Theo Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ (Nghị quyết 53) về Giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững: Tầm nhìn đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
Doanh nghiệp nông nghiệp được xác định có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Mục tiêu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,0%/năm. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6%-8%/năm. Đến năm 2030 có 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, trong đó khoảng 3.000 đến 4.000 doanh nghiệp có quy mô lớn và 6.000 đến 8.000 doanh nghiệp quy mô vừa...
Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì rà soát, nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển ngành mang tính bền vững, ổn định và hiệu quả, ưu tiên phát triển những ngành, sản phẩm chủ lực theo ba trục sản phẩm chính (sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh và các sản phẩm đặc sản địa phương).
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới về: rau củ quả, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ; trong quý III năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ KH-CN tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ sau thu hoạch, khắc phục tổn thất sau thu hoạch, có lợi cho nông dân, gia tăng giá trị sản phẩm và tạo ra những ưu thế so sánh nhất định cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là nội dung của quy hoạch tỉnh, các địa phương đang lập theo Luật Quy hoạch và theo định hướng phát triển của ngành. Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với Bộ NN-PTNT tập trung ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến đối với các ngành hàng chủ lực...
Triển khai Nghị quyết 53 của Chính phủ về việc giao Bộ NN-PTNT xây dựng 3 đề án phát triển 3 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới (gồm rau quả, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ), hiện nay, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng các đề án nhằm sớm trình Chính phủ trong năm 2020.
Theo đó, đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 sẽ gắn chặt trong chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ, trong đó khâu chế biến, bảo quản sẽ là động lực chính để vận hành chuỗi giá trị.
Đề án sẽ tập trung vào các mục tiêu, định hướng cũng như chính sách một cách tổng thể, toàn diện từ khâu tổ chức sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu đối với các mặt hàng rau quả có lợi thế cho chế biến của nước ta; giảm tổn thất sau thu hoạch; nâng cao tỉ trọng sản lượng rau quả được chế biến... Đặc biệt là thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, bảo quản rau quả theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới; hình thành các trung tâm chế biến rau quả lớn gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, có sản lượng hàng hóa lớn.
Bên cạnh đó, sẽ trình Chính phủ các định hướng, chính sách cho việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến và các vùng nguyên liệu, song song với chính sách nghiên cứu phát triển thị trường xuất khẩu, hoạt động logistic... tổng thể nhằm thúc đẩy cho công nghệ chế biến rau quả phát triển.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản: Việt Nam hiện nay xuất khẩu rau quả đang đứng thứ 7 thế giới (năm 2018) với kim ngạch xuất khẩu trên 3,8 tỉ USD. Nếu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 8 tỉ USD vào năm 2030, sẽ tương đương với kim ngạch xuất khẩu rau quả của Hà Lan hiện nay hiện nay là khoảng 8 tỉ USD (đứng thứ 3 thế giới).
Vì vậy định hướng đến năm 2030, Việt Nam hoàn toàn có thể đặt mục tiêu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 8 tỉ USD. Điều này cũng là phù hợp với tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu chung của ngành nông nghiệp thời gian qua cũng như định hướng tăng trưởng trong thời gian tới.
Đối với việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào ngành chế biến rau quả, hiện nay cả nước có 153 cơ sở chế biến rau quả (năm 2020 sẽ có thêm 9 nhà máy chế biến được đầu tư mới, đi vào hoạt động). Để tăng 2 lần công suất chế biến hiện nay, cần đầu tư mới khoảng 60-80 cơ sở chế biến với tổng công suất gấp 2 lần so với các cơ sở cũ. Vì vậy đến năm 2030, nước ta có thể đặt mục tiêu định hướng thu hút đầu tư mới thêm 60-80 cơ sở chế biến, bảo quản trong ngành rau quả với công nghệ hiện đại, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới. Đồng thời, có thể đặt mục tiêu bước đầu hình thành từ 6-8 trung tâm chế biến về rau quả gắn với các vùng nguyên liệu tập trung, sản lượng lớn...
Nguồn tin: Lê Bền/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã