Đến năm 2014, Hiển Khánh đã về đích NTM với nhiều cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo.
Tập trung dồn điền đổi thửa
Ngay sau khi triển khai Chương trình XDNTM, Ban chấp hành Đảng bộ xã Hiển Khánh đã quyết định thành lập BCĐ XDNTM và lập đề án xây dựng cơ bản từ xã xuống thôn, vươn ra ngoài đồng với tổng kinh phí 177,01 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên các công trình đền ơn đáp nghĩa, trường học, đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng và quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung mang tính dài hạn.
Đến nay, toàn xã có 36 mô hình trang trại, gia trại có thu nhập cao và ổn định; 12 tổ hợp may mặc công nghiệp, trong đó có 1 tổ hợp may mặc xuất khẩu. Trên địa bàn xã có 1 công ty sản xuất vật liệu xây dựng, 2 công ty may mặc xuất khẩu, 1 công ty chế biến rau củ quả xuất khẩu đang thi công xây dựng..., góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập ổn định từ 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Công tác dồn điền đổi thửa được xã quan tâm, BCĐ họp từ xã xuống thôn, cử cán bộ xã xuống từng thôn để họp cùng với nhân dân, phân tích để bà con hiểu được các lợi ích có được sau dồn điền, đổi thửa để nhân dân bàn bạc, thống nhất. Sau dồn điền, đổi thửa, xã đã quy hoạch được các vùng sản xuất, quy hoạch được quỹ đất công, đặc biệt đã quy hoạch hoàn chỉnh hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, người dân tiết kiệm hơn về chi phí, giảm sức lao động, tăng năng suất, có thời gian làm thêm những công việc khác để tăng thu nhập, nâng cao cuộc sống.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, huy động tổng hợp mọi nguồn lực, xã đã thực hiện được một số công trình như: Xây dựng đền thờ, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ, nghĩa trang nhân dân; xây dựng mới 11/11 nhà văn hóa thôn, 4 cổng làng kiên cố; nâng cấp đường điện, trạm biến áp phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; làm đường giao thông nông thôn, bê tông hóa 12km đường nội đồng; xây dựng mới và nâng cấp các trường học, trạm y tế, chợ nông thôn, trụ sở làm việc xã…
Ông Trần Đình Học, Chủ tịch UBND xã Hiển Khánh, cho biết: Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, đến nay, đa phần người dân trong xã đã hiểu được công cuộc XDNTM là trách nhiệm của dân, đem lại lợi ích cho chính người dân. Công tác tuyên truyền thực sự phát huy hiệu quả, bởi được triển khai dưới nhiều hình thức như hội họp ở cấp xã, cấp thôn, qua đài truyền thanh, vận động trực tiếp ở các gia đình...
“Đơn cử như trong công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình công cộng, nếu thấy vướng mắc hay có bất cứ ý kiến phản ánh nào của nhân dân, cán bộ xã đến tận nhà dân để tìm hiểu, trao đổi, giải quyết ngay, dù đó là việc nhỏ nhất. Nhờ vậy, người dân đã đồng thuận và cùng gánh vác công việc chung của xã. Thành công của Hiển Khánh chính là việc vận động tất cả các đoàn thể vào cuộc. Mặt trận Tổ quốc của xã và các đoàn thể đã tăng cường công tác vận động đến từng đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia, triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với XDNTM”, ông Học nhấn mạnh.
Sáng tạo trong cách làm
Để hoàn thành Chương trình XDNTM, Hiển Khánh đã có nhiều việc làm sáng tạo: Phát huy nội lực trong nhân dân bằng mọi nguồn lực như hiện vật, tiền mặt, đất đai, ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng. Huy động tối đa con em xa quê, viết thư kêu gọi những người con đang công tác trên mọi miền Tổ quốc ủng hộ quê hương. Điển hình như phong trào ủng hộ xây dựng đền thờ, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ huy động được 1,25 tỷ đồng; phong trào xây dựng nhà văn hóa thôn 1,35 tỷ đồng; phong trào làm đường giao thông nông thôn 1,3 tỷ đồng; ủng hộ xây dựng cổng làng 320 triệu đồng… Nhiều cá nhân ủng hộ từ 50 - 200 triệu đồng; nhiều thương binh, bệnh binh, cán bộ nghỉ hưu tại địa phương ủng hộ 1 tháng lương...
Tổng kinh phí đầu tư XDNTM của xã trong 7 năm qua đạt 163,039 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương: Trái phiếu Chính phủ hỗ trợ xây dựng trường học 1,827 tỷ đồng; tỉnh hỗ trợ xây dựng xã điểm NTM 10,073 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình 9,335 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 14,325 tỷ đồng; vốn ngân sách xã 50,515 tỷ đồng; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư 67,807 tỷ đồng; vốn khác 5,015 tỷ đồng. Đặc biệt, Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại xây dựng trường học 2 tỷ đồng.
Đến nay, Hiển Khánh có 11/11 thôn được công nhận Làng văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện; 98% số hộ được công nhận Gia đình văn hóa; 100% số hộ dùng nước hợp vệ sinh; 4/4 trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% đường giao thông nông thôn, 83,58% đường nội đồng được bê tông hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,85%, xã không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Là đơn vị về đích NTM năm 2014 với những chuyển biến nhanh và hiệu quả cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước về XDNTM thực sự hợp lòng dân, đây cũng là cơ sở để Hiển Khánh tiếp tục duy trì, giữ gìn và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;