Xã Nghĩa Thành, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) với thế mạnh trong tiến trình phát triển đi lên của một xã có quy lớn, lại mới được thành lập là, cả 3 xã cũ trước khi sáp nhập thành xã mới đều đã về đích NTM.
Ông Lê Song Hào, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thắng khi tiếp chuyện tôi, tâm sự: "Kể ra cũng buồn anh ạ, bởi nhiều tên làng và tên xã thân thương đã gắn chặt với bao cuộc đời, từ nay không còn ai gọi nữa. Lãnh đạo xã chúng tôi nhiều anh đã về hưu trước tuổi để nhường chỗ cho thế hệ trẻ đầy năng lực lên gánh vác trách nhiệm.
Ưu tư, nhưng chúng tôi rất tự hào, bởi quá trình công tác đã nỗ lực hết mình, để cùng với nhân dân làm nên một Nghĩa Thắng đổi thay toàn diện".
Nghĩa Thắng, từ một xã thuộc diện nghèo, dân cư thưa thớt, ruộng đồng manh mún lại bờ thấp bờ cao. Đói nghèo, khó khăn chồng chất. Vậy mà mới một chặng đường 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, Nghĩa Thắng đã đi lên, thay da đổi thịt hẳn.
Ruộng đồng đã được chỉnh trang, kênh mương thủy lợi và giao thông nội đồng được bê tông hóa. Đường làng ngõ xóm thênh thang, làng trên xóm dưới mái ngói đỏ tươi. Cùng với đó là cơ sở hạ tầng từ trụ sở làm việc của UBND xã đến trạm xá, trạm điện và trường học các cấp đều được xây dựng khang trang bề thế.
Đói nghèo lạc hậu nhanh chóng được đẩy lùi. Đó là kết quả của việc dồn điền đổi thửa, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.
Nghĩa Thắng có nhiều mô hình sản xuất tiên tiến như trồng cây ngô và lạc đạt năng suất, chất lượng cao. Cây mía là điển hình, năng suất đã đạt 80- 100 tấn/ha. Ngoài trồng trọt, Nghĩa Thắng còn phát triển mạnh ngành nghề chăn nuôi. Đàn gia súc, gia cầm năm sau bao giờ cũng tăng hơn năm trước.
Đời sống vật chất của người dân đã thực sự được cải thiện nâng lên, các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp đến từng thôn xóm. Đêm đêm đến làng U, mọi người ai cũng ngẩn ngơ say đắm trong tiếng cồng chiêng vang vọng…
Nhắc tới Nghĩa Tân, bà Hoàng Thị Cầm, nguyên là Bí thư Đảng xã này, nay là Chủ tịch xã Nghĩa Thành cho hay: "Dân xã Nghĩa Tân chủ yếu là công nhân Nông trường Tây Hiếu 3, lợi thế lớn nhất là có bề dày kinh nghiệm trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật để sản xuất cây công nghiệp. Trước đây vùng đất này, người dân chủ yếu trồng cây cao su và cà phê theo quy hoạch của Nông trường.
Sau này cây cà phê suy thoái, người dân đã nhanh chóng chuyển đổi sang đa canh, đa cây. Theo đó lãnh đạo xã chủ động xây dựng các mô hình sản xuất tiến bộ để nhân dân áp dụng vào sản xuất. Năng suất, chất lượng các loại cây trồng hàng năm đều được nâng cao.
Nghề chăn nuôi phát triển mạnh, tăng trưởng đều trên các loại gia súc và gia cầm. Trong xây dựng NTM, Nghĩa Tân đã về đích năm 2017. Lãnh đạo xã đã tập trung huy động mọi nguồn lực, đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng, trong đó người dân đã đóng góp 37,6 tỷ đồng".
Ông Trương Đức Trúc, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Liên, nay là Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thành tâm sự: "Để sớm hoàn thành công tác sáp nhập 3 xã về thành một theo Nghị định của Chính phủ, trước đó xã Nghĩa Liên cũng đã làm công tác tư tưởng với người dân. Lúc đầu người ta buồn cũng đúng, bởi tên xã gắn bó với người dân từ bao đời nay, nay đã không còn nữa.
Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền, phân tích thì người dân thấm nhuần chủ trương của Đảng và Nhà nước là rất hợp với xu thế phát triển đi lên của xã hội. Sáp nhập là để tạo nên sức mạnh. Trước hết là tinh giản được bộ máy lãnh đạo, giảm được nguồn chi ngân sách, kể từ cấp thôn xóm trở lên. Bộ máy lãnh đạo xã mới Nghĩa Thành được chọn lựa kỹ càng, hội tụ đủ trình độ chuyên môn, đạo đức vừa hồng vừa chuyên".
Thế mạnh của xã Nghĩa Thành khi bước vào hoạt động là cả 3 đơn vị cũ đều đã về đích NTM. Bộ mặt nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc. Đời sống của người dân đã được cải thiện nâng cao. Gía trị sản xuất bình quân đạt 36,520 triệu đồng/người/năm.
Tuy nhiên để đưa Nghĩa Thành ngày càng phát triển đi lên, đội ngũ lãnh đạo xã cũng đã xác định cần phải nổ lực hết mình.
“Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Xây dựng và giữ vững khối đại đoàn kết trong Đảng, trong dân, phát huy dân chủ. Khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của địa phương sau sáp nhập.
Vận dụng nội lực, thu hút ngoại lực, tập trung đầu tư phát triển kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng. Làm tốt công tác chính sách xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng.
Từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Xây dựng Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể ngày càng vững mạnh. Phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong nhiệm kỳ tới”, Bí thư Đảng ủy Trương Đức Trúc nhấn mạnh trong Đại hội đảng bộ xã Nghĩa Thành nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo Hồ Quang/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã