Học tập đạo đức HCM

Một doanh nghiệp làm chỗ dựa cho hơn 20.000 nhà vườn ĐBSCL

Thứ ba - 18/05/2021 03:24
Mô hình liên kết sản xuất với hơn 20 nghìn nhà vườn ở ĐBSCL của Công ty Cát Tường là hướng đi định hình cho sản xuất theo yêu cầu, tín hiệu của thị trường.

Chớm vào hè, trái cây ở ĐBSCL sắp vào mùa chín rộ. Hàng tươi ngon chưa ra chợ nhiều nhưng thương lái về vườn phát tín hiệu sẽ là cuộc cạnh tranh dữ dội.

Cuộc chiến thị trường trái cây

Anh Nguyễn Văn T., một trong những thương lái thu mua đóng hàng trái cây tươi của các nhà vựa ở dọc quốc lộ 1A tỉnh Tiền Giang để xuất khẩu theo xe tải đi đường bộ sang Trung Quốc, nói với vẻ mặt đăm chiêu, suy tính: Từ đầu năm đến nay, so với các loại trái cây khác, mít Thái và thanh long là 2 loại trái được xem là giữ nhịp xuất bán khá đều sang Trung Quốc. Trong số hơn 50 chủ vựa thu mua trái cây ở Tiền Giang, ước tính mỗi ngày đóng khoảng 300 tấn hàng trái tươi chở hàng về phía Bắc. 

Trái cây miền Tây đang bước và mùa chính vụ. Ảnh: Minh Đãm.

Trái cây miền Tây đang bước và mùa chính vụ. Ảnh: Minh Đãm.

Khoảng một tháng trước, mít Thái còn giữ giá khá tốt, hàng loại 1 giá 40.000 - 50.000 đ/kg (loại trên 9 kg/trái). Còn nay, giá mít Thái loại 1 rơi dần xuống chỉ còn 20.000 đ/kg. Mít loại 2 giá 7.000 - 8.000 đ/kg và hàng dạt ra chợ nội địa còn rẻ hơn.

"Việc giảm giá, nếu nói rằng ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19 là chưa đúng, bởi dịch bệnh đã kéo dài suốt năm qua. Nhưng dấu hiệu rõ ràng là nguồn cung đang tăng lên, mùa trái chín rộ từ tháng 5 đến tháng 7. Chỉ có một số nông dân tìm cách cho trái rải vụ từ tháng 7 đến tháng 10 mới giữ được giá bán khá hơn", chủ vựa thu mua này đánh giá. 

Mùa vú sữa qua nhanh, xoài bước tiếp qua tháng 5, ở vùng ĐBSCL hiện bắt đầu nối vụ vào mùa sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… Thông thường từ giữa rằm tháng 4 âm lịch trở đi, sầu riêng miền Tây vào mùa trái rộ.

Tuy vậy, cứ ngỡ trái cây đầu vụ “giá thơm” nên một vài thương lái thu gom hàng sớm. Sầu riêng Ri6 loại 1 lúc cao điểm 100.000 - 110.000 đ/kg nhưng khi đóng hàng giá rớt chỉ còn 65.000 - 70.000 đ/kg khiến nhiều chủ vựa thu mua trái cây chịu lỗ.

Nhiều chủ vựa thu mua cũng đang lo tính xa tới tháng 6, khi mùa thu hoạch quả vải ở phía Bắc vào vụ, cộng với chôm chôm, sầu riêng ở Đông Nam Bộ vào mùa thu hoạch, sẽ "đụng hàng” với trái cây cùng loại ở miền Tây. Bên cạnh đó, hàng sầu riêng Mongthong, bòn bon, măng cụt... từ Thái Lan qua cửa ngõ biên giới Tây Nam vào mùa cũng sẽ cạnh tranh dữ dội với các loại trái cây trong nước. 

Dân thương lái và nhà vườn từng buôn bán rõ mặt nhau đều biết rằng, hiện thời không chỉ có mít Thái là giống cây trồng cho trái sớm, mau ăn và “nhạy” bắt theo nhu cầu thị trường, cho dù trong ngắn hạn, chấp nhận rủi ro.

Thu mua, sơ chế thanh long tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đãm.

Thu mua, sơ chế thanh long tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đãm.

Một khi sản lượng vài loại trái cây thu hoạch cùng thời điểm tăng lên, sẽ cần phải mở nhiều kênh tiêu thụ. Cùng với thị trường nội địa như siêu thị, chợ truyền thống và nhà máy chế biến, việc mở rộng cửa xuất khẩu được xem là đóng vai trò trọng yếu tạo giữ giá trị ổn định cho mặt hàng trái cây. Trong đó kênh xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc sẽ vẫn được một số thương lái duy trì và xem như thước đo cho cung - cầu thị trường.

Có thể nói năm nào cũng vậy, sự biến động của thị trường tiêu thụ trái cây ở nước ta với sự cạnh tranh, đan xen giữa các mùa thu hoạch trái cây trong nước, sự cạnh tranh của trái cây Thái Lan và phụ thuộc chính vào kênh tiêu thụ qua thị trường Trung Quốc gần như quyết định tới giá cả, thị trường cũng như cung - cầu của trái cây Việt Nam. 

Giải pháp liên kết tiêu thụ

Hiện nay, Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường (Công ty Cát Tường, tại xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là một trong những doanh nghiệp đi đầu tại ĐBSCL về hợp tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và liên kết bao tiêu trái cây cho nông dân.

Vùng nguyên liệu của Công ty Cát Tường có quy mô khoảng 10.000 ha, với trên 20.000 nông hộ. Các loại trái cây được bao tiêu gồm dừa và 6 loại trái cây khác gồm xoài, thanh long, sầu riêng, vú sữa, chôm chôm và nhãn. Sự chuyển giao khoa học kỹ thuật, cũng như bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân của Công ty Cát Tường đã dần định hình cho nông dân vùng ĐBSCL bước đầu sản xuất theo yêu cầu, tín hiệu của thị trường.

Ông Mai Công Tiếp, Phó Giám đốc HTX Thanh long Trung Hoà (xã Trung Hoà, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cho biết: HTX hiện có 18 thành viên, với diện tích sản xuất khoảng 100 ha. Bắt đầu từ năm 2015 đến nay, thành viên HTX sản xuất thanh long theo quy trình của công ty đưa xuống.

Sản phẩm sản xuất ra được Công ty Cát Tường bao tiêu thu mua. Quy trình kỹ thuật được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn, hỗ trợ. Vì vậy, thành viên HTX sản xuất rất thuận lợi. Về giá cả được bao tiêu cao hơn giá thị trường từ 20 – 30%, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Sơ chế xoài xuất khẩu tại nhà máy đóng gói của Công ty Cát Tường. Ảnh: Minh Đãm.

Sơ chế xoài xuất khẩu tại nhà máy đóng gói của Công ty Cát Tường. Ảnh: Minh Đãm.

Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, đưa một lượng lớn trái cây của nhà vườn ĐBSCL xuất khẩu sang thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao về chất lượng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, mỗi ngày Công ty Cát Tường xuất từ 6-10 container xoài và thanh long sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Nhật (tương đương hơn 70 tấn/ngày). Trái cây xuất khẩu có giá trị cao hơn tiêu thụ nội địa từ 2-3 lần, cho lợi nhuận bình quân 1 USD/kg.

Để đạt tiêu chuẩn trái cây xuất khẩu, trái cây sản xuất phải đảm bảo an toàn sinh học, phải qua xử lý nhiệt bằng máy VHT trước khi đóng gói đưa xuống tàu vận chuyển đến đối tác ngoài nước.

Ông Ðoàn Văn Sang, Tổng Giám đốc Công ty Cát Tường nhận xét: Qua thời gian dài hoạt động ở các thị trường xuất khẩu khó tính, công ty nhận thấy tầm quan trọng của công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật vào vùng sản xuất nguyên liệu thông qua HTX, tổ hợp tác. Khó nhất là thị trường mỗi nước có yêu cầu về chất lượng sản phẩm khác nhau, do đó phải nắm bắt rõ các yêu cầu tùy theo thị trường mới có thể đáp ứng được.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, Công ty Cát Tường đã đầu tư nhà máy đóng gói đạt chuẩn, hệ thống kho mát hiện đại sức chứa khoảng 2.000 tấn và nhà máy xử lý nhiệt hơi nước cho trái cây tươi… Nhà máy đóng gói trái cây được kiểm định của chuyên gia Hoa Kỳ, đáp ứng cho thị trường xuất khẩu trái cây tươi sang các nước như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Newzeland, Đài Loan, Trung Quốc...

Mở rộng vùng nguyên liệu

Công ty Cát Tường cho biết đã và đang liên hệ với Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL để mở rộng hoạt động liên kết, hình thành vùng nguyên liệu, ổn định chất lượng để gia tăng sản lượng trái cây tươi ngon xuất khẩu.

Nghiên cứu giống mới tại Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Cát Tường. Ảnh: Minh Đãm.

Nghiên cứu giống mới tại Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Cát Tường. Ảnh: Minh Đãm.

Ông Đoàn Văn Sang cho biết: Điểm mấu chốt trong chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là công tác chọn giống phải phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Do đó, Công ty Cát Tường đã mạnh dạn thành lập Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Cát Tường để nghiên cứu những giống kháng bệnh. Đây cũng là cách hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân sản xuất đạt tiêu chuẩn thị trường.

Định hướng sắp tới, Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Cát Tường sẽ tập trung nghiên cứu những vấn đề khó khăn trong nông nghiệp như sâu bệnh, thời tiết, biến đổi khí hậu; nghiên cứu đưa ra những giống thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu.

Thông qua chuyển giao khoa học kỹ thuật, Công ty Cát Trường đặt niềm tin góp phần thay đổi tập quán sản xuất của một bộ phận nông dân trong vùng với mô hình liên kết sản xuất. Sản xuất phải theo yêu cầu của thị trường, nhất là sản xuất sạch, an toàn đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
https://nongnghiep.vn/mot-doanh-nghiep-lam-cho-dua-cho-hon-20000-nha-vuon-dbscl-d290441.html

Theo Hữu Đức - Minh Đảm/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Công văn số 5424 /BNN-VPĐP

Triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, xã hình thành sau sắp xếp

Hát về nông thôn mới
Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập86
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm80
  • Hôm nay24,303
  • Tháng hiện tại306,525
  • Tổng lượt truy cập83,362,520
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây