. Dịch cúm ảnh hưởng rất lớn, nó còn nặng, phổ biến hơn chứ không phải như dịch Covid-19 tập trung ở thành phố, người từ nước ngoài vào...
Dù vậy, người Việt Nam tương đối có kinh nghiệm trong phòng chống virus, phòng chống các dịch này, trong đó vẫn cố gắng duy trì được sản xuất và lưu thông tương đối bình thường.
Ngay hồi xảy ra dịch SARS vào năm 2002 cho thấy, chúng ta vừa chống được dịch nhưng vẫn giữ được nhịp độ lao động, sản xuất. Đó là kinh nghiệm phải phát huy.
Nông nghiệp, nông dân có khả năng vượt khó
Hiện ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam có độ mở rất lớn, nhất là liên quan tới thị trường xuất khẩu. Qua đợt dịch này, ông đánh giá gì về câu chuyện hội nhập, xây dựng nội lực để có thể vượt qua biến động, nhất là biến động về dịch bệnh, thị trường hiện nay?
- Phải nói thị trường luôn biến động, nhưng dịch bệnh ảnh hưởng hơn rất nhiều. Thông qua dịch Covid-19 này để mình tính tới phương án lâu dài. Bởi, vừa rồi ách tắc lớn về tiêu thụ nông sản, nhất vẫn là thị trường Trung Quốc, xuất khẩu đường biên. Hợp đồng xuất khẩu không có thư tín dụng (LC) là rất lớn và bị ảnh hưởng nặng nề, còn những hợp đồng có LC thì ảnh hưởng không đáng kể.
Cho nên, phải xem lại chiến lược thị trường của chúng ta và trong đó cách làm ăn, nhất là trong kinh tế hội nhập phải làm ăn chủ yếu là con đường xuất nhập chính ngạch thì chúng ta khắc phục được cơ bản.
Chính vì vậy, chúng ta đang thực hiện quá trình tái cơ cấu lại sản phẩm, nhất là vừa rồi Chính phủ, Bộ NNPTNT đã đưa ra được danh mục những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp. Đó là những sản phẩm vừa có vị trí rất lớn trong nước, nhưng lại vừa có vai trò rất lớn trong quan hệ xuất - nhập quốc tế. Chúng ta cần phải xem xét lại những mặt hàng này.
Thứ hai, phải bàn lại với các doanh nghiệp, rõ ràng trong quan hệ xuất - nhập khẩu phải kiên trì hướngxuất nhập - khẩu chính ngạch thì mới có bạn hàng dài hơi và cùng chia sẻ rủi ro được. Còn theo kiểu số lượng lớn mà cứ xuất khẩu tiểu ngạch thì kiểu gì chúng ta cũng sẽ lãnh hậu quả.
Thứ ba, khâu chế biến và bảo quản, chúng ta nói quá nhiều rồi. Nếu chúng ta làm tốt khâu bảo quản và chế biến, đây là điều kiện chúng ta có thể giãn được áp lực của thị trường. Bây giờ trước áp lực từ dịch Covid-19 càng thấy việc đó có vai trò lớn và cấp bách hơn.
Dù tác động, áp lực đối với ngành nông nghiệp và bà con nông dân là rất lớn nhưng kỳ vọng cho sức bật của ngành trong thời gian tới khi dịch bệnh lắng xuống rất cao. Ông có đánh giá gì về năng lực, khả năng phục hồi và chiếm lĩnh thị trường của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam?
- Tôi tin rằng, sau dịch này, khả năng sức bật nhanh nhất vẫn là nông nghiệp, chắc chắn là như vậy. So với các lĩnh vực kinh tế khác thì khả năng có sức bật sẽ nhanh hơn là lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.
Lĩnh vực nông nghiệp có khả năng bật dậy nhanh vì sao? Là vì rõ ràng đây là một khủng hoảng lớn trên thế giới chứ không phải riêng nước ta. Những nước thiếu kinh nghiệm trong ứng xử với loại dịch như thế này thì hậu quả càng nặng nề hơn... Trong khi đó, như tôi đã nói, khả năng vượt khó khăn, tự khắc phục khó khăn của người dân, doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Ngoài ra, tôi theo dõi mấy ngày hôm nay thấy giải pháp của Bộ trưởng NNPTNT đưa là tích cực và có thể khắc phục được.
Xin cảm ơn ông!
Khương Lực (thực hiện)/http://danviet.vn/
http://danviet.vn/nha-nong/nong-nghiep-tang-truong-am-quy-nhieu-thuan-loi-bat-day-sau-dich-1080075.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;