Ông Nguyễn Hữu Chúc – Chủ tịch UBND xã Long Tân (huyện Phú Riềng) cho biết, đất Long Tân khá phù hợp với cây điều. Tuy nhiên, số người trồng chăm sóc theo đúng quy trình chỉ khoảng 20-30%. Phần còn lại vẫn chăm sóc theo tập quán cũ.
Cây điều lại khá mẫn cảm với điều kiện thời tiết. Vì thế mà đến nay, dù đã bước vào giai đoạn thu hoạch chính vụ nhưng người dân và cơ quan chức năng vẫn chưa thể dự đoán được vụ mùa năm nay sẽ như thế nào.
Theo ông Chúc, có một vấn đề then chốt cần được nhận diện rõ, đó là muốn cây đều được mùa ra thì ngoài khâu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi thì việc chọn giống điều đạt chuẩn là yếu tố quyết định đến năng suất, sản lượng.
"Người dân đang rất cần các giống điều có khả năng chống chịu với các điều kiện bất thường của khí hậu, để các vụ sau không bị mất mùa bất ngờ nữa", ông Chúc chia sẻ.
Với diện tích lên đến 420ha, ông Dụng Quý Đông ở xã Tân Hưng (huyện Đồng Phú) đang là người sở hữu diện tích cây điều lớn nhất Bình Phước. Mô hình của ông đang áp dụng theo quy trình hữu cơ bền vững.
Hiện ông đã có 250/420ha được chứng nhận sản phẩm điều hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic của châu Âu và Mỹ.
Theo ông Đông, vượt qua những nỗi lo sâu bệnh, thời tiết; giống điều PN1 đang canh tác theo tiêu chuẩn Organic hiện nay cho sản lượng đạt trên 3 tấn/ha. Trong khi đó, sản lượng điều canh tác theo phương pháp truyền thống chỉ đạt khoảng 1-1,5 tấn/ha.
Ông Vũ Đức Bộ - Giám đốc HTX điều Hưng Phước ở TP.Đồng Xoài cũng đang triển khai kỹ thuật trồng điều sạch hữu cơ.
Ông Bộ kể, do nông dân đã sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc cỏ trong thời gian dài. Vì vậy, đất bị chai lỳ và ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cây điều.
Theo ông Bộ, dù trải qua nhiều thách thức, phần đông bà con trồng điều trong tỉnh Bình Phước vẫn bám trụ với cây điều, vẫn xem điều là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế gia đình.
Bằng phương pháp trồng điêu sạch theo hướng bền vững, năng suất bình quan vườn điều của gia đình ông Bộ đạt từ 3-4 tấn/ha. Vì thế ông Bộ khuyến cáo, cùng với giống điều tốt, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì trồng điều không sợ thất thu.
Tại xã Long Hà (huyện Phú Riềng), ông Hoàng Văn Tần đang sở hữu cây điều đầu dòng có tên gọi gọi BP102.
Đây là 1 trong 6 cây điều đầu dòng thuộc chương trình tuyển chọn cây điều giống đầu dòng do Ban quản lý khu Nông Nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh tuyển chọn, trong giai đoạn từ năm 2013-2018.
Ông Tần cho biết, cây điều mẹ đầu dòng BP102 này là giống điều địa phương, được gia đình ông trồng từ năm 1980 đến nay, đã 41 năm tuổi. Cây điều mẹ này còn có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống điều khác.
Cây điều cho thu hoạch từ 5-7 trái một chùm; năng suất đạt từ 70-100 ký trên mỗi cây, với 124 hạt/kg; tỷ lệ nhân đạt 33,6%.
Ngoài ra cây điều mẹ này còn có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt. Hiện ông Tần đang đầu tư 2 cơ sở ươm cây điều ghép đầu dòng tại địa phương, bình quân mỗi năm cung ứng cho thị trường trên dưới 100.000 cây giống.
Ông Trần Đình Thọ - Phó Giám đốc Ban Quản lý cho biết, tiêu chí để chọn cây điều đầu dòng cây phải trên 8 tuổi trở lên; điều thu hoạch từ 120-160 hạt/kg, tỉ lệ nhân thu hồi từ 30-32%. Đặc biệt là năng suất phải ổn định trong các điều kiện khí hậu bất lợi như hiện nay.
Ban quản lý đã đánh giá trên 350 cá thể trên khắp các vườn đều trong tỉnh. Từ đó lựa chọn để làm vườn sưu tập giống đầu dòng.
"Nhu cầu giống điều tốt là rất lớn. Chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng nhiều cây giống hơn từ các giống điều bình tuyển để phục vụ cho nhu cầu của bà con trong tỉnh", ông Thọ nói.
Theo Sở NNPTNT tỉnh, chất lượng hiện trạng vườn điều Bình Phước vẫn xếp ở mức thấp do diện tích điều già cỗi chiếm tỷ lệ cao.
Hiện nay Bình Phước có khoảng 56,5% diện tích điều trên 15 năm tuổi (khoảng 80.000ha). Trong đó điều trên 25 năm tuổi khoảng hơn 30.000ha được trồng bằng giống cũ, cần được trồng tái canh trong giai đoạn tới.
Để cây điều phát triển bền vững, hàng năm, tỉnh có chương trình hỗ trợ cây điều giống. Nhưng với nguồn lực kinh phí hạn hẹp, Bình Phước mới chỉ đáp ứng được nhu cầu cho 4 đối tượng: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ chính sách.
Trong khi đó, thời gian tới, Bình Phước cần phải tái canh 30.000ha điều trên 25 năm tuổi. Hiện Sở NNPTNT tỉnh đang đề nghị để được Bộ NNPTNT hỗ trợ cho tỉnh mỗi năm tái canh 10.000ha; tương ứng 2.100.000 cây điều giống cho 3 năm liên tiếp.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết – Phó giám đốc Sở NNPTNT cho biết, từ năm 2020, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết số 11 về phát triển ngành điều Bình Phước đến 2030.
Trong đó xác định cần tập trung vào công giống, tiếp tục tuyển chọn bình tuyển cây đầu dòng; hoặc hợp đồng với các tổ chức khoa học kỹ thuật nghiên cứu các giống điều mới, đạt từ 2,5-4,5 tấn/ha.
Trần Khánh/https://danviet.vn/
https://danviet.vn/vuc-day-nhung-vuon-dieu-chi-chit-qua-dau-la-yeu-to-quyet-dinh-bai-cuoi-20210401180332586.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã