|
Sau tập huấn cán bộ khuyến nông đã tuyên truyền khuyến cáo các hội viên lựa chọn giống khoai tây Aladin nhập khẩu từ Hà Lan - đây là giống khoai tây mới có năng suất cao, chất lượng tốt đưa vào trồng tăng vụ đông trên chân đất cấy lúa 02 vụ của địa phương. Điều đáng nói là sau khi được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tập huấn kỹ thuật, một số hộ ở xã Hua La đã tiên phong tự bỏ vốn mua giống khoai tây Aladin và tự nguyện đầu tư phân bón, thu gom rơm, rạ ủ với chế phẩm Emuniv, để áp dụng kỹ thuật mới “trồng khoai tây theo phương thức làm đất tối thiểu”.
Trồng khoai tây bằng phương thức làm đất tối thiểu là một trong những tiến bộ trồng trọt mới. Theo phương pháp này, khi trồng khoai tây bà con nông dân không phải cày cuốc toàn bộ diện tích đất của thửa ruộng dự định trồng khoai tây, chỉ cần cày rãnh xung quanh ruộng và cày rãnh tạo luống để tiện cho việc tưới nước, thoát nước theo rãnh và dễ chăm sóc cây khoai tây. Khi đặt giống chỉ cần bổ hốc, lót một lớp đất lên trên lớp phân lót (gồm phân chuồng, phân rác ủ hoai mục và một số loại phân hóa học khác) dày khoảng 3 cm rồi đặt củ giống, lấp một lớp đất nhẹ lấy từ rãnh, sau đó tiến hành phủ một lớp rơm rạ đã ủ lên toàn bộ mặt luống dày khoảng 7 - 10 cm và tiến hành chăm sóc, tỉa mầm, bón thúc bình thường. Sau trồng khoảng 20 – 30 ngày, bổ sung thêm rơm rạ, đảm bảo rơm rạ trên mặt luống khoai luôn dày 7-10 cm.
Sau một chu kỳ sản xuất, tuân thủ kỹ thuật đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, mô hình trồng khoai tây theo phương thức làm đất tối thiểu ở xã Hua La đã thành công tốt đẹp.
Trong buổi hội thảo đầu bờ ngày 20/02/2013, các đại biểu tham gia hội thảo đã được tận mắt thăm quan ruộng khoai tây đang thu hoạch của gia đình bà Quàng Thị Khiên. Bà Khiên cho biết: Lúc đầu gia đình bà còn băn khoăn e ngại, nhưng trong quá trình thực hiện mới biết trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu không khó, rất dễ làm, tốn ít công lao động (chỉ bằng 1/3 số công lao động so với trồng khoai tây theo phương pháp truyền thống), tốn ít phân bón hơn, năng suất cao hơn, thu hoạch lại dễ dàng, chỉ cần thu bằng tay, không cần dùng cuốc xẻng nên củ khoai thương phẩm có mẫu mã đẹp, đi bán rất được khách hàng ưa chuộng, gia đình bà bán được giá cao hơn so với các hộ khác và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Qua ghi chép và tính toán, với 500 m2 mô hình của gia đình bà Quàng Thị Khiên thu được khoảng 1.325 kg khoai thương phẩm, sau khi đã trừ chi phí thu nhập đạt trên 11 triệu đồng, cao hơn so với ô đối chứng cả về năng suất và thu nhập (ô đối chứng thu được 1.150 kg, thu nhập khoảng 8,55 triệu đồng).
Trao đổi với các hộ đến thăm quan, Bà Khiên vui vẻ nói rằng: vụ sau gia đình bà sẽ tích cực thu gom dự trữ rơm, rạ để giành cho sản xuất khoai tây theo phương thức làm đất tối thiểu trên toàn bộ diện tích đất ruộng cấy lúa chủ động nước tưới của gia đình.
Được “mắt thấy, tai nghe, tay cầm” sản phẩm của mô hình trồng khoai tây theo phương pháp mới, tất cả các đại biểu và bà con nông dân tham dự hội thảo đều rất phấn khởi, thống nhất đánh giá một số ưu điểm của mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu là: Kỹ thuật dễ áp dụng, tận dụng được rơm rạ của vụ trước để ủ với chế phẩm Emuniv tạo vật liệu che phủ cho khoai; Tốn ít công lao động vì không phải cày cuốc đất và vun xới cho khoai; Tốn ít phân hơn mà năng suất vẫn đảm bảo; thu hoạch nhanh chóng dễ dàng, không cần dùng cuốc xẻng nên củ khoai tây thành phẩm có mẫu mã đẹp, không bị trầy xước vỏ,... và một ưu điểm quan trọng nữa là: Sau khi mô hình được thu hoạch, còn để lại một lượng lớn rơm, rạ đã mục làm phân bón cho vụ sau và cải tạo đất.
Bà Trần Thị Thanh, trưởng Trạm Khuyến nông thành phố cho biết: ở thành phố Sơn La Trạm Khuyến nông đã xây dựng được nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật thành công, nhưng ít có mô hình nào sau khi kết thúc lại được đông đảo người dân hưởng ứng như vậy. Từ kết quả mô hình đã tạo ra bước đột phá của thành phố Sơn La trong vụ Xuân Hè năm nay. Đa số các hộ trồng cà phê của xã Hua La, Chiềng Ngần, Chiềng Cọ sau khi được tuyên truyền và được cán bộ khuyến nông tập huấn hướng dẫn kỹ thuật đều hưởng ứng thu gom vỏ cà phê, rơm rạ, xác thực bì và phân gia súc để ủ với chế phẩm Emuniv nhằm tạo nguồn phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng. Hiện nay phân ủ của các hộ ở Hua La và Chiềng Ngần đã đảm bảo thời gian ủ và chuẩn bị được đưa ra bón cho cây trồng của gia đình.
Có thể nói thành công của mô hình trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu ở xã Hua La là ngoài mong đợi. Chắc chắn mô hình sẽ được mở diện không chỉ đối với trồng tăng vụ khoai tây năm tới theo phương thức làm đất tối thiểu, mà còn có thể mở diện áp dụng tiến bộ kỹ thuật ủ chế phẩm vi sinh với các phụ phẩm nông nghiệp và phân gia súc, tạo ra lượng mùn và phân hữu cơ vi sinh để bón cho các đối tượng cây trồng khác nữa.
Thanh Nhàn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã