Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh Hà Tĩnh, năm 2015 HTX nông nghiệp sinh thái và dịch vụ Vũ Sơn Đức (viết tắt HTX Vũ Sơn Đức) tiên phong “mở đất” khu vực đồi núi thôn Hương Giang, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt.
Chỉ với 6 thành viên (nay còn 5 thành viên), HTX mạnh dạn bỏ số vốn hàng chục tỷ đồng xây dựng 8 dãy chuồng, quy mô nuôi 1.200 nái. Hiện, trang trại đã thả nuôi 700 nái ổn định từ năm 2016 đến nay.
Trong quá trình sản xuất, mặc dù đối mặt với 2 đợt “bão” giá lợn vào năm 2017, 2018, sau đó là dịch tả lợn châu Phi nhưng HTX vẫn kiên trì bám chuồng, vượt qua các giai đoạn khó khăn, chung tay cùng ngành chăn nuôi toàn tỉnh Hà Tĩnh giữ ổn định tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Khắc Thứ, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã Vũ Sơn Đức chia sẻ, có những thời điểm lợn giống sản xuất ra không ai mua, HTX phải nuôi thương phẩm, thua lỗ triền miên. Đến cuối năm 2020, khi giá lợn hơi tăng cao, HTX bắt đầu vớt vát được chút vốn liếng, duy trì sản xuất đến hôm nay.
“Những năm gần đây, bình quân mỗi năm chúng tôi cung ứng ra thị trường khoảng 5.000 con lợn thịt/năm. Riêng lợn giống, hầu hết thương lái trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình đến tận HTX đặt mua vì chất lượng giống rất đảm bảo”, ông Thứ nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐQT hợp tác xã Vũ Sơn Đức thông tin thêm, trang trại thường xuyên tuyển chọn đàn nái bố mẹ và nuôi dưỡng theo định mức kinh tế kỹ thuật. Thức ăn được mua từ các hãng có thương hiệu trên thị trường như Cargil, Ddehuess, CP... Do đó, lợn giống sau cai sữa, xuất bán trung bình đạt từ 11 – 15 kg/con, có một số giống siêu nạc trọng lượng con giống lên đến 21 - 25 kg/con.
Song song với đẩy mạnh sản xuất, HTX đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh.
Theo đó, toàn bộ hệ thống xử lý môi trường đều được thiết kế, xây dựng theo quy chuẩn, có tường rào bao quanh nhằm kiểm soát người và động vật ra vào trại. Các khu chăn nuôi; khu vệ sinh; sát trùng thiết bị chăn nuôi; khu tắm rửa, khử trùng, thay quần áo cho công nhân; khu cách ly lợn ốm; khu tập kết và xử lý chất thải…được bố trí riêng biệt.
Cổng ra vào trại chăn nuôi, khu chuồng nuôi và lối ra vào mỗi dãy chuồng đều bố trí hố khử trùng. Đặc biệt, tất cả các phương tiện vận chuyển khi vào trại, khu chăn nuôi phải đi qua hố khử trùng và được phun thuốc sát trùng.
Thường xuyên tiêu độc khử trùng định kỳ, đặc biệt trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, trang trại áp dụng phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tổ chức tiêm phòng đầy đủ nhằm tăng đề kháng cho vật nuôi.
Riêng hệ thống xử lý chất thải, trang trại đã xây dựng 5 hồ lắng, các bể biogas, các hồ tuần hoàn. Hiện nước thải đến hồ tuần hoàn cuối cùng được sử dụng để nuôi các loài cá nước ngọt.
https://nongnghiep.vn/phat-trien-chan-nuoi-phai-song-hanh-vao-ve-moi-truong-d293232.html
Theo Gia Hưng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;