Ở Bình Định hiện có 395 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm và thủy sản được cơ quan chức năng cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Nếu như trước đây, muốn được cấp giấy chứng nhận này, chủ các doanh nghiệp, cơ sở phải lọ dọ đến cơ quan chức năng để đăng ký. Có những doanh nghiệp, cơ sở ở xa cơ quan chức năng đến hàng trăm cây số, nhưng cũng phải đi vì chuyện làm ăn.
Kể từ khi cơ quan chức năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện cải cách hành chính, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Bình Định đã thoát được cảnh nhiêu khê nói trên.
Theo ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Bình Định (viết tắt là Chi cục), hiện thủ tục hành chính để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện đăng ký đã được tinh giảm nhiều.
Thay vì đến đăng ký trực tiếp, các cơ sở đăng ký thông qua hệ thống trực tuyến. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn trên địa bàn Bình Định đều thực hiện đăng ký thông qua hệ thống trực tuyến. Những cơ sở nhỏ lẻ thì vào website của Chi cục tải các mẫu đơn xuống, điền thông tin vào, rồi gửi về đơn vị chức năng qua đường bưu điện hoặc nhờ người khác mang đến.
“Qua các hình thức đăng ký nói trên, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn không phải đi lại, tiết kiệm được thời gian mà vẫn hoàn thiện thủ tục một cách nhanh chóng. Các mẫu đơn bây giờ cũng rất đơn giản, nội dung ngắn gọn, không rườm rà như trước đây”, ông Hồ Phước Hoàn cho hay.
Ngoài ra, qua ứng dụng công nghệ thông tin, cơ quan chức năng còn hỗ trợ được cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Bình Định trong việc tìm kiếm đầu ra của sản phẩm.
Cũng theo ông Hồ Phước Hoàn, hiện Chi cục Bình Định đã kết với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản của 63 tỉnh, thành trên cả nước. Thông qua sàn giao dịch điện tử, tất cả các Chi cục hàng ngày đều nắm bắt thông tin địa phương này có những sản phẩm gì, địa phương kia cần mua những sản phẩm gì, số lượng là bao nhiêu.
Qua đó, Chi cục Bình Định biết địa phương mình có những sản phầm gì, của doanh nghiệp nào sản xuất và cần tiêu thụ, sẽ liên lạc ngay với doanh nghiệp đó và cho họ thông tin những địa chỉ cần mua. Sau đó, các doanh nghiệp ở Bình Định liên lạc phía bên có nhu cầu để thỏa thuận danh mục hàng hóa, giá cả và tiến hành mua bán.
“Trong thời gian thị trường các nơi đều bị nghẽn do dịch Covid-19, thì việc mua bán hàng trực tuyến của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp các địa phương thông qua sự kết nối của đầu cầu các Chi cục trở nên khởi sắc. Thông qua kênh tiêu thụ này, người mua kẻ bán không phải qua trung gian nên giá thành sản phẩm không bị nâng cao. Mua rẻ bán rẻ, vậy là người tiêu dùng được hưởng lợi”, ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Bình Định, chia sẻ.
Để cấp chứng nhận cơ sở sản xuất thực phẩm đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quan chức năng phải nắm bắt nguồn gốc nguyên liệu làm ra sản phẩm, kết hợp cơ sở sản xuất phải cam kết không sử dụng chất cấm trong sản xuất theo quy định của Nhà nước, mức độ sử dụng chất phụ gia như thế nào, mọi thủ tục cũng đều thông qua hệ thống trực tuyến.
Cơ quan chức năng chỉ đi kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở sản xuất có đảm bảo theo quy định và trình độ chuyên môn của người lao động. Sau khi xét thấy thiết bị sản xuất và điều kiện làm việc của người lao động của cơ sở bảo đảm an toàn, cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận “Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.
Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận “Cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm” có nhiều mức. Đối với doanh nghiệp có cơ sở vật chất, chất lượng sản phẩm đảm bảo các tiêu chí do Bộ NN-PTNT quy định đạt loại A, thì tần suất kiểm tra mà cơ quan chức năng phải thực hiện là 1 năm rưỡi kiểm tra 1 lần, cách 3 năm sau sẽ được kiểm tra, giám sát lại; những cơ sở đạt loại B thì 1 năm kiểm tra 1 lần.
Sau khi được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận, doanh nghiệp, cơ sở tự công bố chất lượng sản phẩm. Theo ông Hồ Phước Hoàn, doanh nghiệp sản xuất mặt hàng gì, chất lượng sản phẩm ra sao, chủ cơ sở tự công bố theo quy định của Bộ NN-PTNT và tự chịu trách nhiệm với công bố của mình.
Khi kiểm tra, cơ quan chức năng không cần kiểm tra tại cơ sở sản xuất, mà có thể thu mẫu ở bất cứ chỗ nào kinh doanh mặt hàng đó trên thị trường. Khi phân tích mẫu trong sản phẩm, nếu không đúng những thành phần mà cơ sở đã công bố trên nhãn mác thì sẽ bị phạt theo quy định.
Qua câu chuyện của ông Hoàn, chúng tôi nhận thấy hiện nay các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm được giao quyền tự chủ rất lớn. Ví như trước đây, khi chất lượng sản phẩm thực phẩm còn do ngành y tế quản lý, để công bố chất lượng sản phẩm, cơ sở sản xuất phải gửi mẫu để ngành y tế kiểm định trước, rồi mới cấp giấy chứng nhận công bố sau. Sau khi Nghị định 15 của Chính phủ ra đời, doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về công bố của mình. Sau đó cơ quan chức năng mới kiểm tra, nếu chất lượng không đúng như chất lượng mà doanh nghiệp đã công bố thì sẽ bị xử lý theo quy định.
“Việc để cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm trước, cơ quan chức năng kiểm tra sau, là nhằm tránh tình trạng cơ sở sản xuất gửi mẫu sản phẩm tốt để cơ quan chức năng kiểm tra, thế nhưng khi sản xuất đại trà thì chất lượng không bảo đảm như sản phẩm mẫu. Bây giờ, doanh nghiệp được tự chủ trong hoạt động, nhưng không phải như vậy mà việc quản lý chất lượng sản phẩm bị bỏ ngõ. Bởi, cơ quan chức năng sẽ siết chặt quản lý trong quá trình hậu kiểm. Những lần kiểm tra ngẫu nhiên trên thị trường của cơ quan chức năng sẽ khiến doanh nghiệp tuân thủ nghiêm cẩn các quy định để bảo đảm sản xuất”, ông Hồ Phước Hoàn cho hay.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Bình Định tham gia cùng các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong dịp tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 tại 136 cơ sở, qua đó phát hiện 10 cơ sở vi phạm và đã xử lý hành chính với số tiền 54,5 triệu đồng.
Trong đó, đoàn do ngành nông nghiệp làm trưởng đoàn thanh tra kiểm tra tại 48 cơ sở, qua đó phát hiện 4 cơ sở vi phạm và xử lý hành chính với số tiền 26,5 triệu đồng; đồng thời hậu kiểm việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tại 14 cơ sở nhưng không phát hiện vi phạm.
“Cũng trong thời gian này, các Chi cục chuyên ngành thuộc Sở NN-PTNT đã tổ chức thẩm định để xếp loại và cấp giấy chứng nhận, đánh giá định kỳ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cho 611 cơ sở. Lũy kế đến nay đã cấp giấy chứng nhận cho 3.530 cơ sở đủ điêu kiện đảm bảo an toàn thực phẩm”, ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Bình Định.
Vũ Đình Thung/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;