Học tập đạo đức HCM

Dồn điền đổi thửa, mở hướng làm giàu

Chủ nhật - 31/03/2013 23:44
Trung Trung Bộ có chiều ngang hẹp nhất nước ta, đồng bằng nhỏ hẹp, nhiều thửa ruộng manh mún. Trong những năm qua, hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã tập trung dồn điền, đổi thửa, để có những mảnh ruộng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả thâm canh...
Cơ giới hóa trên đồng ruộng sau dồn điền đổi thửa ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị).
Từ yêu cầu của thực tiễn
 
Tại hai tỉnh này, do địa hình hẹp và dốc, đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, gây nhiều trở ngại cho nông dân trong sản xuất. Ông Hoàng Văn Yên ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nhớ lại: "Chúng tôi rất vất vả khi phải làm đồng trên quá nhiều mảnh ruộng nhỏ, một buổi gieo sạ phải gồng gánh chạy ba, bốn chỗ xa nhau cả cây số. Thời điểm đó, nhà tôi có đến 14 mảnh ruộng, có mảnh chỉ vài thước, riêng việc be bờ đã chiếm hết nhiều diện tích". Nguyên trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Thịnh cho biết, là địa phương được xem là "vựa lúa" của Quảng Bình nhưng bình quân mỗi hộ ở Lệ Thủy có tới 12 mảnh ruộng. Nơi này một miếng, nơi kia một thửa. Vì vậy, việc dồn điền, đổi thửa (DÐÐT) là hết sức cần thiết, có thể xem là "cuộc cách mạng" đối với nông dân.  Từ năm 2004, tỉnh Quảng Bình thực hiện DÐÐT với sự hưởng ứng tích cực của người dân. Ðây được xem là DÐÐT lần thứ nhất. Sau lần DÐÐT đó, số mảnh đất của từng hộ nông dân giảm xuống còn sáu, bảy mảnh, diện tích bình quân mỗi mảnh ruộng hơn 1.000 m2.
 
Nhưng cuộc sống ngày càng đi lên, người dân lại đắn đo trên mảnh ruộng chưa lớn của mình. Tại sao không tiếp tục DÐÐT để có những mảnh ruộng lớn hơn, ít phải di chuyển trong sản xuất? Khi cơ giới hóa đang là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp thì năm, bảy thửa ruộng đối với một hộ nông dân là một trở ngại không nhỏ. Có những máy gặt đập liên hợp chỉ thích ứng với diện tích tối thiểu nào đó, còn khi diện tích quá nhỏ thì không thể hoạt động được. Ông Hoàng Văn Yên lại có cách nhìn khác khi cho rằng, ngày nay người làm ruộng ít dần, nhiều hộ gia đình trước đây sống nhờ ruộng nhưng khi con cái lớn đi làm ăn các nơi, còn lại ông bà già không có ai làm, ruộng cho thuê, cho mượn. Vì vậy, nếu số thửa ruộng ít đi, chỉ tập trung một vài thửa thì việc cho thuê tiện lợi hơn... Nắm bắt xu thế ấy, huyện Lệ Thủy chỉ đạo các địa phương thực hiện DÐÐT lần thứ hai. Xã Phong Thủy được chọn làm "điểm" cho chủ trương này. Chủ nhiệm HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thượng Phong (xã Phong Thủy) Võ Văn Khinh cho biết, HTX quán triệt cho xã viên, cái đích của chủ trương DÐÐT là tạo được diện tích lớn trên một thửa ruộng của từng hộ để sản xuất đạt kết quả cao hơn, cho nên người dân đồng tình cao. Trước đây, bình quân mỗi xã viên có năm đến bảy mảnh thì từ cuối năm 2012 đến nay chỉ còn từ một đến ba mảnh ruộng.
 
Chúng tôi đến huyện Hải Lăng, nơi tiến hành DÐÐT sớm nhất tỉnh Quảng Trị vào năm 2002. Chủ tịch UBND huyện Hồ Ðại Nam cho biết: Nếu trước đây mỗi hộ có tám đến chín thửa đất, có hộ 15 thửa, diện tích mỗi thửa trung bình vài trăm m2, sau DÐÐT, mỗi hộ chỉ còn một đến ba thửa, diện tích mỗi thửa ruộng trung bình hơn 1.600 m2. Việc chuyển đổi này đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún, tạo được ô thửa lớn để thực hiện cơ giới hóa trên đồng ruộng và áp dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Mặt khác, tạo điều kiện để rà soát, hoàn thiện quy hoạch thiết kế đồng ruộng như hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, quy hoạch vùng canh tác các loại cây trồng, vật nuôi, quy hoạch đất phù hợp cho sản xuất, tiết kiệm sức lao động.
 
Trò chuyện với chúng tôi ngay trên bờ đê, nông dân Nguyễn Tân, ở thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch (Triệu Phong, Quảng Trị) nói: "Nhờ DÐÐT, ruộng đất không còn manh mún như trước đây, cho nên giờ nông dân chúng tôi làm ruộng sướng hơn ngày trước nhiều. Không còn cái cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau nữa mà mọi công đoạn sản xuất như làm đất, gặt lúa đều bằng máy. Ở quê hiện có nhiều người giàu lên từ đồng ruộng bởi biết chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý trên thửa đất liền bờ, liền vùng của mình".
 
Mặc dù chủ trương DÐÐT được triển khai từ năm 2002 nhưng đến năm 2005, đồng ruộng của HTX Thành Công 3, xã Triệu Trạch mới chính thức được liền bờ, liền thửa. Ðây là điều kiện để HTX chuyển đổi phương thức quản lý, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã viên. Người dân tập trung ruộng mình lại, HTX bao tiêu các dịch vụ như làm đất, tưới tiêu, bảo nông... Nhờ vậy, các khâu dịch vụ sản xuất được HTX thực hiện thuận lợi hơn, lại giảm chi phí. Năng suất lúa bình quân qua các năm ở HTX Thành Công 3 đạt 108 tạ/ha/năm, bình quân lương thực đầu người đạt hơn 800 kg/năm.
 
Kỳ vọng mới sau dồn điền,đổi thửa
 
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết, DÐÐT là công việc quan trọng ở nông thôn Quảng Trị những năm gần đây, được các huyện, xã dồn sức thực hiện. Nhiều huyện như Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh đã phát huy tính dân chủ ở cơ sở, được nhân dân đồng tình ủng hộ nên đã hoàn thành công việc này. Từ đó đã ra đời những cánh đồng mẫu lớn có giá trị kinh tế cao, cho thu nhập từ 70 triệu đồng/ha/năm trở lên. Việc "tích tụ đất đai" trong hạn điền cho phép đã làm xuất hiện hơn 11 nghìn trang trại lớn, nhỏ, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định, bước đầu hình thành sản phẩm hàng hóa.
 
Chúng tôi hỏi: Làm thế nào để DÐÐT bảo đảm công khai, minh bạch và được nông dân ủng hộ? Chủ nhiệm HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thượng Phong Võ Văn Khinh nói ngay rằng: Ban quản trị HTX nghiên cứu rất kỹ đặc điểm ruộng đất để đưa ra nhiều phương án lựa chọn. Cụ thể là phân định hạng đất, tiếp đó là ghép thăm. Tiêu chí của việc ghép thăm là tránh được rủi ro cho những hộ chỉ có một đến hai mảnh, không để rơi vào vùng ruộng quá xấu hoặc không thuận tiện trong sản xuất. Phương án ghép thăm được xây dựng trong đội ngũ cốt cán bao gồm ban quản trị HTX, cán bộ thôn... Khi hoàn chỉnh phương án ghép thăm đưa ra xã viên thảo luận góp thêm ý kiến. Sau khi xã viên thống nhất phương án bốc thăm, mới tổ chức bốc thăm chia đất trên bản đồ. Sau cùng là chia ruộng trên thực địa.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Phạm Hữu Thảo cho biết, hiện nay toàn huyện bình quân có 4,6 mảnh ruộng/hộ. Từ thành công của việc DÐÐT lần hai tại xã Phong Thủy, huyện rút kinh nghiệm để chỉ đạo các địa phương khác tiếp tục DÐÐT để tối đa mỗi hộ có khoảng 2,5 đến 2,7 mảnh ruộng, tạo tiền đề cho sản xuất cánh đồng mẫu lớn.
 
Ðến nay, tỉnh Quảng Trị có sáu huyện, gồm 56 xã tiến hành DÐÐT, với hơn 29.500 hộ dân; số thửa đất giảm 60-70% so với trước đây. Bình quân một hộ có từ hai đến bốn thửa. Hiệu quả từ DÐÐT và cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đã giúp người sử dụng đất yên tâm đầu tư sản xuất, tăng năng suất cây trồng, góp phần cải thiện đời sống gia đình và xây dựng nông thôn mới. Các địa phương đã gắn DÐÐT với quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, nguyên liệu, phát triển kinh tế trang trại. Từ đó, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của ngành nông - lâm - ngư nghiệp hai tỉnh năm 2012 đạt 4,5-4,6%, thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước về đất đai được thực hiện có hiệu quả hơn nhờ quản lý đúng đối tượng, mục đích sử dụng, diện tích giữa hồ sơ và thực tế sử dụng; đồng thời tạo cơ hội cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định.
 
Từ kinh nghiệm sau lần DÐÐT lần thứ nhất cách đây gần 10 năm, tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện chia lại ruộng đất theo hướng liền vùng, liền thửa, tạo thuận lợi cho sản xuất thâm canh. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Bình Phan Văn Khoa cho biết, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp Quảng Bình đang hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương vận động người dân DÐÐT để quy hoạch và kiến thiết lại đồng ruộng. Trong lần DÐÐT thứ hai này, tỉnh Quảng Bình phấn đấu mỗi hộ chỉ còn khoảng 2,5 đến 3 thửa ruộng, tạo thuận lợi khi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thâm canh tăng năng suất. Từ thành công của việc DÐÐT ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình thí điểm xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Công ty CP Tổng công ty nông nghiệp Quảng Bình liên kết, trợ giúp người dân Phong Thủy thực hiện mô hình này trên diện tích gần 100 ha.
 
Tuy vậy, quá trình DÐÐT ở hai tỉnh này còn có những bất cập, hạn chế. Ðó là, có một số nơi chưa phát huy được dân chủ, người dân chưa thật đồng tình với phương án chia lại ruộng đất nhưng vẫn tiến hành dẫn đến nảy sinh những thắc mắc, khiếu nại. Mặt khác, sau khi thực hiện xong DÐÐT trên đồng ruộng thì việc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân thực hiện chậm. Nguyên nhân là do các địa phương thiếu kinh phí để đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính, vì vậy dẫn đến người dân sử dụng đất thực tế không đúng với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trước đây.
 
Trước đòi hỏi của thực tế sản xuất, không thể giữ mãi những mảnh ruộng bé nhỏ với bờ vùng, bờ thửa như những mảnh áo vá làm hạn chế việc đầu tư cho sản xuất. Việc DÐÐT ở Quảng Bình và Quảng Trị như là một tất yếu để tiến lên làm ăn lớn trong sản xuất nông nghiệp. Có như thế mới hy vọng tạo ra bước đột phá vùng nông thôn, làm sôi động lên khu vực giàu tiềm năng này để hướng đến mục tiêu sau cùng là nâng cao đời sống cho người dân.
Nguồn nhandan.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập387
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm386
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại872,025
  • Tổng lượt truy cập92,045,754
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây