Học tập đạo đức HCM

Thu nhập ổn định trong đại dịch nhờ chăn nuôi bò sữa

Thứ năm - 14/10/2021 09:40
Trong khi canh tác rau, hoa của nhiều người dân trong tỉnh thời gian qua lao đao vì tác động của dịch bệnh thì nghề chăn nuôi bò sữa tại Đơn Dương (Lâm Đồng) lại đang cho thu nhập rất ổn định, trong đó không ít các gia đình người dân tộc thiểu số ăn nên làm ra...

Thu nhập ổn định

Khi chúng tôi đến thăm nhà, ông K’Út, 56 tuổi, người thôn Ròn, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, đang cho bò ăn. Nhà ông K’Út là một ngôi nhà xây khang trang, rộng rãi; khu vườn quanh nhà ông cũng khá rộng, nhiều chỗ được trồng cỏ và bắp dùng để cho bò ăn quanh năm. “Tất cả là nhờ nuôi bò sữa” - K’Út nói. 

Là một người tiên phong chăn nuôi bò sữa trong cộng đồng người K’Ho tại thôn Ròn, K’Út cho biết trước đây, như bao gia đình người dân tộc thiểu số nơi đây, ông sinh sống bằng làm ruộng, trồng lúa nước và chăn nuôi bò vàng. Khi người dân thôn Ròn được tái định cư, chuyển về chỗ ở mới, ông không còn ruộng để trồng lúa nước, chỉ còn đàn bò vàng nuôi lấy thịt. Tại nơi ở mới này, ông thấy rất nhiều người Kinh nhờ nuôi bò sữa mà giàu có, ông đã tự hỏi sao không học hỏi người Kinh chuyển bò vàng sang nuôi bò sữa.

Trong năm 2010, K’Út đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua bò sữa, làm chuồng, rồi từng bước mua dần các máy móc thiết bị cần thiết cho chăn nuôi bò sữa. Cũng có những khó khăn ban đầu nhưng dần ông cũng vượt qua. Cho đến nay, chuồng ông đã có trên 10 con bò sữa, trong đó có 8 con đang cho sữa. Bình quân mỗi ngày một con bò sữa cho 20 lít sữa, giá sữa hiện nay được thu mua trung bình 14 ngàn đồng cho mỗi lít. Như vậy, thu nhập của gia đình ông với mỗi con bò là 280 ngàn đồng/ngày, mỗi tháng khoảng 8,4 triệu đồng. Nếu tính cả 8 con, sau khi trừ chi phí chăm sóc, thức ăn mọi thứ thì gia ông thu nhập được hơn 20 triệu đồng mỗi tháng.

“Bò sữa khó nuôi hơn bò vàng, cứ nuôi bò sữa như bò vàng thì không được đâu. Người nuôi cần phải biết cách chăm sóc, chuồng trại phải thông thoáng, ngày vệ sinh 2 lần sáng, chiều khi vắt sữa, thức ăn phải chất lượng thì sữa mới bán được giá cao. Trong đợt dịch này các công ty thu mua sữa vẫn thu mua đều nên thu nhập gia đình rất ổn định” - K’Út tươi cười. 

Không chỉ là người làm ăn giỏi, K’Út còn là một trưởng thôn gương mẫu của xã Đạ Ròn. Bằng những kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa có được, ông K’Út luôn sẵn sàng chia sẻ, vận động, hướng dẫn bà con trong thôn cùng nhau chăn nuôi bò sữa, phát triển kinh tế, xây dựng thôn Ròn ngày một ấm no, hạnh phúc.

Nối bước theo K’Út có rất nhiều gia đình người dân tộc thiểu số trong thôn Ròn cũng theo nghề nuôi bò sữa và dần ăn nên làm ra. Như gia đình bà Ka Wét, 46 tuổi, chẳng hạn. 3 năm trước bà vẫn còn làm vườn, thấy cực quá bà thử chuyển qua nuôi bò sữa và sau đó chuyển hẳn sang nghề này. Đến nay đàn bò gia đình bà trên 10 con, trong đó có 2 con đang cho sữa. “Nuôi bò sữa chắc ăn hơn làm vườn, nhất là trong đại dịch Covid này. Làm rau như vừa rồi xe đi không được, rau hạ giá mà giá phân bón lại cao. Bò sữa thì chỉ cần 4, 5 con vắt có sữa là dư ăn rồi” - bà Ka Wét nói.

nuôi bò sữa

Bà Ka Wét đang chăm sóc đàn bò sữa của gia đình

Một gia đình trong thôn mới nuôi bò gần đây nhưng cũng đầu tư rất bài bản, đó là gia đình ông Ya Nơi, 40 tuổi. Ông mới chỉ bắt đầu nuôi khoảng hơn nửa năm nay, gia đình đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua 2 con bò sữa và dành hơn 1 sào đất để trồng cỏ, trồng bắp cho bò. “Người ta làm được mình cũng làm được, khó nhất là vốn nên phải có đủ vốn mới làm, vì mỗi con bò giống này khá đắt, trên 50 triệu, rồi mua máy móc, mua máy vắt sữa nên cũng tốn kém lắm” - ông Ya Nơi cho biết.

 

Vận động dân nuôi bò

Là huyện dẫn đầu Lâm Đồng về chăn nuôi bò sữa hiện nay, số lượng bò sữa trên địa bàn Đơn Dương đã tăng nhanh trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm tăng từ 6 - 9%.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đơn Dương, tính đến thời điểm này, tổng đàn bò sữa tại huyện có 16.126 con, tăng 6,3% so với cuối năm 2020, trong đó trên 7.400 con đang cho sữa với sản lượng sữa bình quân khoảng 170 tấn/ngày; tổng doanh thu từ nguồn sữa tươi ước đạt trên 2 tỷ đồng/ngày.

Cũng cần biết rằng trong tổng đàn trên, số bò sữa nuôi trong dân chiếm gấp đôi số bò nuôi trong doanh nghiệp. Cụ thể, có trên 600 gia đình đang nuôi 11.613 con, còn đàn bò sữa trong 2 doanh nghiệp Vinamilk và Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt là 4.513 con. Hai xã Tu Tra và Đạ Ròn có người dân nuôi nhiều nhất, mỗi xã gần 5 nghìn con; các xã còn lại ít hơn như Lạc Xuân có trên 500 con, Quảng Lập có trên 400 con, thị trấn Thạnh Mỹ có trên 200 con. Trung bình mỗi gia đình trước đây nuôi từ 2 - 5 con, nay số gia đình nuôi từ 10 con trở lên chiếm đến 78%.

Riêng tại xã Đạ Ròn, trong số trên 350 hộ dân đang nuôi bò sữa hiện nay, đã có 28 hộ người dân tộc thiểu số cùng nuôi bò sữa với 359 con, là địa phương có số hộ gia đình người dân tộc thiểu số nuôi bò sữa nhiều nhất trong huyện. Rất nhiều hộ nuôi từ 2 - 5 con trở lên nhưng cũng có những hộ có đàn bò số lượng lớn không thua kém người Kinh, tiêu biểu như gia đình ông Ha Sin với 30 con. Điều đáng nói, hầu hết số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nuôi bò sữa này đều ở thôn Ròn. 

“Xã chúng tôi có 8 thôn, trong đó 4 thôn có cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống là thôn Ròn, thôn Suối Thông A1, thôn Suối Thông A2 và Thôn 2, nhưng chỉ người thôn Ròn là nuôi nhiều; các thôn còn lại rất ít hộ nuôi mặc dù xã đã vận động rất nhiều” - ông Đặng Phước Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn cho biết.

Theo ông Hùng, hiện trên địa bàn có các trạm thu mua sữa tươi hằng ngày của 4 công ty lớn gồm Vinamilk, TH True Milk, VP Milk và Cô gái Hà Lan - Dutch Lady nên rất đảm bảo cho việc tiêu thụ tất cả lượng sữa tươi sản xuất hằng ngày. “Do có nhiều công ty thu mua nên người dân trên địa bàn không phải lo lắng về đầu ra, miễn là đảm bảo chất lượng theo qui định là được” - ông Hùng khẳng định.

Điều đáng nói nhất, như nhiều người dân nơi đây cho biết, đó chính là việc thu nhập từ nuôi bò sữa rất ổn định trong những năm gần đây, đặc biệt là trong đợt dịch hiện nay. Các công ty hiện vẫn thu mua đều, giá thu mua cũng rất ổn định từ 11 - 14,5 nghìn đồng/ lít tùy chất lượng; người dân ai có hợp đồng thì bán sữa theo hợp đồng, nhưng nếu không có hợp đồng thì các công ty vẫn thu mua bình thường. 

Với cộng đồng người dân tộc thiểu số trong xã, theo ông Hùng, có điểm khó là nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã dù được địa phương vận động nhưng vẫn chưa mạnh dạn đầu tư vào nuôi bò sữa, vì ngại khó, vì thiếu vốn, vì chưa có nguồn đất trồng cỏ cho bò. “Huyện và xã đang khuyến khích người dân trong xã tăng đàn, thường xuyên trong năm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho dân về quy trình chăn nuôi, thức ăn, cách chăm sóc, thuốc chống bệnh cho bò sữa, có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn, nhất là ưu tiên tạo điều kiện cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã nuôi bò sữa và coi đây là một giải pháp hiệu quả để giúp bà con thoát nghèo vươn lên làm giàu tại địa phương đầy ưu thế về nuôi bò sữa này” - ông Hùng khẳng định.

Theo Viết Trọng - Mai Giang/nguoichannuoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập178
  • Hôm nay35,867
  • Tháng hiện tại767,220
  • Tổng lượt truy cập91,940,949
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây