Chế biến rau quả XK tại Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, XK rau quả tháng 12/2014 ước đạt 120 triệu USD. Tính chung năm 2014, XK rau quả được 1,6 triệu tấn, thu về 1,477 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ 2013. Trước đó, năm 2013 cũng là năm ngành rau quả thiết lập kỷ lục 1,073 tỷ USD. Top 10 thị trường tiêu thụ rau quả nhiều nhất của nước ta là: Trung Quốc chiếm 26,43% thị phần, Nhật Bản 5,05%, Mỹ 4,02%, Hàn Quốc 3,96%, Hà Lan 2,65%, Nga 2,53%, Đài Loan 2,34%, Thái Lan 2,08%, Malaysia 2,06%, Singapore 1,74%.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), lý do khiến châu Á là thị trường XK chính bởi đây là những thị trường gần Việt Nam nên việc vận chuyển bằng đường thủy, đường bộ thuận tiện, dễ dàng, cước phí vận chuyển không cao, thời gian ngắn, phù hợp với trình độ bảo quản của nước ta.
Nhiều mặt hàng rau quả XK lớn đang được giá, như thanh long đạt mức giá FOB 6,65 USD/kg sang Indonesia và 7,55 USD/kg sang Thái Lan. Các mặt hàng sầu riêng tươi và bưởi cũng được xuất sang Trung Quốc với mức giá tương ứng 0,82 USD/kg và 0,42 USD/kg. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, XK rau quả của Việt Nam đang thuận lợi là nhờ ngày càng đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo sự tin tưởng ở những thị trường khó tính. Gần đây các quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số quốc gia phát triển đã khiến nhiều sản phẩm trái cây của Campuchia, Lào, Mianma, Indonesia,… bị hạn chế XK. Ngoài ra, một số nước phát triển vẫn thực hiện chính sách bảo hộ cho nông dân như là một rào cản không để cho các sản phẩm của Campuchia thâm nhập. Điều này đã tạo cơ hội cho trái cây Việt Nam tăng tốc XK.
Hầu hết các thị trường tiêu thụ đều có sự tăng trưởng dương, cho thấy mặt hàng rau quả Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh XK sang các nước. Có 2 thị trường tăng trưởng đột biến là Hồng Kông và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất với mức tăng gấp 3 lần so với năm trước. Đặc biệt, trái thanh long Việt Nam đã trở thành một hiện tượng gây sốt ở Ấn Độ, với lượng nhập khẩu tăng vọt theo từng tháng. Chính việc thay đổi hình thức vận chuyển từ đường hàng không sang đường biển đã dẫn đến lượng thanh long nhập khẩu vào Ấn Độ gia tăng theo cấp số nhân. Điều này đã làm giảm chi phí vận chuyển từ 150 Rupi/kg xuống còn 20 Rupi/kg. Thanh long trồng tại Ấn Độ có giá bán rẻ hơn so với nhập khẩu nhưng mùa vụ chỉ kéo dài khoảng 5 tháng trong năm trong khi tại Việt Nam kéo dài gần 10 tháng.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Ấn Độ là thị trường tiêu thụ lớn nhưng mới chỉ mở cửa cho nhập khẩu thanh long Việt Nam từ đầu năm 2014. Đáng chú ý, thanh long Việt Nam xuất sang nước này không cần phải chiếu xạ và xử lý hơi nước nóng nên việc thâm nhập thị trường này không quá khó.
Đáng lưu ý, tại thị trường Mỹ, sau mặt hàng thanh long, chôm chôm, năm 2014 lần đầu tiên nước này mở cửa cho mặt hàng nhãn và vải thiều từ Việt Nam. Ngày 8/12/2014, lô hàng nhãn tươi đầu tiên của Công ty Ánh Dương Sao (TP.Hồ Chí Minh) đã được xử lý chiếu xạ và xuất khẩu sang Mỹ bằng đường hàng không. Tiếp theo công ty này, 3-4 doanh nghiệp khác cũng đang chuẩn bị đưa nhãn Việt Nam vào Mỹ bằng cả đường hàng không và đường biển. Đây là dấu hiệu tốt để mặt hàng nhãn mở rộng thị trường, để tránh tình trạng chỉ có Trung Quốc là khách hàng độc quyền của mặt hàng này.
Nhằm xây dựng chiến lược nguồn hàng trái cây phục vụ XK bền vững, tránh tình trạng rớt giá khi vào mùa vụ thu hoạch rộ, Cục Trồng trọt đang chỉ đạo tổ chức sản xuất theo hướng rải vụ. Ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: 5 loại cây ăn quả chủ lực được chọn để tổ chức rải vụ thu hoạch là thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn. Để thực hiện chương trình, Cục Trồng trọt đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập 5 nhóm điều hành sản xuất rải vụ cho 5 loại trái cây nêu trên. Trưởng các nhóm điều hành là lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh có trái cây chiếm số lượng lớn. Kết quả, trong năm 2014, các địa phương đã bước đầu hình thành sự liên kết, điều phối trong sản xuất rải vụ, giúp tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân. Giá các loại trái cây vào vụ nghịch thường cao gấp đôi so với vụ thuận. Tiêu biểu như chôm chôm có giá vụ thuận từ 5.000-13.000 đồng/kg, giá vụ nghịch từ 18.000-35.000 đồng/kg; sầu riêng giá vụ thuận từ 18.000-22.000 đồng/kg, vụ nghịch khoảng 50.000 đồng/kg….
Ông Dư yêu cầu các địa phương cần tổ chức, quy hoạch cụ thể hơn việc sản xuất rải vụ trong các năm tới và tăng cường phối hợp với nhau để đảm bảo hiệu quả của sản xuất trái cây. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, cùng với những giải pháp đã đề ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra tham vọng năm 2015 XK rau quả đạt kim ngạch 1,8-2 tỷ USD.
nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã