Học tập đạo đức HCM

Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ có nhiều triển vọng

Thứ hai - 06/12/2021 09:39
Thực hiện Đề án 6060/ĐA-UBND về khôi phục đàn lợn sau bệnh dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2021 - 2025, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai 8 mô hình nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ tại các địa phương trong tỉnh và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực.
Mô hình được triển khai tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Đakrông, Hướng Hóa và thành phố Đông Hà với với quy mô 42 con/mô hình đối với vùng đồng bằng và 30 con/mô hình đối với vùng miền núi. Sử dụng giống lợn ngoại có trọng lượng từ 20 - 30 kg/con. Thức ăn cho lợn được phối trộn từ những nguyên liệu thông dụng như bột ngô, cám gạo, khô dầu đậu tương, bột cá… đảm bảo thành phần dinh dưỡng theo yêu cầu kỹ thuật và ủ lên men trong 36 - 48 giờ.

nuôi lợn hữu cơ

Sử dụng điện thoại thông minh quét mã QRcode để truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt lợn - Ảnh: T.Q

Để thực hiện mô hình nuôi lợn an toàn sinh học (ATSH) theo hướng hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông đã hướng dẫn các hộ xây dựng chuồng nuôi mới hoặc cải tạo chuồng nuôi đảm bảo diện tích 1,5 - 2 m2 /con. Nền chuồng bằng xi măng chỉ chiếm 1/3 diện tích ô chuồng, còn 2/3 diện tích được phủ bằng đệm lót sinh học gồm mùn cưa, trấu, bột ngô, rỉ mật đường và chế phẩm vi sinh. Sử dụng hệ thống phun sương, quạt làm mát và giữ độ ẩm đệm lót. Lắp đặt lưới chắn côn trùng. Kết quả sau 3 tháng nuôi, đàn lợn sinh trưởng tốt, tỉ lệ sống đạt 100%. Trọng lượng bình quân đạt 90 - 100 kg/con, cá biệt một số mô hình lợn đã đạt trọng lượng trên 100 kg. Tăng trọng bình quân đạt 700 - 900g/con/ngày.

Vừa chỉ cho chúng tôi xem đàn lợn béo tròn, chắc nịch, trọng lượng bình quân từ 90 - 95 kg mỗi con của mình, ông Nguyễn Văn Dũng ở tại Khu phố 6, Phường 3, thành phố Đông Hà cho biết, mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm nuôi lợn nhưng đây là lần đầu tiên ông thực hiện nuôi lợn theo phương pháp ATSH do Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao, hỗ trợ. Điểm mới của mô hình là nền chuồng được phủ bằng đệm lót sinh học nên toàn bộ chất thải của lợn đều được vi sinh phân hủy, không thải ra môi trường bên ngoài như nuôi theo cách thông thường. Thức ăn của lợn được phối trộn từ các nguyên liệu thông dụng ủ lên men nên vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa tăng khả năng tiêu hóa và hấp thụ thức ăn.

Theo ông Dũng, dù đàn lợn chưa xuất chuồng nhưng qua hơn 3 tháng nuôi ông đã tiết kiệm được khoảng 1/3 chi phí cho thức ăn so với nuôi bằng thức ăn công nghiệp mà trọng lượng lợn vẫn không hề thua kém. Rõ ràng về hiệu quả kinh tế, những người chăn nuôi như ông đã có lợi. “Một điểm đặc biệt nữa của mô hình đó là mùi hôi do chất thải của lợn được giảm đến 80 - 90%. Trước đây chỉ sau khoảng 1 tháng nuôi là các hộ dân xung quanh đã phản ánh về mùi hôi do chất thải của lợn. Nhưng với mô hình này, đến thời điểm hiện tại, khi lợn đã đạt trọng lượng xuất chuồng thì chuồng nuôi vẫn hầu như không có mùi hôi. Chỉ cần 2 - 3 ngày lại đảo đệm lót một lần là toàn bộ chất thải của lợn đều được vi sinh phân hủy”, ông Dũng cho hay.

Tương tự, tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, trao đổi với chúng tôi, bà Đào Thị Thắm cho biết, tham gia thực hiện mô hình nuôi lợn ATSH theo hướng hữu cơ, gia đình bà được hỗ trợ 42 con lợn giống ngoại, thức ăn hỗn hợp ủ lên men, đệm lót sinh học. Bắt đầu thả nuôi từ đầu tháng 8/2021, sau 3 tháng nuôi đàn lợn của mô hình đã đạt trọng lượng bình quân 90 kg/con, tỉ lệ sống đạt 100%, tăng trọng đạt 0,7 - 0,8 kg/ngày. Theo bà Thắm, việc sử dụng các chế phẩm vi sinh lên men để làm đệm lót chuồng nuôi và phun làm sạch môi trường chăn nuôi, lên men thức ăn vừa làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm mầm bệnh, vừa cải thiện tiêu hóa, tăng sức đề kháng cho lợn, giúp lợn khỏe mạnh, tăng trọng tốt, cho chất lượng thịt thơm ngon.

Ngoài ra, để đàn lợn tăng trưởng tốt, bà còn bổ sung thêm các loại cây cỏ thảo dược tự nhiên, thay thế các chất điện giải công nghiệp bằng dung dịch lên men từ hoa quả. Định kỳ cho uống dung dịch tỏi lên men để phòng bệnh, giúp đàn lợn khỏe mạnh, hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp. Ngoài ra, bà còn được hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ cho chuỗi liên kết như máy hút chân không, thùng vận chuyển, dao, bàn ra thịt, bao bì hút chân không, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Mẫu nước và mẫu thịt định kỳ được lấy mẫu gửi xét nghiệm đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định.

Thức ăn cho lợn mặc dù được phối trộn từ bột ngô, cám gạo, bột cá… nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho sinh trưởng của lợn. Mức tăng trọng tương đương với sử dụng thức ăn công nghiệp như trước đây. Đây là ưu điểm của mô hình này, nhất là trong giai đoạn thức ăn công nghiệp tăng giá liên tục như hiện nay. Một điểm mới của mô hình nữa là thịt lợn sau khi mổ được đóng gói và hút chân không ngay nên đảm bảo an toàn.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn thông tin, sau những ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có tâm lý e dè, chưa mạnh dạn để thực hiện việc tái đàn và chăn nuôi với số lượng lớn như trước đây. Do vậy, thực hiện Đề án 6060/ĐA-UBND về khôi phục đàn lợn sau bệnh dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2021 - 2025, Trung tâm Khuyến nông đã đề xuất và triển khai mô hình nuôi lợn ATSH theo hướng hữu cơ. Đây là mô hình ứng dụng công nghệ đơn giản, dễ thực hiện, đặc biệt mô hình thể hiện được “4 không” gồm không mùi hôi, không khí độc, không cần dọn chất thải và không cần tắm cho lợn trong suốt quá trình nuôi.

Việc ứng dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi lợn giúp tăng sức đề kháng, kích thích ăn, tăng khả năng hấp thu thức ăn, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa giảm phát thải khí độc, mùi hôi trong chuồng nuôi, khu dân cư. Hạn chế tối đa xả thải ra môi trường làm giảm lây lan dịch bệnh như chăn nuôi truyền thống. Mở ra hướng đi mới, bền vững, tạo cơ hội phát triển chăn nuôi nông hộ ngay trong khu dân cư; chăn nuôi trang trại vừa và nhỏ gần khu dân cư.

Ông Trần Cẩn cho biết thêm, đối với mô hình tại huyện Cam Lộ và Hải Lăng, Trung tâm Khuyến nông còn kết hợp thực hiện theo chuỗi liên kết. Cùng với hỗ trợ máy hút chân không, thùng vận chuyển, dao, bàn ra thịt, bao bì hút chân không, nhãn mác bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, các mẫu nước, mẫu thịt tại mô hình đều được gửi kiểm tra đảm bảo yêu cầu theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN). Người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QRcode trên bao bì là có thể truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm thịt lợn.

“Mô hình nuôi lợn ATSH theo hướng hữu cơ không những dễ thực hiện mà còn cho sản phẩm thịt lợn đảm bảo an toàn, chất lượng thơm ngon. Bên cạnh đó, việc thực hiện theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, được đóng gói, có tem truy xuất nguồn gốc còn là hướng thay thế các sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc, không an toàn cho người tiêu dùng”, ông Cẩn nhấn mạnh.

Theo Thục Quyên/nguoichannuoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập481
  • Hôm nay48,773
  • Tháng hiện tại708,100
  • Tổng lượt truy cập93,085,764
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây