Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi đến xã Luận Thành (Thường Xuân) với mong muốn được gặp gỡ với người tiên phong phát triển kinh tế từ việc trồng xen canh các loại cây trồng trên đất dốc - gia đình ông Nguyễn Trọng Thanh, thôn Sơn Cao. Ngôi nhà ông Thanh nằm ngay bên trái tuyến đường Hồ Chí Minh, hướng Thanh Hóa - Nghệ An.
Đưa chúng tôi đi thăm quả đồi rộng gần 2 ha xanh mướt cây trồng, ông Nguyễn Trọng Thanh, cho biết: Trước đây khu đồi này chỉ trồng sắn 1 vụ, mỗi năm trừ chi phí thu lãi từ 30 đến 35 triệu đồng/ha/năm. Từ khi gia đình thử nghiệm trồng xen canh, đã có thêm tiền lãi khoảng 50 triệu đồng/ha từ các loại cây lạc, khoai sọ, ngô, vừng. Khi nhận thấy ánh mắt hoài nghi của chúng tôi, ông Thanh tiếp lời: Vụ sắn thường kéo dài từ 10 tháng đến 1 năm, nhưng thời gian cây sắn phủ kín tán, che đất kéo dài từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 7. Do đó, gia đình đã tận dụng thời điểm cây sắn mới trồng và khi cây đang phát triển tiến hành xen canh các loại ngô nếp lùn, lạc, khoai sọ... để lấy ngắn nuôi dài. Cùng thời điểm trồng sắn, gia đình sẽ trồng khoai sọ, sau 3 tháng khoai thu hoạch là lúc sắn vươn cao, thời điểm cây sắn tập trung chất dinh dưỡng nuôi củ, gia đình tiến hành dọn lá dưới gốc và trồng xen lạc, ngô lùn, vừng. Quả thực với “vòng tuần hoàn” các loại cây trồng được áp dụng, gia đình ông đã tận dụng đất đai triệt để, mang lại thu nhập cao hơn 1,3 đến 1,5 lần so với độc canh 1 loại cây. Theo ước tính, trên 1 ha đất đồi, gia đình ông Thanh có doanh thu 170 đến 200 triệu đồng/ha/năm. Ngoài việc xen canh cây ngắn ngày, gia đình ông còn có 1,5 ha rừng trồng keo, xoan, luồng... Ở những diện tích lưng đồi, tráng nắng, ông cũng tiến hành trồng xen canh cây nghệ, dong riềng để tăng thu nhập. Ông Lê Hữu Cường, Chủ tịch UBND xã Luận Thành, cho biết: Từ 1, 2 hộ trong xã tiến hành trồng xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay hầu hết các hộ dân có diện tích đất đồi khu vực ven tuyến đường Hồ Chí Minh đều áp dụng trồng xen canh để tăng thời vụ cây trồng, không mất quá nhiều công chăm sóc, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị canh tác.
Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh từ huyện Thạch Thành đến huyện Như Xuân của tỉnh là những vùng đồi thấp, đất đai màu mỡ, khí hậu thổ nhưỡng ôn hòa. Người dân đã tạo nên những vùng đồi trù phú, quanh năm xanh tốt. Trong đó, chú trọng đến việc xen canh cây trồng để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị canh tác. Tại huyện Như Xuân, ngoài việc hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả thu nhập cao, người dân còn tận dụng những quả đồi thấp để xen canh cây trồng ngắn ngày, như dưa hấu với ngô, lạc, vừng, thanh long và lạc, củ đậu; cây ăn quả với các loại rau đậu... Gia đình anh Lê Văn Thức, thôn Thanh Liêm, xã Xuân Hòa ngoài trồng 10 ha cây ăn quả, còn dành 2 ha đất đồi để canh tác các loại cây trồng ngắn ngày như dưa hấu, lạc, ngô... Khi chúng tôi đến thăm, đồi dưa hấu của gia đình anh đã đến ngày thu hoạch, cũng là khi những cây lạc, vừng đã vươn cao khỏi mặt đất. Anh Thức, chia sẻ: Khi dưa hấu bắt đầu thu hoạch, gia đình cũng tiến hành trỉa lạc, vừng. Dưa hấu thu hoạch đại trà chỉ khoảng 20 ngày đến 1 tháng, nên khi thu hoạch hết dưa thì lạc, ngô đã bắt đầu xanh tốt. Việc xen canh này vừa tận dụng được thời gian, hiệu quả kinh tế cao hơn. Trước đây, trồng dưa hấu có thu nhập 100 đến 120 triệu đồng/ha/năm, nhưng từ khi trồng xen canh gia đình có thêm thu nhập từ cây ngắn ngày khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha/năm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Xen canh, luân canh cây trồng trên khu vực đồi thấp ở các địa phương dọc tuyến đường Hồ Chí Minh thực sự là việc làm hiệu quả, tăng tần số sử dụng đất, giảm tình trạng “nông sản rớt giá, nông dân mất trắng”. Hiện nay, có nhiều hình thức xen canh đã được người dân sử dụng như xen canh cây rau màu ngắn ngày với cây ăn quả ở các huyện Như Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc; xen canh lạc, đậu tương vào đất mía ở huyện Thạch Thành... Nếu tiến hành xen canh, luân canh đúng kỹ thuật thì không chỉ làm đất tơi xốp và màu mỡ, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng đơn vị canh tác mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của người dân.