"Vườn nông nghiệp an toàn gắn với gia đình 5 không, 3 sạch" là một trong những mô hình điểm được Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo hướng tới phát triển sản xuất sản phẩm an toàn, nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia phát triển kinh tế thông qua những việc làm cụ thể.
Hội LHPN tỉnh phối hợp với UBND xã La Bằng (huyện Đại Từ) thực hiện thí điểm mô hình trên tại 5 hộ dân trong xóm Đồng Tiến. Mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 4 triệu đồng.
Để các hộ làm quen với mô hình, Hội LHPN đã thực hiện nhiều hoạt động: Hỗ trợ bản vẽ thiết kế chỉnh trang lại vườn hộ, hướng dẫn 100% hộ gia đình về phân loại rác thải tại hộ, hỗ trợ mỗi gia đình 1 bộ thùng đựng rác 3 màu; phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc chè theo hướng hữu cơ; hướng dẫn sử dụng phân bón lá trên cây chè; hướng dẫn quy trình và thực hành ủ phân hữu cơ vi sinh; hướng dẫn cách pha chế và sử dụng thuốc trừ sâu sinh học từ thảo mộc, tổ chức tập huấn, hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm...
Là 1 trong 5 hộ tham gia mô hình điểm, bà Lương Thị Châu, chia sẻ: Trước đây, gia đình bà chỉ nuôi, trồng tự phát. Mảnh vườn rộng 3.500m2 chưa sử dụng hết diện tích, không đem lại hiệu quả kinh tế và không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Được Hội phụ nữ hướng dẫn xây dựng vườn mẫu an toàn, bà đã đầu tư, cải tạo đất, xây đường đi trong vườn, xây lại tường rào, sửa chuồng trại. Các khu vực chăn nuôi được phân chia riêng biệt theo từng khu để dễ dọn vệ sinh, làm sạch. Nhờ tham gia mô hình xây dựng vườn mẫu, khu vườn của gia đình bà Châu không chỉ sạch, đẹp hơn mà còn tận dụng được nhiều diện tích để trồng cây, chăn nuôi.
Cũng như gia đình bà Lương Thị Châu, các hộ tham gia mô hình đã thực hiện cơ bản các nội dung theo thiết kế chỉnh trang vườn hộ; quy hoạch lại khu chăn nuôi, trồng trọt, chè, cây ăn quả, hoa, cây cảnh, hệ thống cống thoát nước; sản xuất được phân vi sinh bón cho cây trồng để cải tạo đất. Mỗi hộ đều có sổ theo dõi "Vườn nông nghiệp an toàn" nhằm đảm bảo cập nhật các thông tin liên quan đến trồng, chăm sóc cây, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc phòng tránh dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Sản xuất sạch, xanh, bảo vệ môi trường là tiêu chí được các hộ gia đình thực hiện.
Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020) của Hội LHPN tỉnh, mô hình đã được đánh giá có hiệu quả, có tác động tích cực đến việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của địa phương. Những thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của các cấp Hội LHPN trong tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên cho biết: Có thể khẳng định, hiệu quả từ các mô hình của Hội LHPN ngày càng rõ nét, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của hội viên phụ nữ và người dân. Đây là cơ sở để các cấp Hội tiếp tục nhân rộng mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch" gắn với xây dựng Nông thôn mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã