Học tập đạo đức HCM

Tháo “nút thắt” ứng dụng khoa học công nghệ

Thứ tư - 01/03/2017 23:04
Đầu tư phát triển, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế quốc tế và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Sản xuất dần đi vào chiều sâu

Những năm qua, không ít doanh nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đã nỗ lực đầu tư nâng cao trình độ công nghệ và tạo những cơ hội cho nông dân tiếp cận công nghệ cao. 

Ở lĩnh vực lúa gạo, một số doanh nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu lớn ở vùng ĐBSCL đã và đang thực hiện tốt chiến lược phát triển gia tăng giá trị hạt gạo bằng việc mạnh dạn đầu tư và áp dụng quy trình máy móc khép kín các công đoạn sấy lúa - bóc vỏ - xay xát - lau bóng - phân loại - tách màu - đóng gói với hệ thống quản lý theo ISO 9001:2008 và hệ thống chế biến tuân thủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP nhằm bảo đảm các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Hệ thống tưới nhỏ giọt được cài đặt tưới tự động mỗi giờ một lần ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Xuân Dự - TTXVN

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thuộc Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh công bố vào tháng 10/2014 đã chỉ ra nhiều điểm yếu của ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Theo đó, chất lượng gạo sản xuất ra chỉ ở mức trung bình (gạo 15 - 25% tấm, chiếm 70 - 80% gạo thương phẩm xuất khẩu); công nghệ chế biến ở khâu sấy, tồn trữ kém (lúa tươi khi đưa đến các nhà máy sấy thường có độ ẩm từ 18 - 20%); tỷ lệ hao hụt qua sấy từ 10 - 15%, thời gian bảo quản ngắn, chỉ 3 tháng; công nghệ chế biến xay xát lạc hậu dẫn đến tỷ lệ thành phẩm đạt 62 - 65%. 

Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, những điểm yếu của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo lớn nói trên đã dần được khắc phục từ việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Bởi thế, trên vựa lúa ĐBSCL đã xuất hiện những hệ thống sấy lúa có công nghệ hiện đại, giảm tối đa tình trạng hạt gạo gãy vỡ khi xay xát với tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng từ 7 - 8%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn mạnh dạn đầu tư hệ thống silo tiên tiến có thể tồn trữ lúa từ 6 - 12 tháng mà không giảm phẩm chất và hao hụt trong quá trình lưu kho. Công nghệ chế biến lúa gạo đã có thể thu hồi gạo đạt chuẩn trên 70% gạo chất lượng cao (5% tấm) và tạo độ đồng nhất phẩm chất gạo lên đến 90%. 

Nếu đứng ở góc độ đánh giá chung cho toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp sản xuất chế biến, kinh doanh lúa gạo ở vùng ĐBSCL, theo Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối thuộc Bộ NN&PTNT, công nghệ thiết bị cho chế biến gạo của vùng gần đây đã có nhiều tiến bộ so với các nước trong khu vực. Cụ thể là nhờ áp dụng công nghệ sau thu hoạch như: Sử dụng máy gặt đập liên hợp, công nghệ chế biến gạo tiên tiến, đặc biệt là công nghệ tách hạt, đánh bóng gạo và quy mô công nghệ bảo quản tích trữ lúa gạo ngày càng được nâng cao nên tổn thất sau thu hoạch của lúa gạo giảm từ 11 - 13% trước đây xuống còn 10% hiện nay. 

Có thể nói rằng, hiệu quả nói trên xuất phát từ chính sách đúng đắn của Chính phủ về việc xây dựng và phát huy các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã giúp cho các tỉnh, thành ĐBSCL đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hiện đại, an toàn, bền vững, hiệu quả. Những mô hình liên kết đó đã góp phần giải quyết khó khăn, “dọn đường” đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, giảm chi phí giá thành và tạo ra sản phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của thị trường quốc tế. 

Mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu ở huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Chính vì vậy, hiện tại vùng ĐBSCL đã và đang bắt đầu hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao và thậm chí còn có doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống công nghệ phân tích phòng thí nghiệm tại chỗ nhằm phân tích kiểm định chất lượng lúa gạo để phục vụ các thị trường khó tính. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Gentraco tại tỉnh Cần Thơ đang xây dựng vùng nguyên liệu hơn 3.000 ha cho riêng thị trường tại châu Âu. Vùng lúa này sẽ được giám sát chặt chẽ quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như quy trình chế biến để có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường này. Tập đoàn Lộc Trời tại tỉnh An Giang đang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị và cũng đã bắt đầu có được những giống lúa do chính tập đoàn lai tạo chọn lọc ra như: giống Lộc Trời 1 (nằm trong top 3 gạo ngon thế giới), Lộc Trời 2, Lộc Trời 3, Lộc Trời 4... 

Về lĩnh vực khai thác biến thủy sản, toàn vùng có trên 300 cơ sở chế biến thủy sản, chiếm 48% cơ sở so với cả nước với tổng công suất chế biến khoảng 1,5 triệu tấn sản phẩm/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu gần 5 tỷ USD/năm. Hiện tại hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản đều có trang bị hiện đại, công suất lớn, đảm bảo tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, đã tạo ra các sản phẩm có giá trị cao như: bột cá, gelatin, colagen, chitin, chitozan… đã nâng cao được giá trị nguyên liệu thủy, hải sản vùng ĐBSCL. 

Thời gian qua, Tập đoàn Việt - Úc khởi công xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao ở Bạc Liêu, đánh dấu một bước tiến mới trong ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Khu phức hợp này có tổng diện tích 315 ha, trong đó trên 90% diện tích để nuôi siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính với tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 2.000 người. Theo các chuyên gia, mô hình này sẽ cho năng suất rất cao, kiểm soát được vùng nuôi và dịch bệnh, giảm rủi ro, tác động đến môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ NN&PTNT, chính những đóng góp của khoa học công nghệ đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP của ngành trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt 3,13%, vượt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra (từ 2,6 - 3%). Chất lượng tăng trưởng cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành tăng từ 57% năm 2010 lên 68% năm 2015. Xuất khẩu nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 bứt phá mạnh mẽ, tăng bình quân 9%/năm (từ 19,5 tỷ USD năm 2010 lên 30,14 tỷ USD năm 2015). 

Đến nay, đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ. Đặc biệt, đối với lĩnh vực thủy sản, trong 9 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu trên 5 tỷ USD các loại thủy sản, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói là nếu trước đây chỉ sản xuất dạng sản phẩm thô thì nay tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao ngày càng tăng, ước khoảng 35% trên tổng sản phẩm xuất khẩu. 

Tiếp tục tháo bỏ “điểm nghẽn”

Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL vẫn còn tổ chức sản xuất không đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao. Điều này là do khoa học công nghệ vẫn chưa phát huy động lực, nhất là sự gắn kết giữa khoa học công nghệ và hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn.

Nhận định nói trên có cơ sở khi đến nay nhìn chung trong chế biến lúa gạo, chất lượng sản phẩm có cải thiện nhưng còn thấp, chưa bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật về độ đồng đều, độ khô của thóc làm chưa tốt, độ ẩm cao, nhiều tạp chất. Lĩnh vực thủy sản thì nước ta cũng có nhiều lô hàng xuất khẩu thủy sản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh, chứa mầm bệnh và buộc trả về nước tại hầu hết thị trường. Tính từ năm 2014 đến nay đã có gần 32.000 tấn hàng bị trả về. Riêng 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam có đến 582 lô hàng bị 38 nước trả hàng về, trung bình mỗi công ty có 5 lô hàng bị trả về. 

Trong khi đó, những năm gầy đây, bên cạnh yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL ngày càng nhiều hơn. Do đó, càng đòi hỏi khẩn trương ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và kịch bản trước các tác động của đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Thực tế, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích, mở rộng doanh nghiệp tham gia ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Như gần đây nhất là Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ và Quyết định 1051/QĐ-NNNN của Ngân hàng Nhà nước về chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là những chính sách cởi mở, rất kỳ vọng để xóa bỏ dần những tồn tại, hạn chế trong cách tổ chức sản xuất nông nghiệp lạc hậu, manh mún vẫn còn diễn ra phổ biến ở ĐBSCL. Nhưng đến nay việc đưa chính sách này vào cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. 

Theo đó, tỉnh An Giang là địa phương tiên phong tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp với nhiều dự án như: dự án đầu tư chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thịnh Phú An Giang với tổng diện tích sản xuất giai đoạn 1 là 500 ha; dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa nếp đặc sản tỉnh An Giang do Công ty TNHH TMĐT Tín Thương thực hiện với nông dân ở giai đoạn 1 là 500 ha; dự án đầu tư chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco “sản xuất - chế biến - xuất khẩu” do Công ty TNHH SXTMDV Thuận An triển khai với các hộ dân nuôi cá có tổng diện tích mặt nước là 41,5 ha… 

Có thể nói, qua những dự án này, doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn vay ngay khi có nhu cầu và người dân được doanh nghiệp triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, mô hình sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng”, nuôi cá tra theo tiểu chuẩn VietGAP hay BAP (tiêu chuẩn vào thị trường Mỹ)… để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tăng thu nhập và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, kết quả đầu tư theo chuỗi ở những dự án nói trên dù có khả quan bước đầu nhưng sau đó là phát sinh hàng loạt những bất cập trong quá trình liên kết khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận được những lợi ích từ Nghị quyết 14 của Chính phủ và Quyết định 1051 của Ngân hàng Nhà nước. 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, nguyên nhân của những hạn chế khiến việc triển khai chính sách gặp khó khăn chính là diện tích sản xuất của người dân tham gia vào vùng nguyên liệu của dự án còn nhỏ lẻ, phân tán không thuận lợi cho quá trình thu mua của công ty. Nông dân vẫn thích sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tràn lan, không thể kiểm soát. Do vậy việc cung ứng toàn bộ đầu vào cho người nông dân gặp rất nhiều khó khăn và kéo theo đó là hệ thống ngân hàng không giải ngân được nguồn vốn cho các doanh nghiệp theo chương trình do không cung cấp được hóa đơn, chứng từ thanh toán. 

Một nguyên nhân quan trọng khác chính là sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và hộ nông dân chưa cao, chủ yếu là vấn đề lợi nhuận. Trong đó, yếu tố tác động, gây ảnh hưởng, dễ làm gãy chuỗi liên kết là thương lái mong muốn mua lúa trong mô hình nên thường xuyên liên hệ với người nông dân trong lúc họp bàn thống nhất giá mua - giá bán, từ đó gây trở ngại cho việc thu mua của doanh nghiệp. 

Qua những nguyên nhân trên, nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp tiếp tục nhấn mạnh vai trò của tổ hợp tác, hợp tác xã cực kỳ quan trọng trong việc gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Tuy nhiên, do năng lực quản lý, điều hành của các đơn vị này cho đến nay còn rất yếu kém, nên việc triển khai Quyết định 445/QĐ-Ttg của Thủ tướng về việc phê duyệt đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020” là một chính sách rất quan trọng cho phát triển vùng hiện nay. 

Đồng thời, ngay lúc này Nhà nước cần có chính sách hợp lý, có cơ chế về thuế sử dụng đất, hạn điền… nhằm để doanh nghiệp an tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng diện tích sản xuất của người dân tham gia vào vùng nguyên liệu của dự án còn nhỏ lẻ, phân tán. Những giải pháp trên sẽ tạo điều kiện, môi trường khuyến khích doanh nghiệp tham chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

GS. Võ Tòng Xuân: Tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp

Nhà nước cần đầu tư đích đáng cho nông thôn. Nông dân phải được đào tạo, có tay nghề, kiến thức, kỹ năng đủ để tham gia hoạt động kinh tế cạnh tranh, không sản xuất theo kinh nghiệm mà phải triệt để tuân theo tiêu chuẩn. Đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, tập trung giống chất lượng, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, áp dụng kỹ thuật GAP vào sản xuất... Bên cạnh đó là lãnh đạo từng địa phương tổ chức thế nào để gắn “nhà” doanh nghiệp với hợp tác xã nông nghiệp hoặc cánh đồng lớn, trong đó nhà nông gắn kết nhà nông sản xuất nguyên liệu theo quy trình nông nghiệp kỹ thuật cao cung cấp cho doanh nghiệp chế biến sản phẩm có thương hiệu mạnh. 

Ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ATE): Phát huy vai trò doanh nghiệp

Việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ có Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu khoa học mà rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp và nông dân. Thực tế, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ trong ngành đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho nông dân tiếp cận công nghệ cao. Đặc biệt, đưa doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẽ phần nào giải quyết được vấn đề vốn, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. 

Ông Dương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Định Thành - Tập đoàn Lộc Trời: Giải quyết khó khăn trong xây dựng cánh đồng lớn

“Nông dân nhỏ - cánh đồng lớn” là một chủ trương lớn của Nhà nước Việt Nam. Chủ trương này cần phải được tiếp tục theo đuổi và hoàn thiện để nền nông nghiệp nước ta có điều kiện tiến lên hiện đại, sản xuất ra được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, an toàn, chất lượng cao và ổn định để cạnh tranh thắng lợi trong quá trình toàn cầu hóa. Do đó Nhà nước cần nghiên cứu kỹ những khó khăn thách thức trong quá trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn để giải quyết, đưa nền nông nghiệp tiến lên, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Một nghịch lý mà doanh nghiệp đang gặp phải là cần đất để xây dựng các nhà máy ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để chế biến lúa gạo, nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên chủ trương của Nhà nước là giữ đất lúa không cho chuyển mục đích sang đất xây dựng công nghiệp. Cần có chủ trương hài hòa để giải quyết mâu thuẫn này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đất sạch đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Anh Đức
Nguồn:
 baotintuc.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập461
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại871,573
  • Tổng lượt truy cập92,045,302
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây