Ông Tiềm kể, ông vốn quê gốc ở xã Bình Dương (huyện Gia Bình, Bắc Ninh). Trước đây, ông làm nghề chế biến gỗ xuất khẩu. Để có nguyên liệu, ông thường lặn lội về các vùng núi trong đó có huyện Ba Chẽ thu mua gỗ của bà con. Thấy huyện Ba Chẽ có tiềm năng lớn về rừng và đất rừng, năm 2005, ông đã bán hết tài sản về đây lập nghiệp.
Tại xã Thanh Lâm, ông đã thành lập Hợp tác xã Toàn Dân và thuê cả khu đồi rộng hơn 1.200ha trong vòng 50 năm để đầu tư trồng rừng. Giống cây ba kích tím được ông trồng xen canh với cây rừng và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong suốt quá trình khởi nghiệp, ông Tiềm gặp vô vàn khó khăn. Nhớ nhất, năm 2011, cơn bão lịch sử đổ bổ vào Quảng Ninh, gần 500ha keo trị giá 15 tỷ đồng sắp đến ngày thu hoạch của ông bị quật gãy tan tành. “Nhìn cả rừng keo cây nào cũng bị bão bẻ gẫy làm đôi, làm ba, người đàn ông thép như tôi cũng phải trào nước mắt. Bao tâm huyết, công sức, mồ hôi nước mắt đầu tư vào rừng keo nay bỗng mất trắng”, ông Tiềm nhớ lại.
Thấy thời gian trồng và khai thác gỗ rừng rất dài, rủi ro nhiều, việc quay vòng vốn khó khăn, ông Tiềm quyết tìm hướng đi mới. Năm 2012, ông Tiềm đã đầu tư tiền tỷ vào trồng ba kích tím. Bước đầu, ông thử nghiệm trồng với diện tích 3ha, mật độ trồng 20.000 cây/ha. Ngay năm đầu tiên, cây ba kích đã sinh trưởng, phát triển tốt.
Có đà, năm 2013, ông Tiềm tiếp tục đầu tư trồng thêm 100ha ba kích tím. “Với quy trình chăm sóc tốt, sau 3 năm cây ba kích sẽ cho thu hoạch. Vốn đầu tư trồng ba kích khoảng 300 triệu đồng/ ha. Mật độ trồng 20.000 cây/ha, mỗi gốc cây ba kích sẽ cho thu hoạch 3,5-4kg củ tươi. Với giá bán từ 200.000-250.000 đồng/kg, người trồng kiếm tiền tỷ dễ như chơi”, ông Tiềm bộc bạch.
Ông Tiềm cho hay, sở dĩ giống ba kích tím có giá cao và được thị trường ưa chuộng là bởi củ ba kích tím rất quý. Theo Đông y, ba kích vị cay, chát, ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ thận, tráng dương, khỏe gân cốt. Rượu ba kích có tác dụng: tăng cường chức năng sinh lý cho nam giới, bổ thận tráng dương, kiện gân cốt. Người dân địa phương cho rằng ba kích tím là một loại sâm thuộc “biệt dược phòng the”.
Theo ông Tiềm để giữ được đặc tính và vị thuốc vốn có của ba kích tím, người trồng cần phải làm kỹ tất cả các khâu. Trong đó, khâu chuẩn bị giống quan trọng nhất. Mầm giống phải được ủ trong nhà kính 6 tháng để tránh gió. Sau đó, cấy mầm vào bầu đất và chăm sóc trong nhà lưới. Cây lớn tầm 10-15cm đem lên trồng xen canh với cây rừng để đảm bảo được hoạt chất quý trong cây. Trước khi trồng cần bón lót phân chuồng ủ hoai mục.
Theo doanhnghiepvn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;