Công nghệ đỉnh cao của Hoa Kỳ
Người chăn nuôi bò sữa luôn mong muốn có bê cái vì có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với bê đực trong cùng điều kiện. Về kỹ thuật chọn lọc giới tính bò sữa theo ý muốn này, từ những năm 90 đã bắt đầu phát triển tại Hoa Kỳ.
Theo ông Gustavo Toro, GĐ thị trường Tập đoàn tinh bò & bò giống Sexing Technologies (Hoa Kỳ): Việc sử dụng tinh phân biệt giới tính tạo ra con cái giúp người chăn nuôi có thể tạo ra bê cái với độ chính xác 90% và giúp cải thiện năng suất, chất lượng bò sữa rất nhanh. Cty Sexing Technologies đang nắm giữ bản quyền sáng chế công nghệ tinh phân biệt giới tính.
Cty điều hành 12 phòng thí nghiệm ở Hoa Kỳ, Hà Lan, Italia, Brazil, Canada, Pháp, New Zealand. Tinh phân biệt giới tính được thương mại hóa rộng rãi ở Hoa Kỳ từ năm 2005 với các kết quả được thừa nhận ở hàng nghìn trang trại bò sữa. Vì thế, người chăn nuôi VN hoàn toàn có thể yên tâm phát triển đàn bò sữa bằng “chìa khóa” tinh phân biệt giới tính.
Cần có chính sách đầu tư mạnh về giống bò sữa CNC
Ông Hoàng Kim Giao, Cố vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng khẳng định, trong chăn nuôi, giống là nhân tố quyết định. Công tác giống muốn nhanh đạt được mục tiêu, chúng ta có nhiều biện pháp. Một trong các biện pháp đó là thụ tinh nhân tạo (TTNT) đem lại hiệu quả nhanh, tích cực và đang nhân được sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của nhà nước.
TTNT là giải pháp công nghệ sinh học trong chăn nuôi nhằm khai thác hiệu quả tối ưu nguồn gen giống cao sản. TTNT càng hiệu quả hơn nếu sử dụng song hành cả tinh, phôi phân biệt giới tính. Hoa Kỳ là nước có ngành chăn nuôi bò sữa rất phát triển. Công nghệ chăn nuôi bò sữa ở Hoa Kỳ đã đạt đến đỉnh cao của việc áp dụng các công nghệ và các công nghệ đó đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có VN.
Hiệu quả gấp 10
Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, GĐ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, tổng đàn bò sữa của Lâm Đồng trên 6.000 con, tập trung chủ yếu ở huyện Đơn Dương và Đức Trọng; trong đó trên 80% đã sử dụng tinh phân biệt giới tính (chủ yếu của Hoa Kỳ) để tạo bê cái cho năng suất sữa cao (đạt trên 6 tấn sữa/con/chu kỳ 305 ngày).
Tương tự, ông Nguyễn Đắc Cường, Phó TGĐ Cty CP Sữa Đà Lạt (DaLatmilk) cho biết, tỉnh Lâm Đồng vẫn được xem là vùng nguyên liệu sữa tiềm năng. Vì thế, từ nhiều năm qua DaLatmilk đã thực hiện cung cấp dịch vụ phối giống cho các hộ chăn nuôi đang bán sữa cho DaLatmilk bằng tinh phân biệt giới tính chất lượng cao. Trong đó, tinh bò giống chất lượng tốt nhất của Cty Sexing Technologies (Hoa Kỳ) với công nghệ tiên tiến, đã được đăng ký bảo hộ công nghệ khắp thế giới, tỷ lệ đậu thai theo ý muốn ra bê cái trên 90%.
Nhận thấy giá trị cao của nguồn tinh này, trong 3 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã bố trí vốn ngân sách để sử dụng tinh phân biệt giới tính phối cho đàn bò và thực tế đã cho hiệu quả rất tốt. “Trong 3 năm thực hiện gieo tính phân biệt giới tính, tỷ lệ cho ra bê cái chất lượng cao lên tới 92%. Hiện giá trị bê đực chỉ có 1,2 triệu đ/con, nhưng giá trị bê cái lên tới 12 triệu đ/con, hiệu quả kinh tế ngay từ ban đầu đã chênh lệch tới 10 lần rồi!”, ông Cường nói.
Cần hỗ trợ
Cùng với DaLatmilk, nhiều DN khác cũng đang liên kết, đầu tư nhập tinh phân biệt giới tính để phân phối rộng rãi tại VN. Ông Trần Bảo Minh, Phó TGĐ Cty CP Sữa Quốc tế cho biết, Cty thường xuyên mời các chuyên gia đầu ngành về phân biệt giới tính của Hoa Kỳ về thuyết trình và hướng dẫn cho nông dân, trang trại và các địa phương về lợi ích và hiệu quả kinh tế của tinh bò giống phân biệt giới tính.
Cty cũng thường xuyên phối hợp với các trung tâm giống và huấn luyện chăn nuôi đại gia súc tại các tỉnh tổ chức những lớp tập huấn và hỗ trợ về tinh giống cho các hộ nuôi bò và các trang trại chăn nuôi bò sữa trên toàn quốc. Kế hoạch của Cty thời gian tới là nhập khẩu từ Mỹ các giống bò sữa thuần chủng, chất lượng cao để phát triển đàn bò giống bền vững, trở thành nguồn cung cấp hàng đầu trong vài năm tới. Đặc biệt, việc lựa chọn giống bò sữa cao sản Holstein Friesian, Jersey sẽ là một trong những mục tiêu quan trọng.
Theo tìm hiểu của NNVN, giá tinh phân biệt giới tính (đảm bảo cho ra bê cái) cao gấp… 30 lần tinh bình thường. Cụ thể, tinh phân biệt giới tính của Hoa Kỳ là 2,5 triệu đ, còn tinh không phân biệt giới tính chỉ có 80.000 đ. Trong khi đó, tổng đàn bò sữa của VN còn quá nhỏ so với tiềm năng, mới đạt trên 167.000 con và tổng sản lượng sữa còn thấp, đạt 382.000 tấn.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ sử dụng tinh phân biệt giới tính cho các địa phương có điều kiện phát triển bò sữa để cải thiện năng suất và chất lượng, tạo đà mở rộng quy mô đàn bò sữa theo hướng CNC.
+ Bà Dương Thị Thanh Hà, GĐ Cty TNHH TM&DV Minh Đăng (TP.HCM): Tinh phân biệt giới tính là thành tựu lớn trong phát triển chăn nuôi bò sữa trên thế giới, vậy tại sao VN không có chính sách đẩy mạnh để áp dụng? Từ chục năm trước Cty chúng tôi đã nhập tinh phân biệt giới tính bò sữa về và giúp người chăn nuôi sử dụng. Tuy nhiên, để khuyến khích, chúng tôi phải áp dụng biện pháp khi nào bê cái ra đời an toàn mới lấy tiền của họ. Ngay từ năm 1990 Hoa Kỳ đã có phát minh quan trọng này, giờ đã là năm 2013 rồi, chắc chắn họ còn có nhiều bước tiến mới mà VN cần nhanh chóng đầu tư để áp dụng. + TS. Dương Hoa Xô, GĐ Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM: Hiện hầu hết bê con sinh ra chủ yếu dưới hình thức gieo tinh nhân tạo và cấy phôi. Hàng năm trên thế giới có khoảng 100 triệu gia súc, 40 triệu heo, 3,3 triệu cừu và 0,5 triệu dê được sinh sản theo hình thức gieo tinh nhân tạo. Riêng trên gia súc, hiện có khoảng 648 trung tâm thu nhân tinh trên thế giới với khoảng 40.000 bò đực SX 264 triệu liều tinh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã