Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, xu hướng tiêu dùng rau, quả ở thị trường Bắc Âu rất khả quan trong những năm tới. Do điều kiện thời tiết không thuận lợi, các nước Bắc Âu phụ thuộc vào rau, quả nhập khẩu với hơn 90% hoa quả và 40% sản phẩm rau.
Việc nhập khẩu hoa quả nhiệt đới của thị trường Bắc Âu tăng nhanh trong những năm gần đây, mở ra cơ hội cho cả nhà XK cũ và mới từ các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển đóng góp hơn 50% lượng cung cho thị trường đối với một số loại hoa quả như: Đu đủ, xoài, dứa, chà là, me và chanh leo, và 30% đối với bơ, sung, dưa và nho. Một yếu tố tích cực nữa là nhập khẩu hoa quả nhiệt đới từ các nước đang phát triển được thực hiện quanh năm.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 cũng mang lại lợi thế lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi thuế các mặt hàng rau, quả tươi hầu hết về 0%.
Mặc dù được đánh giá là khả quan nhưng thị trường này khá nhỏ so với các nước châu Âu khác. Ngoài ra, không dễ dàng cho các nhà cung cấp mới khi sự cạnh tranh từ các tập đoàn hoa quả đa quốc gia, các công ty hậu cần vận chuyển, các kho lạnh, các công ty đóng gói và tiếp thị đã hiện diện từ lâu.
Hiện, các sản phẩm được trồng trong khu vực châu Âu chiếm đến 90% thị phần nhập khẩu rau của các nước Bắc Âu, các nước đang phát triển chỉ chiếm chưa đến 10% thị phần.
Các loại rau trái vụ như cà chua, ớt ngọt thường được cung cấp bởi các nước gần khu vực Bắc Âu. Hiện Việt Nam chưa có chuyến bay thẳng đến khu vực Bắc Âu cũng là một khó khăn không nhỏ trong việc xuất khẩu rau, quả tươi sang khu vực này.
Những năm gần đây, người tiêu dùng ngày càng có ý thức áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, dẫn đến nhu cầu cao hơn đối với rau, quả tươi, sản phẩm sạch và tự nhiên.
Bên cạnh đó, lối sống ở châu Âu đang trở nên nhanh hơn và người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm dễ dàng và thuận tiện. Chính vì vậy, các DN Việt Nam có thể cân nhắc 2 loại thực phẩm gồm: Sản phẩm tiện lợi và sản phẩm hữu cơ.
Các sản phẩm đóng gói sẵn, cả rau và hoa quả ngày càng trở lên thông dụng trong thương mại bán lẻ. Các nhà XK từ các nước đang phát triển đã trở thành các nhà cung cấp lớn các sản phẩm.
Để hưởng lợi từ xu hướng này, các DN cần tìm đến người mua có thể gia tăng giá trị cho sản phẩm và đảm bảo đáp ứng được chính xác chất lượng theo yêu cầu. Đồng thời, phải nghiên cứu, tuân thủ các quy định của thị trường.
Xu hướng sản xuất, kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn ngày càng được quan tâm. Xu hướng này liên quan đến nhiều khía cạnh trong chuỗi cung ứng, bao gồm điều kiện việc làm, sử dụng nước, quản lý chất thải… Sản phẩm của DN sẽ được người mua Bắc Âu chấp nhận nếu tuân thủ các sáng kiến bền vững.
Xây dựng thương hiệu và kể chuyện về sản phẩm là những công cụ cần thiết để hỗ trợ tiếp thị các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm cho thị trường ngách.
Phát triển thị trường ngách, tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm sẽ là những giải pháp giúp DN Việt có chỗ đứng tại thị trường này.
Nam Khánh/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã