Mô hình nuôi gà của chị Hà Thị Luyện.
Người dân thôn Trường Thịnh đã nhiều năm chăn nuôi gà thả đồi, vườn. Tuy nhiên do quy mô nhỏ lẻ, phương pháp chăm sóc chưa phù hợp nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2012, Chi hội Phụ nữ thôn thành lập mô hình chăn nuôi gà "sạch" với 30 hội viên tham gia. Các hộ được học kỹ thuật chăm sóc gà bằng phương pháp an toàn sinh học, sản phẩm liên kết với thương nhân tiêu thụ.
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ hộ chăn nuôi cho biết: “Tham gia mô hình, tôi được cán bộ hội hướng dẫn kỹ thuật nuôi nên đàn gà lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, ít nhiễm bệnh, giảm công chăm sóc, chất lượng tốt, dễ tiêu thụ. Dịp Tết vừa qua, tôi bán 1,5 nghìn con thu lãi 30 triệu đồng”. Được biết, gia đình chị Thảo nuôi gà thương phẩm được khoảng 10 năm, trước kia do chưa nắm rõ kỹ thuật chăm sóc, gà hay nhiễm bệnh, chậm lớn. Thành công từ áp dụng biện pháp nuôi gà an toàn giúp chị mở rộng quy mô nuôi khoảng 5 nghìn con/năm, mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Nhiều hội viên khác trong thôn cũng có “của ăn, của để” từ nuôi gà "sạch" như các chị Ngô Thị Lan, Hà Thị Minh, Hà Thị Luyện… Một số chị còn tận dụng chất thải từ chăn nuôi gia cầm để trồng cây ăn quả tạo thêm nguồn thu nhập. Theo chị Ngô Thị Thận, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, Chủ nhiệm mô hình, hiện trung bình mỗi hộ nuôi từ 2- 5 nghìn con/năm với các giống chủ lực gồm: Ri lai, mía, hồ, Lương Phượng, cho thu nhập từ 20-100 triệu đồng/hộ. Để duy trì và phát triển hoạt động, ngay từ khi thành lập, Chi hội phối hợp với cán bộ khuyến nông xã tập huấn kiến thức cho hội viên. Hộ tham gia phải ký cam kết áp dụng đúng phương pháp chăm sóc gà an toàn, trong đó có sử dụng chế phẩm sinh học; chú trọng tìm hiểu giá cả, nguồn cung ngoài thị trường và liên kết tiêu thụ với các thương nhân để vào đàn phù hợp.
Với cách làm bài bản, nhiều năm qua, mặc dù giá gà có lúc lên xuống nhưng mô hình vẫn tạo nguồn thu nhập ổn định. Các hộ tham gia còn góp quỹ, duy trì mức khoảng 20 triệu đồng để giúp đỡ những gia đình hoàn cảnh khó khăn sản xuất. Đây là mô hình được đánh giá cao và được nhiều chi hội khác trên địa bàn huyện học tập, nhân rộng.
Hoàng Phương
Nguồn: Báo Bắc Giang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;