Dù ở cái tuổi gần 80 nhưng bà Cúc vẫn ngày ngày truyền nghề cho những người có hoàn cảnh khó khăn. |
Tấm lòng của bà chủ nhiệm
Người đầy bản lĩnh ấy là bà Nguyễn Thị Cúc, 78 tuổi, Chủ nhiệm HTX Ba Nhất (quận Bình Thạnh – TP. Hồ Chí Minh), mọi người vẫn thường gọi bà với cái tên thân thương, bà Ba Nhất. Bà Cúc quê ở Bình Định, năm 10 tuổi, bà đã theo cha làm cách mạng khắp miền Nam.
Qua câu chuyện của bà, chúng tôi được biết: Hồi chiến tranh, đang là cán bộ phụ nữ tại một phường của quận Bình Thạnh, thấy nhiều chị em, nhất là vợ của lính ngụy, trẻ em lang thang chẳng có việc làm, không được học hành, bà quyết định đến một công ty thương nghiệp chuyên về xuất khẩu hàng mây tre để tìm hiểu.
Sau vài tuần học nghề, bà đã biết đan và dạy lại cho nhiều người khác. Cứ thế, lượng người biết đan ngày một nhiều nhưng vấn đề đặt ra là nguyên liệu ở đâu? Nhớ lại vùng Bình Thuận mà bà từng hoạt động có nhiều lá buông nên bà cho người vào rừng chặt loại lá này về cho xã viên làm. Thế nhưng, việc mua lá buông hồi đó được xem là buôn lậu nên mỗi chuyến đi, bà chỉ mua được vài gánh.
Khó khăn chồng chất khó khăn, tưởng có lúc bà và xã viên phải buông xuôi, nhất là khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, toàn bộ vốn liếng sau hơn 10 năm tích cóp của xã viên cũng tan thành mây khói.
Tuy nhiên, chính lúc bế tắc này, bà chủ nhiệm lại vùng lên để chèo chống con thuyền Ba Nhất không bị chìm đắm. Bà bán hết nhà cửa đi qua châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… để tìm hiểu thị trường về hàng mây - tre - lá. Trời không phụ lòng người, những sản phẩm bằng lục bình, bẹ chuối, cỏ năng tượng bắt đầu được sản xuất. Thời kỳ đầu, bà Cúc “liều mạng” đưa những sản phẩm quá tầm thường này tới các khách sạn, nhà hàng hạng sang trên địa bàn thành phố để xin trưng bày.
“Lúc đầu người ta nhất quyết không cho vì nghĩ rằng sản phẩm đặt ở đó phải là loại gỗ quý nhưng tôi cố gắng thuyết phục để họ dành cho một góc trưng bày những sản phẩm được làm từ loài cỏ rác này”, bà Cúc chia sẻ.
Những sản phẩm vừa “độc” vừa lạ ấy đã thuyết phục được một số khách ngoại quốc, đơn hàng dần nhiều lên. Hiện, trung bình mỗi tháng HTX Ba Nhất xuất khẩu khoảng 1.000 container hàng từ những loài hoa cỏ bình dị của Việt Nam.
Nơi neo giữ những phận đời bất hạnh
Không dễ gì mà suốt gần nửa thế kỷ qua, người đàn bà đầy bản lĩnh ấy vượt qua những sóng gió để tạo việc làm cho hàng vạn lao động khắp các miền Bắc - Trung - Nam. Ba miền đất nước yêu thương, đoàn kết để cùng xây dựng đất nước giàu đẹp, đó cũng là lý do bà đặt cái tên Ba Nhất cho HTX của mình.
Tình đời tình người là ở sự nâng niu, yêu thương đùm bọc giúp những phận đời vượt qua khó khăn. |
Với những cống hiến của mình, bà Cúc đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Thế nhưng, với bà, thành công là ở chỗ biết tận dụng những thứ mà người ta cho là cỏ rác để thổi hồn, tạo việc làm nuôi sống hàng vạn gia đình khắp mọi miền Tổ quốc.
Những thứ được gọi là rác rưởi, qua bàn tay khéo léo đã bay đi khắp trời Âu, Mỹ để đổi lấy ngoại tệ về cho đất nước. |
Từ mái nhà của HTX Ba Nhất đã vun vén, cưu mang biết bao mảnh đời lầm lỗi, khốn khó. Không ít thanh niên tù tội, không ít những người nghiện ngập sau khi hòa nhập cộng đồng, không ít những cô gái lầm đường lạc lối một thời, những người bị tàn tật, lang thang bất hạnh… đã được bà đưa về dạy nghề để rồi từ đó họ gắn bó cuộc đời mình với bà và gọi bà bằng mẹ, bằng bà rất thân thương như người thân ruột thịt. Hiện, cơ sở sản xuất của bà Ba Nhất ở thị xã Tân Uyên, Bình Dương tạo việc làm cho hơn 400 lao động.
Trời đã xế chiều, đường còn xa nên chúng tôi chào bà con xã viên và bà chủ nhiệm để về thành phố, nhưng những câu chuyện mà chúng tôi được nghe, được thấy về bà Cúc đọng lại mãi trong tôi như một nét son đẹp đẽ giữa cuộc đời.
nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;