Nhà màng trồng rau công nghệ cao của nông dân Lê Văn Dễ (huyện Hóc Môn)
Tăng sản lượng, giảm lao động
Đó là hiệu quả nhiều nông dân thấy được khi làm nhà màng, hệ thống tưới nước, trồng thủy canh…
Điển hình, vườn trồng rau thủy canh công nghệ cao của nông dân Lê Văn Dễ (huyện Hóc Môn) với diện tích hơn 1.000m² chỉ cần một lao động với 2 “vai”: vừa sản xuất, vừa bảo vệ. Nhà vườn được đầu tư nhiều công nghệ cao như nhà màng, mái hiên che nắng mưa, máy đo nhiệt độ, quạt gió điều hòa không khí… Toàn bộ hệ thống đều được tự động hóa, chỉ cần có người “ấn nút” là hoạt động. Bên cạnh đó, để sản xuất sản phẩm sạch sau khi áp dụng công nghệ cao, yếu tố nước, môi trường cũng rất quan trọng nên vị trí trồng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng.
Nông dân Lê Văn Dễ chia sẻ: “Đầu tiên, vườn rau thủy canh của tôi chỉ sử dụng nhà màng, rau rất dễ bị hư. Sau nhiều lần nghiên cứu, tôi đã đầu tư bên trong nhà màng 2 mái hiên di động là màu trắng và màu tối. Mái hiên màu trắng sẽ kéo ra che khi trời mưa, còn mái hiên màu tối thì dùng khi trời nắng gắt. Từ khi sử dụng 2 mái hiên này, tôi giảm được chi phí cho việc phun sương mà chất lượng sản phẩm lại tốt hơn. Trung bình, nhà màng sẽ phải thay mới sau 5 năm sử dụng, còn hạ tầng thì khoảng 15 năm. Sản xuất rau theo phương thức này, tôi không phải thuê nhiều nhân công, chỉ khi nào đến ngày thu hoạch hoặc gieo trồng thì mới thuê lao động thời vụ. Hiện tôi đang nghiên cứu thêm việc áp dụng công nghệ cao để hướng đến sản xuất sản phẩm hữu cơ”.
Tương tự, anh Lâm Ngọc Tuấn (ngụ quận 9) dù đang là nhân viên ngân hàng nhưng vẫn làm được nông nghiệp, nhờ áp dụng công nghệ cao. Hiện anh Tuấn có vườn rau trồng thủy canh rộng 1.000m². Khi biết được nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao rất thuận tiện, không tốn nhiều thời gian chăm sóc mà chỉ cần tốn chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, anh đã quyết định triển khai. Thời gian anh chăm sóc vườn rau là sau giờ làm việc hành chính hoặc cuối tuần.
“Có thể nói, làm nông thời xưa rất cực, vất vả, còn bây giờ nếu đưa công nghệ cao vào sản xuất thì sẽ khá nhàn hạ. Tôi quyết định trồng dưa leo (rau ăn quả) theo mô hình thủy canh. Nhiều người hiện vẫn cứ nghĩ chỉ có rau ăn lá mới trồng nhà màng, nhưng thật ra rau ăn quả trồng theo phương thức này cũng rất hiệu quả. Dưa leo trồng thủy canh có vị ngọt, giòn hơn so với trồng theo kiểu bình thường”, anh Lâm Ngọc Tuấn cho biết.
Tăng chất lượng
Đã có nền tảng trồng nấm rơm nhiều năm, anh Bùi Công Đức (quận Thủ Đức) quyết định phủ bạt toàn bộ nhà trồng nấm (diện tích hơn 1.000m²) thay vì trồng “hở” như trước kia, nhằm giảm thiếu tác động ô nhiễm của môi trường xung quanh. Trước đó, anh Đức thử nghiệm chỉ phủ bạt một nhà trồng nấm, sau đó so sánh năng suất giữa trồng trong nhà bình thường và nhà có bạt. Kết quả, nấm rơm trồng nhà có bạt do không nhiễm vi sinh nên cho năng suất nhiều hơn, chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn cao. Bên cạnh đó, thời gian chăm sóc cũng giảm, phôi nấm có sức đề kháng tốt do không tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Không chỉ trong trồng trọt, ngay cả chăn nuôi khi được áp dụng công nghệ cao cũng mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như mô hình nuôi heo trong “nhà lạnh” (với hệ thống làm mát, quạt hút gió) của ông Trầm Quốc Thắng (Trại heo Gia Phát thuộc Hợp tác xã Tiên Phong). Bên trong nhà lạnh nuôi heo không có mùi hôi nồng nặc như cách nuôi bình thường. Thay vì phải có nhân công để đổ nước uống, cho thức ăn vào máng thì khâu này đã hoàn toàn tự động qua hệ thống cho ăn, chỉ cần heo đụng vào máng thì nước, thức ăn tự động bơm ra.
Ông Trầm Quốc Thắng cho hay, chi phí đầu tư ban đầu chỉ tốn thêm 10% trên một con heo so với đầu tư bình thường, nhưng lại giảm được chi phí lao động trong 15 năm. Đặc biệt, heo nuôi trong nhà lạnh không cần phải tắm nhiều như heo nuôi bình thường. Cộng thêm môi trường sinh sống sạch nên heo tăng sức đề kháng, ít bệnh tật, chất lượng thịt an toàn hơn. Đặc biệt là thời gian nuôi cho heo đạt chuẩn được rút ngắn, heo xuất chuồng sớm hơn 10 ngày so với heo nuôi kiểu truyền thống. “Thay vì phải mất công sức chăm sóc, nay tôi có thêm thời gian nghiên cứu làm sao để cho thịt heo ngon nhất”, ông Thắng nói.
Cũng nhờ áp dụng công nghệ cao, ao tôm của nông dân Trần Văn Chấm (huyện Cần Giờ) tăng năng suất và không còn phải sử dụng kháng sinh.
Ông Chấm kể, kinh nghiệm cho thấy tôm giống rất quan trọng, vì nếu từ nhỏ sức đề kháng không tốt thì tương lai người nuôi cũng rất cực, ông quyết định nuôi tôm giống trong môi trường kín (được bao bọc bởi nhà màng). Đối với ao nuôi tôm ngoài trời, ông dùng nhiều màng lưới giăng trên cao để giảm ánh nắng mặt trời chiếu xuống ao (vì nếu nhiều nắng sẽ xuất hiện tảo, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và tác động trực tiếp đến con tôm). Ngoài ra, ông Chấm sử dụng thiết bị công nghệ để xây dựng hồ lọc nước sạch, giúp tôm không bị bệnh, không chết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã