Theo WHO, tình hình dịch cúm toàn cầu hiện có một số đặc điểm cần phải được theo dõi chặt chẽ, bao gồm: tăng sự đa dạng của việc cùng lưu hành vi-rút cúm ở động vật và trao đổi vật liệu di truyền, tạo ra chủng vi-rút mới; tiếp tục ghi nhận các trường hợp nhiễm cúm H7N9 ở người tại Trung Quốc; và ghi nhận sự gia tăng cao gần đây các trường hợp nhiễm cúm H5N1 ở người tại Ai Cập; những thay đổi về vi-rút cúm mùa H3N2 đã ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của các vắc-xin hiện tại cũng là điều cần đặc biệt quan tâm.
Đặc biệt, phân tuýp vi-rút H7N9 và H5N1 cần được quan tâm nhiều nhất, do chúng có thể nhanh chóng biến đổi từ chủng gây bệnh nhẹ ở chim thành chủng gây bệnh nặng và tử vong trên đàn gia cầm, gây ra dịch bệnh làm thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm và đời sống của nông dân. Kể từ đầu năm 2014, Tổ chức Thú y thế giới đã thông báo về 41 vụ dịch do phân tuýp vi-rút H5N1 và H7N9 ở chim liên quan đến 7 loại vi-rút khác nhau tại 20 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Úc, châu Âu và Trung Đông. Một vài chủng mới xuất hiện và lây lan trong các loài chim hoang dã hoặc gia cầm chỉ trong vài năm qua.
Dịch cúm gia cầm là mối đe dọa sức khỏe cho con người nhất hiện nay. Ảnh: Anh Thi
WHO nhận định, hiện nay vi-rút H5N1 trở thành mối đe dọa cho sức khỏe con người. Vi-rút cúm gia cầm H5N1 độc lực cao là nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên gia cầm ở châu Á liên tiếp từ năm 2003, và hiện vẫn gây dịch tại nhiều quốc gia. Từ cuối năm 2003 đến tháng 1-2015, đã ghi nhận hơn 700 trường hợp nhiễm chủng cúm này tại 16 quốc gia, trong đó có 428 ca tử vong (chiếm 55%).
Các nhà vi-rút học giải thích sự gia tăng gần đây của vi-rút gây bệnh mới nổi như một dấu hiệu cho thấy các vi-rút cúm cùng lưu hành đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng mới. Sự xuất hiện của nhiều vi-rút mới đã tạo ra một nguồn gene đa dạng tạo nên những biến đổi đặc biệt do sự trao đổi gene giữa các chủng vi-rút cúm khác nhau. Do vậy, những hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi là không thể đoán trước được và rất đáng lo ngại.
Trong hai năm qua, thế giới đã phát hiện các chủng H5N2, H5N3, H5N6 và H5N8. Tất cả đang lưu hành ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Ở Trung Quốc, 4 chủng cúm này đang lưu hành trên các loài chim cùng với H7N9 và H9N2. Trong đó vi-rút cúm H9N2 đóng vai trò quan trọng trong việc kết hợp các gene cho các vi-rút H5N1 và H7N9.
Từ tháng 11-2014 đến nay, Ai Cập bắt đầu ghi nhận sự gia tăng đột biến về số mắc cúm A/H5N1- đây là điều đáng quan tâm với 105 ca mắc và 35 người tử vong. Số lượng các ca bệnh trong giai đoạn này được ghi nhận lớn hơn tổng các trường hợp được ghi nhận trong mỗi năm ở tất cả các quốc gia.
Theo WHO, tuy thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó tốt hơn cho một đại dịch tiếp theo nhưng vẫn có nguy cơ cao xảy ra đại dịch, đặc biệt là với dịch bệnh nguy hiểm như cúm. WHO cho rằng không thể dự đoán trước được gì về bệnh cúm bao gồm nơi xảy ra và chủng vi-rút gây đại dịch.
Tuyền Lâm
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã