"Chúng tôi xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2020 tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh như trồng trọt công nghệ cao, phát triển đàn lợn, trâu, gia cầm, dịch vụ du lịch…", ông Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong mấy tháng đầu năm song tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện vẫn đạt 1,8%. Để tránh tình trạng cứ mỗi vụ mùa ruộng hoang lại lặp lại, Quốc Oai chủ trương những diện tích ruộng trũng, canh tác khó khăn sẽ chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo mô hình một lúa, một cá.
Sau khi thu hoạch lúa xuân xong, người dân sẽ đắp bờ, tháo nước từ sông, từ mương máng vào ruộng để nuôi cá.
Vụ mùa 2019, Quốc Oai đã chuyển được 250ha ruộng hoang kiểu này, hiệu quả tính ra hơn nhiều so với làm lúa bởi tận dụng được các thức ăn có sẵn trong ruộng như lúa chét, cỏ, sâu bọ… nên cá lớn nhanh, thịt thơm ngon. Bởi thế vụ mùa 2020 địa phương này sẽ chuyển tiếp khoảng 650 ha ruộng trũng sang nuôi thủy sản.
Những diện tích cao hơn, có thể cấy huyện vận động các tổ chức, cá nhân cấy. Định hướng phát triển trồng trọt của Quốc Oai sẽ theo hướng sản xuất quy mô lớn, bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Theo đó, huyện sẽ triển khai vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung, diện tích 300ha tại các xã: Sài Sơn, Đông Yên, Ngọc Liệp, Liệp Tuyết, Nghĩa Hương, Đông Quang; trong đó vụ xuân hỗ trợ 150ha lúa Nhật Bản chất lượng cao Japonica J02, vụ mùa hỗ trợ 150ha trồng giống lúa thuần chất lượng cao QR15.
Với thế mạnh về cây ăn quả hiện có tổng diện tích đạt 1.150ha thì cơ cấu có sự chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng nhanh diện tích có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, nhãn chín muộn…
Huyện hỗ trợ phát triển nhiều vùng trồng cây công nghệ cao như vùng trồng bưởi chua đầu tôm xã Sài Sơn diện tích 10ha.
Riêng vùng trồng nhãn chín muộn xã Đại Thành được hỗ trợ về chỉ dẫn dịa lý cấp mã vùng trồng; tham gia hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại, tem, nhãn mác, bao bì. Dự báo năm nay 300ha nhãn chín muộn nếu được mùa sẽ đạt năng suất 3.000 tấn, doanh thu dự kiến 50-60 tỷ đồng.
Quốc Oai cũng hỗ trợ xây dựng 10ha trồng cây dược liệu hương nhu, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm tinh dầu dược liệu giữa doanh nghiệp và người dân tại xã Hòa Thạch và Đông Xuân.
Về chăn nuôi, đầu năm 2020, việc tái đàn lợn đạt 31.052 con, bằng 47,6% so với cùng kỳ. Những xã có thế mạnh chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục tái đàn đến cuối năm đạt hơn 50.000 con, bằng 80% tổng đàn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Một hướng đi đáng ghi nhận là các mô hình đàn lợn bản địa, lợn rừng an toàn sinh học với tổng cộng 5 mô hình tại các xã Đông Xuân, Phú Mãn và Hòa Thạch.
Đàn gia cầm của huyện đạt hơn 3,79 triệu con, tăng 126% so với cùng kỳ. Huyện dự kiến tăng đàn gia cầm lên khoảng 1,3 triệu con để cuối năm đạt sản lượng thịt xuất chuồng đạt 1.200 tấn, sản lượng gà đẻ trứng thương phẩm đạt 1 triệu quả/ngày.
Với đàn trâu, đàn bò, khuyến khích các hộ đầu tư chăn nuôi trâu, bò thịt vỗ béo tập trung (từ 10 con trở lên), hỗ trợ trồng các giống cỏ có giá trị dinh dưỡng cao và thức ăn.
Với tổng diện tích thủy sản hơn 900ha giúp huyện Quốc Oai có điều kiện hình thành khu nuôi trồng tập trung tại các xã Đông Yên, Hòa Thạch 220ha và nhân rộng mô hình chăn nuôi cá cao sản.
Để đảm bảo phát triển nông nhiệp gắn với tiêu thị sản phẩm, huyện Quốc Oai lấy các tổ chức nông dân như HTX, chi hội, hội làm trọng tâm đầu tư trong công tác phát triển các chuỗi liên kết. Trong chuỗi khép kín, HTX làm đầu mối chủ động các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm.
Duy trì tốt các chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm như: Thịt lợn sinh học của HTX Đồng Tâm có quy mô đạt 2.500 con lợn thương phẩm/năm; gà đồi Đông Yên; trứng gà, vịt xã Cấn Hữu, Cộng Hòa. Phân phối các sản phẩm đã qua chế biến (xúc xích, giò, chả...) tới hệ thống cửa hàng bán lẻ, bếp ăn trên địa bàn Quốc Oai, TP Hà Nội và các tỉnh lân cận khác.
UBND huyện xây dựng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ tại các vùng sản xuất tập trung, các xã trọng điểm. Từ đó, lựa chọn và giới thiệu tới các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để tạo thành chuỗi từ chăn nuôi, trồng trọt đến tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm như mã QR code để minh bạch thông tin.
Ông Ngọ Văn Ngôn - Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, trang trại (Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội) đánh giá, Quốc Oai có những tiềm năng lớn để phát triển các sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Với mục tiêu năm nay có 30-50 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên, huyện phải sớm hoàn thiện hồ sơ để thành phố đánh giá và công nhận.
“Hướng đi mới mà Quốc Oai tập trung đầu tư và phát triển trong thời gian tới là phát triển nông nghiệp gắn với mô hình du lịch và dịch vụ. Huyện đã quyết định chuyển đổi toàn bộ 70ha vùng bãi trồng cây kém chất lượng sang trồng hoa, để gắn với dịch vụ và du lịch. Tập trung phát triển rừng gắn với du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc Mường”, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, ông Đỗ Huy Chiến cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Phú Mãn và Đông Xuân là các xã đặc thù của huyện Quốc Oai, nơi tập trung hơn 80% bà con dân tộc Mường sinh sống. Diện tích đất nông nghiệp lớn nhưng chỉ khoảng 20% trồng được lúa, còn lại trồng rau, ngô, sắn…
Diện tích rừng lớn nhưng người dân chỉ trồng keo, bạch đàn, hiệu quả chưa cao, công nghiệp và dịch vụ chậm phát triển. Việc phát triển du lịch và dịch vụ sẽ là động lực to lớn để cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời quảng bá nét văn hóa đặc trưng tới du khách.
Huyện Quốc Oai kiến nghị thành phố và Sở NN-PTNT Hà Nội sớm có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi như: hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các cơ sở chăn nuôi để đẩy mạnh tái đàn lợn sau dịch.
Đối với vùng cây ăn quả, huyện đề xuất hỗ trợ liên kết với các doanh nghiệp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nhãn chín muộn, bảo tồn, phát triển giống bưởi chua đầu tôm ở xã Sài Sơn.
Trước những kiến nghị trên, Sở NN-PTNT Hà Nội sẽ tổng hợp, tham mưu UBND thành phố để có thêm các chính sách hỗ trợ huyện Quốc Oai.
Theo Thúy Vi/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã