Mục tiêu đó làm cho DNNN trở thành một thực thể “lưỡng cực”, vừa là một DN với nhiệm vụ kinh doanh thu lợi nhuận, lại vừa là một tổ chức mang tính công ích, hoạt động vì an sinh xã hội, phi lợi nhuận. Việc sử dụng các DNNN với những mục tiêu trái chiều nhau đã và đang xuất hiện những hệ lụy.
Đó là không thể tìm ra chủ sở hữu đích thực của DNNN. Ở các DNNN hiện nay, chỉ có những “ông chủ hờ”, kinh doanh không bằng vốn của mình. Do đó, tham nhũng, lãng phí không thể tránh khỏi.
Hơn nữa, với mục tiêu sử dụng DNNN làm công cụ “điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô” sẽ không thể đặt các DNNN vào sự cạnh tranh gay gắt của kinh tế thị trường. Bởi, khi thực hiện mục tiêu đó, các DNNN sẽ nhận được những ưu đãi, những “biệt lệ” làm méo mó quan hệ thị trường...
Thực tiễn cho thấy, các DNNN đã không giữ được vị trí chủ đạo như mong muốn vì sức cạnh tranh yếu, hiệu quả kinh doanh kém, quản lý thiếu minh bạch. Vietnam Report vừa công bố 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2011 (FAST 500), trong đó, 71,6% DN được thừa nhận tăng trưởng cao trong năm 2011.
Vì vậy, để tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu DNNN nói riêng, cần bắt đầu từ đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy quan trọng nhất có liên quan đến tái cơ cấu DNNN là xác định lại vai trò của nhà nước trong kinh doanh. Đã đến lúc, nhà nước nên từ bỏ vai trò làm chủ thể trong kinh doanh, tức là nhà nước không cạnh tranh với dân trong kinh doanh trên thương trường.
Một nhà nước thông minh là nhà nước tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, minh bạch, khuyến khích dân kinh doanh và thu thuế. Khi đó, sẽ không lo mất vốn nhà nước mà thực chất là tiền thuế của dân khi đưa vào kinh doanh, không sa vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” giữa việc quản lý nhà nước và quản trị kinh doanh. Với tư duy đó, nhà nước sẽ chỉ trực tiếp quản lý những DN hoạt động không vì mục đích kinh doanh, đó là DN trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và hoạt động công ích. Số lượng những DN loại này không nhiều, do đó, không cần có tổng công ty hay tập đoàn kinh tế nhà nước mà chỉ cần một cơ chế quản lý đặc thù. Những DN khác hãy để cho các thành phần kinh tế khác kinh doanh theo các quy luật khách quan của kinh tế thị trường.