Học tập đạo đức HCM

Tỷ phú nho giống và ước mơ làm nông nghiệp sạch

Chủ nhật - 23/09/2018 09:35
Nhờ đức tính cần cù, sáng tạo và sự nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Thường Lang (Sáu Lang), ở khu phố 2, phường Mỹ Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đã vươn lên làm giàu từ nghề ươm nho giống. Hơn 19 năm qua, Cơ sở Nho giống Sáu Lang của ông không ngừng khẳng định được thương hiệu, trở thành doanh nghiệp hàng đầu cung cấp giống nho sạch cho người trồng trong và ngoài nước.

Thành công từ nho giống

Tiếp nối truyền thống của gia đình, năm 1985, ông Sáu Lang bắt đầu gắn bó với nghề trồng nho. Những năm 1998, 1999, do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh, việc trồng nho theo phương pháp cắm cành trực tiếp không còn cho hiệu quả kinh tế như trước nên gia đình ông và những người trồng nho trong tỉnh rơi vào cảnh bế tắc. Đang loay hoay tìm hướng đi mới thì có một tổ chức phi chính phủ thuộc Cộng hòa Liên bang Đức đến huyện Tuy Phong (Bình Thuận) chuyển giao công nghệ cấy ghép một số loại cây trồng (trong đó có cây nho) cho nông dân địa phương. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để mở mang kiến thức, ông Sáu Lang quyết tâm vào Bình Thuận học nghề. Từ kiến thức học được, ông cấy ghép, trồng thử nghiệm một số gốc nho theo phương pháp ghép cành trên thân cây nho dại. Kết quả, việc trồng nho theo phương pháp mới giúp cây có sức đề kháng tốt, giảm sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ thành công của những lần thử nghiệm, ông gom góp vốn liếng thành lập Cơ sở Nho giống Sáu Lang, chuyên ghép cành cung cấp nho giống cho nông dân các địa phương. Những năm đầu mới thành lập, do tâm lý người trồng nho còn nghi ngờ về hiệu quả của phương pháp trồng nho mới nên việc kinh doanh của gia đình ông gặp không ít khó khăn. Để người trồng hiểu và tin dùng “sản phẩm” của mình, ông đến từng nhà giới thiệu sản phẩm, tài trợ giống nho cho một số hộ trồng thử nghiệm, hướng dẫn họ các khâu xuống giống, chuyển giao kỹ thuật ghép cành, chăm sóc cây con… Từ thành công của các hộ trồng tiên phong, nhiều hộ khác dần thay đổi suy nghĩ, tự tìm đến cơ sở của ông mua giống, học tập kỹ thuật. Nhờ vậy, thương hiệu Nho giống Sáu Lang dần khẳng định được tên tuổi, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Ông Nguyễn Thường Lang chăm sóc nho kiểng.

Với quyết tâm nâng cao chất lượng cây giống, năm 2013, ông Sáu Lang đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà kính, mua sắm thiết bị lọc nước, quạt máy, đèn chiếu sáng… thực hiện quy trình ươm cây giống theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đầu tư bài bản, thương hiệu Nho giống Sáu Lang ngày càng tạo được uy tín trên thị trường. Ngoài nho giống, từ năm 2008 đến nay, ông còn nghiên cứu, kinh doanh nho kiểng phục vụ thú chơi cây cảnh của người dân, nhất là dịp tết đến, xuân về. Hiện nay, ông tập trung phát triển 3 trại ươm nho giống tại phường Mỹ Hải, trung bình mỗi năm cung ứng cho thị trường trên 700.000 cây nho giống, 110.000 cây nho kiểng, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Không chỉ cung ứng “sản phẩm” trong nước, từ năm 2013 đến nay, ông còn ký kết hợp đồng, cung cấp nho giống và chuyển giao kỹ thuật cho một vài doanh nghiệp tại Campuchia.

Hiện thực hóa ước mơ nông nghiệp sạch

Năm 2017, nông dân Sáu Lang có cơ hội tham quan, học tập kinh nghiệm trồng rau sạch trong nhà kính tại huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Đài Loan (Trung Quốc). Từ những kiến thức học được sau chuyến tham quan và tiềm lực kinh tế hiện có, tháng 6-2018, ông Sáu Lang quyết tâm đầu tư 450 triệu đồng xây dựng nhà kính, hiện thực hóa ước mơ làm nông nghiệp sạch của mình. Sau hơn 3 tháng “tự biên, tự diễn”, đến nay, nhà kính của ông đang trong giai đoạn hoàn thành. Chia sẻ với chúng tôi, ông Sáu Lang tâm sự: Nông nghiệp sạch là ước mơ nhiều năm qua nhưng bây giờ tôi mới có cơ hội thực hiện nó. Với 1,7 sào đất trong nhà kính, tôi sẽ trồng thí điểm 200m2 nho sạch, diện tích còn lại sẽ trồng rau thủy canh và rau mầm. Mong muốn của tôi là sản xuất thành công các loại rau, nho sạch, đảm bảo tối đa các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tôi tin và sẽ quyết tâm hiện thực hóa ước mơ của mình!

Và một “Kỹ sư chân đất” đa tài

Từ thực tiễn sản xuất, niềm đam mê sáng tạo khoa học - kỹ thuật và yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng nhu cầu khách hàng, năm 2017, “Kỹ sư chân đất” Sáu Lang đã nghiên cứu, sáng tạo thành công một thiết bị xén và định hình mối ghép cây trồng viết tắt là SSE. Thiết bị được thiết kế gồm 4 phần chính: Thân-đế, cần lực, cơ cấu truyền lực và cơ cấu vận hành bằng tay hoặc chân. Với thiết bị này, trung bình một người có thể ghép được 3.000 cây/ngày, hiệu quả gấp 10 lần so với cách ghép bằng tay. Mặt khác, khi sử dụng thiết bị SSE, các mối ghép được cắt xén chính xác nên tỷ lệ sống của cây trồng đạt gần 100%. Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 6-2018 đến nay, ông còn tự mình thiết kế, thi công những phần chính của nhà kính; lắp đặt hệ thống tưới nước, thu hoạch tự động; chế tạo quạt gió phục vụ hoạt động sản xuất rau, nho sạch... Những thiết kế này không chỉ giúp ông cập nhật kiến thức, mà còn giảm tối đa chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Với những nỗ lực của bản thân, những năm qua, ông Nguyễn Thường Lang đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành. Riêng năm 2017, ông vinh dự đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp toàn quốc.

 

Tác giả bài viết: Phạm Lâm

Nguồn tin: baoninhthuan.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập318
  • Hôm nay49,819
  • Tháng hiện tại846,517
  • Tổng lượt truy cập90,909,910
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây