Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hiệu quả, các mô hình chủ yếu phát triển tự phát nên còn nhiều rủi ro, gây tác động tiêu cực đến môi trường.
Tìm giải pháp phát triển đồng bộ, theo quy hoạch, cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang là mục tiêu mà các địa phương hướng đến.
Tham quan mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà ở Yên Bình (Yên Bái).
Tiềm năng lớn
Với lợi thế có dòng sông Lô chạy ven theo chiều dọc của xã, nhiều năm nay, người dân Tràng Đà, TP.Tuyên Quang (Tuyên Quang) đã áp dụng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết, nghề nuôi cá lồng bè hình thành ở Tràng Đà từ năm 1998, nhưng lúc đó do chưa có kinh nghiệm, vốn đầu tư ít, các giống nuôi chủ yếu là cá truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao, hay bị dịch bệnh. Từ năm 2000, UBND xã phối hợp với các ngành chức năng mở lớp tập huấn hướng dẫn cho các hộ về kỹ thuật nuôi cá lồng trên sông, tạo điều kiện cho các hộ đi tham quan học tập, làm mô hình để đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hành Chính sách xã hội vào cuộc cho các hộ vay vốn để đầu tư sản xuất. Nhờ vậy, số hộ nuôi và số lồng cá bắt đầu tăng, từ 6 lồng cá (năm 1998) tăng lên 25 lồng (năm 2010) và 31 lồng (năm 2014). Năm 2015, xã đầu tư 245 triệu đồng cho 17 hộ phát triển cá lồng trên sông Lô, coi đây là một trong những hướng chủ lực trong phát triển sản xuất.
“Thu nhập từ cá lồng mang lại hiệu quả cao, với thời gian từ 1 - 2 năm, 1 lồng nuôi cá chiên thu được khoảng 120 - 130 kg cá, với giá bán bình quân 500.000 đồng/kg, cho thu nhập 60 - 65 triệu đồng, tổng thu nhập từ nuôi cá lồng của các hộ đạt từ 2,5 - 2,8 tỷ đồng/năm. Đây là nguồn thu khá lớn”, ông Thanh nói.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tuyên Quang, cho biết, những năm gần đây, phát huy lợi thế, tiềm năng diện tích mặt nước ở các hồ thủy lợi, hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh, phong trào nuôi cá lồng phát triển mạnh và tập trung tại hai huyện Na Hang và Chiêm Hóa, trong đó có một số doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư, phát triển nuôi thủy sản quy mô lớn như: Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Minh Phú, Công ty TNHH Lâm sản và Dịch vụ Long Giang, Công ty TNHH MTV Thủy sản Nhật Nam, Công ty TNHH Thường Mai, Công ty TNHH MTV Hà Dương, Hợp tác xã nuôi cá đặc sản xã Thái Hòa…, với các đối tượng nuôi chính là cá chiên, cá lăng, cá bỗng, cá lóc bông,… Số lượng lồng nuôi cá trên địa bàn là 1.393 lồng, trong đó có 358 lồng nuôi cá đặc sản; sản lượng 9 tháng năm 2016 ước đạt trên 5.000 tấn.
Tại Phú Thọ, nghề nuôi cá lồng bè cũng đang phát triển mạnh tại hệ thống sông Lô, sông Đà, sông Chảy. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết, nếu năm 2012, toàn tỉnh mới có 4 hộ tham gia, quy mô 30 lồng nuôi, năng suất trung bình 2,5-3 tấn/lồng/chu kỳ nuôi, sản lượng đạt 81 tấn thì tính đến hết tháng 8/2016, tổng số lồng nuôi trên địa bàn đã đạt 1.278 lồng; ước tính hết năm 2016 tổng số lồng trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.300 lồng, với 162 hộ nuôi, năng suất trung bình gần 5 tấn/lồng/chu kỳ nuôi, sản lượng cá lồng ước đạt 5.000 tấn (chiếm khoảng 17% tổng sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh).
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tiềm năng nuôi cá trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện của khu vực trung du miền núi phía Bắc rất lớn. Theo báo cáo của địa phương, diện tích nuôi cá lồng, bè năm 2015 của các tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc khoảng 5.800 lồng (tăng gần 50% so với năm 2014); sản lượng đạt 7.690 tấn (tăng 35% so với năm 2014). Trong đó tập trung nuôi chủ yếu tại Hòa Bình 2.800 lồng, sản lượng đạt 3.200 tấn (chiếm 42% tổng sản lượng nuôi của toàn vùng); Sơn La 640 lồng, sản lượng đạt 1.200 tấn; Phú Thọ 962 lồng, sản lượng 2.994 tấn. Thống kê chưa đầy đủ, tính đến tháng 8/ 2016, khu vực trung du miền núi phía Bắc có khoảng 8.765 lồng, sản lượng cá nuôi ước đạt 17.487 tấn, trong đó Phú Thọ, Hòa Bình là hai địa phương phát triển tốt nuôi cá lồng.
Tuy nhiên, nghề nuôi cá ở các địa phương còn phát triển chậm, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của vùng. Số lượng lồng bè và sản lượng nuôi tăng dần qua các năm nhưng sản phẩm nuôi vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu. Quy mô nuôi cá lồng bè chưa được đầu tư tương xứng, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi thâm canh năng suất cao, chưa phát huy hết tiềm năng và nguồn lực của vùng. Vấn đề bảo vệ môi trường nuôi theo mô hình quản lý cộng đồng chưa tốt; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được coi trọng.
Mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng tại hồ Cấm Sơn.
Cần xây dựng quy hoạch chi tiết vùng nuôi
Tại Diễn đàn Khuyến nông@nông nghiệp chủ đề: “Thực trạng và giải pháp phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng trung du miền núi phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Tuyên Quang mới đây, các chuyên gia cho rằng, để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè, các tỉnh cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch phát triển nuôi thuỷ sản đến năm 2020. Với các tỉnh đã có quy hoạch cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch; xây dựng quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư và đặc biệt là quy hoạch nuôi cá lồng, bè. Từng bước khai thác hợp lý và đưa vào nuôi các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá nheo Mỹ, cá tầm... Xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ, các chi hội nuôi thuỷ sản… Tăng cường chỉ đạo bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ… Cụ thể hoá các chính sách khuyến khích nuôi thuỷ sản, trong điều kiện cụ thể của địa phương, xây dựng các chính sách mới khuyến khích phát triển thuỷ sản và khuyến khích đầu tư.
Từ thực tế phát triển tại địa phương, ông Thanh (Tràng Đà - TP. Tuyên Quang) kiến nghị, để phát triển nghề nuôi cá lồng một cách bền vững cần phải có quy hoạch chi tiết đối với từng địa phương. “Thiết nghĩ, các cấp có thẩm quyền cần quy hoạch vùng nuôi, quản lý nguồn nước vì hiện nay nhiều khu vực của dòng sông Lô đã được quy hoạch và giao mỏ khai thác cát cho một số doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc tìm các vị trí neo đậu các lồng cá, ảnh hưởng đến dòng chảy”, ông Thanh nói.
Bà Vĩnh An cho biết, mục tiêu của tỉnh Tuyên Quang là tăng tỷ lệ lồng nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao từ 20% hiện nay lên 50% vào năm 2020, giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản khoảng 300 tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng giá trị sản xuất cá đặc sản tăng từ 1,6% (năm 2014) lên 25%; cá thương phẩm thông thường từ 99,4% giảm xuống 75%. Để đạt được mục tiêu này, Tuyên Quang sẽ tập trung phát triển nuôi các loài cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất các loài cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục hướng dẫn, triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất đối với các hộ nuôi cá đặc sản bằng lồng trên sông, hồ thủy lợi, hồ thủy điện; phát triển nuôi cá lồng bè theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Trong khi đó, ông Tùng (Chi cục Thủy sản Phú Thọ) kiến nghị, ngành chức năng cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh để mua sắm trang thiết bị triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường dịch bệnh đảm bảo kịp thời, đủ tần xuất; nâng cao năng lực công tác thú y thủy sản ở các tỉnh trung du phía Bắc. Chỉ đạo nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm, hướng dẫn về quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật đối với các đối tượng thủy sản nuôi lồng; tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn hỗ trợ các tỉnh kinh phí đào tạo, tập huấn, đánh giá, chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP đối với các cơ sở nuôi cá lồng bè.
Để phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng trung du miền núi phía Bắc, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng, Tổng cục Thủy sản cần chỉ đạo các địa phương xây dựng quy hoạch vùng nuôi cá lồng bè sát với nhu cầu thực tiễn; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt là những hộ bị thu hồi diện tích làm hồ thủy điện để họ yên tâm sản xuất; tăng cường năng lực cho các trung tâm sản xuất giống, quản lý tốt chất lượng con giống, thức ăn, quan trắc môi trường; tiếp tục nghiên cứu để tạo ra những giống mới chất lượng, năng suất cao, sức đề kháng tốt, nhanh lớn, kháng bệnh; đầu tư kinh phí xây dựng mô hình nuôi cá lồng, bè cho các tỉnh miền núi.
Trung tâm Khuyến nông các tỉnh đề xuất địa phương xây dựng dự án nuôi cá lồng, bè ở những vùng có tiềm năng chưa được đánh thức; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; tăng cường năng lực thông qua đào tạo tập huấn với phương châm dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo để những mô hình hiệu quả ngày càng được nhân rộng.
Anh Thơ/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;