Học tập đạo đức HCM

Khát vọng thoát nghèo

Chủ nhật - 04/03/2018 21:27
Những người dân “chân lấm, tay bùn” không cam chịu trước hoàn cảnh nghèo khó. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, họ đã cần cù, nỗ lực, từng bước thoát nghèo, làm giàu cho gia đình. Đó thực sự là những tấm gương sáng về khát vọng vươn lên...
Không khuất phục số phận

Trong tiết xuân lất phất mưa bay, chồi non tí tách giữa không gian đầy nhựa sống khiến con người dường như được tiếp thêm sức mạnh và hy vọng. Những người nghèo nhưng giàu nghị lực như những mầm xanh chỉ chờ mưa xuân là vươn lên tươi tốt.
 

Hộ bà Nguyễn Thị Xuân ở xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) là một trong những gia đình như vậy. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, gia đình bà thuộc diện nghèo nhất xã, trong nhà hầu như không có thứ gì đáng giá. Cuộc sống vất vả, quanh năm “chân lấm, tay bùn” nhưng vẫn không hết khổ, tưởng chừng mãi bế tắc. May sao, năm 1994, nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình bà tập trung đầu tư chăn nuôi lợn...

Cứ thế, vừa làm, vừa tích góp trả lãi ngân hàng, bà cùng gia đình bắt đầu mở rộng quy mô chăn nuôi. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của bản thân, giờ đây, mỗi năm thu nhập của gia đình bà được khoảng 60-70 triệu đồng - một số tiền như “nằm mơ” với cuộc sống trước đây. Hết đói nghèo, trả hết nợ chương trình hộ nghèo, học sinh, sinh viên, gia đình bà còn mua sắm được một số tiện nghi sinh hoạt và nuôi các con học hành đầy đủ...

Rời huyện Thanh Oai, chúng tôi tới thôn Bá Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng), gặp gia đình bà Bùi Thị Mai. Trong thôn, ai cũng khâm phục nghị lực vươn lên của người phụ nữ nhỏ nhắn này. Vừa mới mua đàn lợn giống về nuôi tái đàn sau Tết, bà Bùi Thị Mai chia sẻ: Trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, chồng mất sớm, một mình bà nuôi các con ăn học. Năm 2012, từ sự hỗ trợ của Nhà nước - cho vay vốn theo diện hộ nghèo - bà bắt đầu học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi. Bà đã chuẩn bị chu đáo, từ khâu làm chuồng đến việc trồng rau cho lợn ăn, đồng thời mạnh dạn đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do huyện tổ chức.

Vốn ham học hỏi, lại chịu khó, cùng quyết tâm vươn lên thoát nghèo, đến năm 2016, nhờ sản xuất kinh doanh, bà nuôi các con học hành thành đạt, có việc làm ổn định. Đến nay, gia đình bà đã trả hết nợ ngân hàng. Cuộc sống của gia đình như sang trang mới.

Như bà Xuân, bà Mai, không cam chịu số phận, nhiều người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở Ba Vì với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đã không ngừng tìm tòi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Trong hàng trăm tấm gương tiêu biểu, tích cực tham gia phong trào thi đua sản xuất kinh doanh tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có những điển hình tiên tiến với ý chí mạnh mẽ, đáng khâm phục.

Chúng tôi về thôn Đồng Chay (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì), hỏi thăm đến nhà chị Bùi Thị Thoại - một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đi lên từ nghèo đói. Trong ngôi nhà khang trang, chị tâm sự: Năm 2005, gia đình chị sống trong 2 gian nhà tranh, lam lũ với đồng ruộng. Từ năm 2008, có thêm nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình chị đã mua thêm bê sữa, chăm sóc nuôi lớn. Cứ thế, mỗi năm đàn bò sữa sinh sôi nảy nở, đến nay đã có 4 con bò sữa, cho thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị ngày càng khấm khá...

Đường xa vẫn còn trăn trở

Dù cuộc sống của những người nghèo đã bớt khó khăn nhưng để thoát nghèo bền vững, vẫn còn đó nhiều điều trăn trở. Đơn cử, gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai), vừa mới hoàn thành căn nhà 2 tầng xinh xắn, 3 con tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định...

Trong niềm vui không giấu được, chị hồ hởi: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện nghèo nhất xã, không có thứ gì đáng giá, chồng mất sớm, một mình nuôi 3 con ăn học. Đến nay, gia đình đã thoát nghèo. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của hộ thoát nghèo để tiếp tục giải quyết việc làm còn rất lớn. Hiện, nguồn vốn vay chưa đáp ứng được nhu cầu, những hộ vừa thoát nghèo như gia đình tôi mong có nhiều chính sách hỗ trợ về tiến bộ khoa học kỹ thuật và thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế; giúp chúng tôi tự tạo lập cuộc sống ổn định, bền vững, không tái nghèo”...

Đồng hành với người nghèo, thời gian qua, thành phố và các địa phương đã mở các lớp dạy nghề; hỗ trợ nguồn vốn để nhiều người nghèo có cơ hội vươn lên. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Lai Luật cho biết: Thời gian qua, nhờ nguồn vốn được đáp ứng kịp thời, thông qua vai trò khuyến nông, các chủ dự án và hộ nghèo vay vốn đã dần thay đổi cách nghĩ, cách làm và áp dụng tiến bộ kỹ thuật như: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; dồn điền đổi thửa, lập trang trại theo hướng công nghiệp hóa nhằm phát huy hiệu quả và thu nhập cao.

Nguồn vốn tín dụng của Nhà nước thực sự đã là “những cánh tay nối dài” đến với những hộ nghèo, góp phần giúp họ có kinh phí đầu tư chăn nuôi, trồng trọt; tích lũy kiến thức, nâng cao năng lực sản xuất... Tuy nhiên, để thoát nghèo bền vững, rất cần thêm những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó quan trọng nhất là giúp người dân có công việc và thu nhập ổn định...

Trước hết, chính quyền địa phương cần trực tiếp nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình để có cách giúp đỡ cụ thể, thiết thực. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: Mặc dù là huyện lớn, có tỷ lệ hộ nghèo cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung của thành phố, nhưng huyện Ba Vì luôn quan tâm, chỉ đạo, đưa vào kế hoạch hằng năm dành một phần ngân sách huyện từ 1 đến 2 tỷ đồng chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Số tiền này dùng để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Qua đó, giúp các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế bền vững, gây dựng điển hình thu hút những hộ khác làm theo.

Với phương châm giúp “cần câu” chứ không cho “con cá” nên huyện yêu cầu các xã, thị trấn tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, bổ sung hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo phát sinh; hỗ trợ, tạo điều kiện cho Ban Chỉ đạo thu hồi nợ xã hoạt động hiệu quả; thu hồi vốn đúng hạn, quay vòng vốn kịp thời, giúp đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống. Từ đó, người dân sẽ có cuộc sống ấm no, đủ đầy và góp sức cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội...
Theo Ngọc Quỳnh/Báo Hà Nội Mới.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập170
  • Hôm nay33,914
  • Tháng hiện tại212,481
  • Tổng lượt truy cập90,275,874
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây