Dự án "Nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng" do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, được thực hiện trong 3,5 năm tại 6 tỉnh phía Bắc; trong đó 3 tỉnh thí điểm là Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Ninh và 3 tỉnh vệ tinh là Thái Bình, Hòa Bình, Hải Phòng.
Chia sẻ về dự án, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, sau hơn 3 năm (từ tháng 7-2010 đến tháng 12-2013) áp dụng GAP cơ bản về sản xuất cây trồng an toàn, đến nay nhận thức của nông dân cũng như năng lực quản lý, giám sát việc sản xuất sản phẩm cây trồng của cán bộ tại các điểm dự án đã có những bước chuyển biến quan trọng.
Theo ông Định, áp dụng quy trình GAP cơ bản, người sản xuất phải xin giấy chứng nhận do một số đơn vị cấp phép chứng nhận VietGAP cấp và phải trả phí chứng nhận. Một số công ty kinh doanh và sản xuất nông sản đã có được giấy chứng nhận VietGAP đồng thời đã sản xuất được rau quả an toàn chất lượng cao.
"Áp dụng GAP cơ bản, nông dân sẽ hiểu rõ lợi ích của việc thực hành nông nghiệp tốt.
Tại các tỉnh thí điểm dự án, nông dân cũng đã biết cách lựa chọn hóa chất, vật tư nông nghiệp an toàn, đúng chất lượng, biết sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch sản phẩm một cách an toàn, thu được hiệu quả kinh tế cao và cải thiện phương thức sản xuất theo hướng bền vững,” ông Định nói.
Là tỉnh thực hiện thí điểm dự án, bà Nguyễn Thị Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nam khẳng định, từ khi áp dụng GAP cơ bản, địa phương này đã thực hiện được 26/65 tiêu chí về sản xuất rau an toàn. Cùng với đó, nhận thức về quản lý, sản xuất rau sạch của người dân cũng đã được nâng lên rõ rệt.
“Đáng mừng là nhờ áp dụng GAP cơ bản, đến nay, nguồn rau sạch tại địa phương đã được các tư thương mua ngay tại ruộng nên bà con rất phấn khởi,” bà Vang phấn khởi nói.
Cũng theo vị Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nam, trước đây sản xuất rau truyền thống thường tốn kém (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), thì nay sản xuất rau sạch theo mô hình GAP cơ bản, người dân đã giảm được chi phí đầu tư và sản phẩm rau đảm bảo an toàn hơn.
“Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm rau sạch tại địa phương vẫn chưa có tem-nhãn. Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm còn hạn chế nên giá bán sản phẩm thiếu tính ổn định và chưa thực sự mang lại niềm tin cho người nông dân,” bà Vang thành thật.
Ở góc độ cơ quan tài trợ, ông Yamamoto, Cố vấn hình thành dự án cao cấp-Văn phòng JICA Việt Nam cho biết, Việt Nam được biết đến là quốc gia “nổi tiếng” về thế mạnh nông nghiệp. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và mở rộng áp dụng GAP cơ bản trong sản xuất cây trồng được coi là nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an ninh xã hội.
“Quan trọng hơn, đây cũng là cơ hội đưa Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp nông sản tin cậy, đảm bảo an toàn thực phẩm với chất lượng cao ở khu vực và trên toàn thế giới, nhất là Nhật Bản,” ông Yamamoto nói./.
Theo http://www.vietnamplus.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;