Nông dân tham gia tập huấn canh tác lúa theo IPM
Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (ĐH Cần Thơ), ĐH Nông Lâm TP.HCM cùng Ban Quản lý dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) và các HTX, tổ hợp tác ở 8 ĐBSCL tham dự hội thảo “Đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT), công nghệ SX lúa gạo theo chuỗi, cơ sở khoa học và thực tiễn”.
Dự án VnSAT là hoạt động hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB), Viện Nghiên cứu lúa quốc tế(IRRI). Dự án thực hiện trong 5 năm (2016 - 2020) với mục tiêu xây dựng vùng SX lúa trên 200.000ha cho 140.000 nông hộ bằng quy trình canh tác tiên tiến; tăng lợi nhuận cho nông dân trên 30% so với hiện nay.
Trên cơ sở thực tiễn sau năm đầu tiên thực hiện, VnSAT tổ chức hội thảo truyền thông để các chuyên gia ngành nông nghiệp cập nhật những TBKT mới và công nghệ trong SX lúa gạo theo chuỗi cho các cán bộ trực tiếp tham gia dự án, từ đó phổ biến, nâng cao trình độ kỹ thuật SX cho nông dân.
Trong một công trình nghiên cứu mới đây về vai trò của muỗi nước thuộc họ Chironomidaie (Diptera) trong ruộng lúa vào 30 - 40 ngày đầu sau khi sạ, PGS.TS Nguyễn Văn Quỳnh, Bộ môn BVTV, ĐH Cần Thơ, cho rằng: Muỗi nước có mật số rất cao so với các loại côn trùng khác trong ruộng từ 7 - 14 ngày sau sạ, do ấu trùng vũ hóa từ trong rơm rạ mục nát dưới đáy ruộng. Hiện các loại thuốc trừ sâu dùng để xử lý hạt giống, rải vào trong đất và đặc biệt là phun trên lá để trừ sâu đều có ảnh hưởng bất lợi đến khả năng sống sót của muỗi nước.
"Cần có biện pháp bảo vệ và tạo điều kiện cho muỗi nước để giúp chúng phân hủy rơm rạ, đồng thời làm nguồn thức ăn cho thiên địch, cụ thể như: Cày rơm rạ sau thu hoạch, làm mặt bằng ruộng cho tốt để giữ nước đều trong ruộng; áp dụng IPM theo nguyên tắc “3 giảm” để tạo ruộng lúa khỏe, phát huy vai trò thiên địch nhằm giảm thiểu thuốc trừ sâu để giảm giá thành SX, bảo vệ môi trường và tăng giá trị hàng hóa của gạo XK", PGS.TS Huỳnh đề xuất.
Tại hội thảo, TS Vũ Tiến Khang, Viện Lúa ĐBSCL trình bày những mặt lợi thế về lợi ích kinh tế trong việc đẩy mạnh ứng dụng TBKT SX lúa gạo; Canh tác lúa theo hướng hữu cơ và vai trò của phân hữu cơ.... Trung tâm BVTV phía Nam công bố một số kết quả nghiên cứu về rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá và yếu tố liên quan làm cơ sở khoa học thực hiện công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu...
TS Vũ Anh Pháp, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL có những đánh giá ban đầu về sử dụng phân bón thông minh và hiệu quả của phân bón tan chậm đến sinh trưởng và năng suất lúa trên vùng đất phèn Đồng Tháp. Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang thông tin về kết quả các mô hình trình diễn áp dụng giải pháp canh tác lúa áp dụng quy trình kỹ thuật "1 phải 5 giảm" thích ứng với biến đổi khí hậu. TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (SIAEP) đề nghị một số giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị của lúa gạo ĐBSCL...
Theo Hưng Phú/nongnghiep.vn