Cần biện pháp tổng hợp
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) chia sẻ: Diệt chuột hay bất cứ loài gây hại nào cũng dùng biện pháp tổng hợp. Việc TP Cần Thơ có kế hoạch chi gần 30 tỷ đồng để diệt chuột để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong 5 năm thì kinh phí này không lớn.
Hiện nay, nhiều địa phương xem loài chuột là đối tượng cần quản lý dịch dại. Còn tại Cần Thơ đưa ra dự báo, nhận định chuột là loài gây hại trong tương lai và đưa ra kế hoạch như vậy là đúng quan điểm chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.
Diệt chuột hay bất cứ loài gây hại nào cũng dùng biện pháp tổng hợp. Ngoài phương pháp thủ công như dùng bẫy, bả diệt chuột thì biện pháp hữu hiệu nhất là làm bẫy cộng đồng. Làm bẫy cộng đồng có thể diệt chuột trong vòng 100 ha.
Cần Thơ có diện tích trồng lúa khoảng 77.000 ha/vụ, nếu chuột gây hại thành dịch thì kinh phí như trên không đáng là bao để xây dựng biện pháp tổng thể phòng dịch. Như vừa rồi, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, nhà nước phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ thuốc BVTV và giống cho nông dân.
Hiện nay, các địa phương đều chú trọng vào công tác diệt chuột để bảo vệ sản xuất. Trong đó nhiều nơi đã làm tốt công tác diệt chuột. Tuy nhiên, nguồn kinh phí có hạn. Một phần do những địa phương này nhận định chuột là đối tượng chưa gây hại thành dịch trong thời gian tới nên chưa dự trù kinh phí để xây dựng chương trình quản lý.
Trước đây, ĐBSCL còn có lũ lớn. Lũ ngập hết đồng ruộng, chuột sẽ tìm những mô đất cao hay những gò nên nông dân bắt tiêu diệt dễ dàng. Nay không có lũ nên chuột phân bố đồng đều ra. Loài chuột sinh sản theo cấp số nhân, nếu không có biện pháp quản lý tốt thì chắc chắn thiệt hại sẽ rất lớn.
Các tỉnh ĐBSCL đều chú trọng diệt chuột
An Giang là một tỉnh giáp biên giới, chuột phá hoại hàng năm khá nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV An Giang cho biết: Hiện nay việc diệt chuột đang được ngành nông nghiệp tỉnh An Giang rất quan tâm.
Thời gian gần đây do biến đổi khí hậu, tần suất nước lũ ngày càng ít xuất hiện. Vì thế mật độ chuột di cư và sinh sản rất nhanh, nhiều nơi ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Để có biết pháp diệt chuột hiệu quả, ngành nông nghiệp hàng năm phải bỏ kinh phí tập huấn nông dân về cách phòng trừ chuột, tuyên truyền về chuột và xây dựng các mô hình diệt chuột…
Từ hiệu quả đó, bà con ngày càng có ý thức triển khai công tác diệt chuột hữu hiệu và thân hiện môi trường tại đồng ruộng của mình.
Tỉnh An Giang sản xuất quanh năm lúa, vì thế cũng là điều kiện thuận lợi cho chuột cư trú và sinh sản ngày càng nhiều. Nếu không có biện pháp phòng ngừa diệt chuột hữu hiệu, sẽ ảnh hưởng đến giảm năng suất của cây trồng.
Hiệu quả diệt chuột, không chỉ một xã, một huyện hay một tỉnh thực hiện diệt chuột đem lại thành công, mà cần có sự chung tay liên kết cả cộng đồng của các tỉnh lân cận trong vùng mới đem lại hiệu quả cao.
Diệt chuột phải diệt từ đầu vụ, bằng các biện pháp sinh học, hay bẫy cây trồng. Hiện nay An Giang đang làm mô hình diệt chuột đang đem lại hiệu quả nhất là bẫy hàng rào, sử dụng nilon bao quanh đồng ruộng rồi làm các miệng hôm dọc theo hàng rào nilon để dụ chuột vào đó bắt từ từ.
Ông Lê Văn Chấn, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp cho rằng, hàng năm diện tích trồng lúa bị chuột gây hại khoảng 1-2%, nhưng kinh phí chi cho vấn đề diệt chuột không lớn như các địa phương khác.
Mục đích chính mà nhiều năm qua ngành nông nghiệp Đồng Tháp làm là tuyên truyền cho bà con nông dân hiểu biết về tác hại của chuột, bên cạnh đó xây dựng các mô hình diệt chuột cộng đồng bằng biện pháp sinh học.
Thông thường, chuột xuất hiện nhiều hay ít tùy vào từng mùa vụ. Ví dụ năm nào lũ nhỏ, năm đó chuột xuất hiện nhiều ở vụ đông xuân và kéo dài sang vụ hè thu vì chuột sinh sản cấp số nhân. Chính gì vậy, thời gian qua UBND tỉnh Đồng Tháp có ban hành kế hoạch diệt chuột bảo vệ mùa màng trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ vào thời vụ gieo trồng và thời gian thu hoạch của từng cánh đồng, khu vực sản xuất, Đồng Tháp có các đợt phát động diệt chuột tập trung như: Đợt 1 (vụ đông xuân hằng năm), giai đoạn chuyển tiếp giữa vụ đông xuân và hè thu, sau khi thu hoạch rộ lúa đông xuân, tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cài ải, phơi đất tổ chức ra quân diệt chuột trước khi xuống giống vụ hè thu.
Đợt 2 từ tháng 5 - 6 (vụ hè thu hàng năm) sau khi thu hoạch lúa hè thu xong, tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cài ải, phơi đất, tổ chức ra quân diệt chuột trước khi xuống giống vụ thu đông. Đợt 3, tháng 9 hằng năm sau khi lũ về đạt đỉnh. Thời điểm này chuột sống tập trung ở các triền đê, gò cao, bụi cây.
Ngoài 3 đợt diệt chuột nói trên, các địa phương ở Đồng Tháp còn lại tổ chức các đợt ra quân diệt chuột tập trung tại các ô bao, khu vực sản xuất tại các địa phương vào thời điểm chuyển tiếp giữa các vụ sản xuất trong năm.
30 tỷ đồng cho kịch bản chuột phá hại 5% diện tích
Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV TP Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ đã ký ban hành kế hoạch phòng chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP Cần Thơ gần 30 tỷ đồng. Để phối hợp các đơn vị thực hiện kế hoạch này, Chi cục sẽ tổ chức tập huấn cho nông dân và hỗ trợ phòng trừ chuột.
Đối với cây lúa, nông dân được tập huấn 1.500 cuộc/5 năm, thời gian tập huấn 1 ngày/cuộc, mỗi cuộc có 30 nông dân tham dự, đối với cây ăn trái sẽ có 85 cuộc/5 năm.
Riêng diện tích cây trồng có nguy cơ bị chuột gây hại, nông dân sẽ được hỗ trợ bẫy chuột với số lượng 22.500 chiếc bẫy chuột mỗi/năm. Trong 5 năm, sẽ hỗ trợ 112.500 chiếc bẫy chuột trên tổng diện tích 225.142 ha.
Ngoài bẫy chuột, thuốc hỗ trợ sinh học cũng được áp dụng để diệt chuột trên diện tích bị gây hại. Cụ thể, hỗ trợ 1.125 kg/năm, tổng số hỗ trợ 5 năm là 5.625 kg thuốc sinh học. Kinh phí để thực hiện kế hoạch trên là hơn 29,6 tỉ đồng. Trong đó, hơn 22,5 tỷ đồng là vốn đề xuất ngân sách UBND TP Cần Thơ, số còn lại là vốn đối ứng của nông dân.
Tại Cần Thơ, tính riêng cây lúa từ năm 2016 - 2020 đã có 19.415 ha lúa bị chuột phá hại, chiếm 2-3% diện tích đất sản xuất. Kế hoạch của Cần Thơ đưa ra kịch bản chuột phá hại 5% diện tích sản xuất thì tổng số tiền dự kiến phải chi để hỗ trợ người dân ứng phó với dịch gần 30 tỷ đồng trong 5 năm.
Kinh phí trên chỉ là dự trù, được tính toán dựa trên thực tế nạn chuột phá hại trong 5 năm. Còn thực tế sẽ tùy tình hình từng năm để thực hiện.
Nếu năm nay phòng, chống chuột tốt thì năm sau chắc chắn nạn chuột phá hại sẽ giảm. Kế hoạch 5 năm nhưng hằng năm phải xây dựng dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND thành phố bố trí thực hiện.
Lê Hoàng Vũ/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã