Học tập đạo đức HCM

Cơ giới hóa nuôi bò sữa

Thứ tư - 23/07/2014 03:05
Nhờ được trang bị các loại thiết bị, máy móc cần thiết, nhiều hộ nông dân ở vùng nông thôn TP.HCM đang tăng thêm lợi nhuận từ nghề nuôi bò sữa.

 

 
Cơ giới hóa nuôi bò sữa
Ông Phạm Đăng Bảo chuẩn bị sử dụng máy vắt sữa


Có thêm 200 ngàn đồng/ngày

Ông Phạm Đăng Bảo, một lão nông ở ấp 9A (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi), là một người kỳ cựu trong nghề nuôi bò sữa. Trong 15 năm trở lại đây, con bò sữa đã liên tục gắn bó với gia đình ông. Nhờ con bò sữa, trong nhiều năm qua, gia đình ông Bảo đã có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế cũng vững vàng hơn.

Tuy nhiên, những lúc ngồi tính toán lại, ông Bảo nhận thấy, việc nuôi bò sữa của mình còn khá nhiều hạn chế, nhất là ở khâu vắt sữa. Ông Bảo tâm sự: “Nhìn người ta vắt sữa, cứ tưởng là nhàn nhã. Nhưng thực ra vắt sữa cũng cực lắm. Bởi để lấy được hết sữa ra khỏi bầu vú con bò, hai tay người vắt sữa phải gồng lên khá nhiều. Do đó, sau mỗi lần vắt sữa, ai cũng thấy rất mỏi mệt.

Vì thế, tôi đành phải đi mượn người vắt sữa thuê. Thuê người vắt sữa thì người nuôi chỉ lấy giá sữa 11.000 đ/kg. Bởi những người vắt sữa xong, lấy tiền công bằng cách mang sữa ra trạm thu mua để giao với giá 13.000 đ/kg.

Thành ra, khi thuê thợ vắt sữa, nông dân phải chịu thiệt 2.000 đ/kg. Thợ vắt sữa nhiều khi lại khiến mình bị động, bởi khi đến giờ vắt mà họ đang mải ngồi... nhậu ở chỗ nào đó thì khó mà mời họ về làm cho mình.

Những người vắt sữa thuê lại thường không có kinh nghiệm và cũng không mấy quan tâm tới việc bảo vệ sức khỏe đàn bò của gia chủ. Khi mình yêu cầu họ khử trùng tay bằng cồn trước khi vào vắt sữa, họ cũng lờ đi không thèm làm. Do đó, sữa dễ bị nhiễm vi sinh, làm giảm chất lượng.

Cũng do thợ vắt sữa thuê thường không vệ sinh kỹ bàn tay nên bệnh viêm vú dễ dàng lây lan từ con bò này sang con bò kia ...”.

Chính vì thế, khi được tiếp cận với đề án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa” của TP.HCM, ông Bảo mạnh dạn làm hồ sơ tham gia ngay. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, ông Bảo đã sắm được bộ thiết bị vắt sữa vào những ngày cuối năm 2013, đầu 2014.

Với thiết bị này, trong 7 tháng qua, dù tuổi đã cao, nhưng ông Bảo đã lại có thể tự vắt sữa bò một cách dễ dàng, không cần phải thuê người nữa.

Nói về chuyện này, ông Bảo hồ hởi khoe: “Riêng về lợi nhuận đã thấy hơn hẳn rồi. Bởi bây giờ mình tự vắt sữa thì có thể mang sữa đó đến giao thẳng cho các trạm thu mua sữa với giá 13.000 đ/kg. So với khi thuê người vắt sữa, thì giờ đây, mỗi kg sữa, tôi thu thêm được 2.000 đ/kg.

Bình quân mỗi ngày thu được 100 kg sữa, đã có thêm 200 ngàn đồng. Tính ra, mỗi tháng có thêm khoản thu nhập tới 6 triệu đồng. Vắt sữa bằng máy thì chất lượng sữa cũng đảm bảo hơn vì ít nhiễm vi sinh so với vắt tay. Năng suất sữa cũng tăng lên do máy sẽ hút kiệt được sữa trong bầu vú con bò. Từ khi dùng máy vắt sữa thì cũng hạn chế được khá nhiều tình trạng lây lan bệnh viêm vú so với khi thuê người vắt bằng tay”.

Đẩy mạnh cơ giới hóa

Theo ông Võ Ngọc Anh, GĐ Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, từ năm 2013 trung tâm đã triển khai thực hiện đề án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa” ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12.

Ông Nguyễn Phước Trung, GĐ Sở NN-PTNT TP.HCM, cho biết, hết năm 2015, sở sẽ tham khảo ý kiến của các nông hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn để xây dựng một chương trình mới nhằm tiếp tục chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2016-2020.

Trong năm ngoái, trung tâm đã hỗ trợ nông dân (hỗ trợ 50% kinh phí, nông dân đóng góp 50% còn lại) ở các huyện, quận nói trên 180 máy vắt sữa đơn, 33 thiết bị rửa máy vắt sữa, 559 bình nhôm chứa sữa (20 lít/bình), 13 máy băm thái cỏ có trục cuốn, 1 máy trộn thức ăn TMR 1 pha và 50 hệ thống làm mát chuồng trại, thiết bị đo nhiệt độ, ẩm độ.

Những hộ nông dân được hỗ trợ phải có quy mô đàn bò từ 20 con trở lên.

Từ khi được trang bị những thiết bị, máy móc, hiệu quả chăn nuôi bò sữa của những nông hộ được hỗ trợ đã tăng lên đáng kể. Chẳng hạn, việc dùng máy vắt sữa giúp giảm chi phí công lao động, hạn chế nhiễm vi sinh trong quá trình vắt sữa, rút ngắn thời gian vắt sữa từ 10 - 12 phút/con/lần vắt xuống còn 5 - 7 phút; sản lượng sữa tăng bình quân 0,2 - 0,4 kg/con/lần vắt.

Do máy phù hợp với sinh lý và thời gian tiết sữa của bò nên chất lượng sữa đáp ứng được yêu cầu của nhà thu mua (vật chất khô trong sữa đạt bình quân 12%, hàm lượng chất béo là 3,5%).

Hệ thống làm mát chuồng trại đã giúp cải thiện tiểu khí hậu chuồng nuôi phù hợp với sinh lý của bò, giảm nhiệt độ bên trong chuồng từ 3 - 5 độ C so với ngoài trời. Qua đó giảm được stress cho bò sữa, hạn chế khi thải, đảm bảo sức khỏe đàn bò, góp phần tăng năng suất, sản lượng sữa ...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án cũng cho thấy những hạn chế không nhỏ của người nuôi bò sữa, nhất là việc nhiều hộ mua máy vắt sữa mà chưa quan tâm mua sắm thiết bị rửa máy. Thực tế cho thấy nếu không được vệ sinh tốt, những máy vắt sữa có thể làm tăng khả năng nhiễm vi sinh hơn cả vắt tay.

Dù vậy, với những hiệu quả thiết thực nêu trên, TP.HCM đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án trong năm 2014 và 2015 (năm kết thúc chương trình bò sữa TP.HCM giai đoạn 2011-2015, trong đó có đề án nói trên). Trong đợt 1 năm nay, đã có 238 nông hộ ở ngoại thành TP đăng ký tham gia đề án.

Nguồn: nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập327
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại876,555
  • Tổng lượt truy cập92,050,284
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây