Mặc dù ngành thủy sản có tác động lớn đến đời sống xã hội, thế nhưng gần đây từ việc nuôi trồng đến xuất khẩu thủy sản gặp rất nhiều khó khăn.
Bức tranh ảm đạm
Năm 2015 là một năm khốn khó đối với ngành thủy sản khi mà cả người nuôi lẫn doanh nghiệp xuất khẩu đều không đạt những kết quả như mong muốn. Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước trong năm 2015 ước khoảng 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang 164 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Song, vấn đề lo ngại là nhiều thị trường đồng loạt giảm nhập khẩu; trong đó, có những thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… vì thế đã kéo kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 giảm mạnh.
Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP nhìn nhận, đây là lần đầu tiên cả ba mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản nước ta là “cá tra, cá ngừ và tôm” đều tuột dốc; lo nhất là con tôm, chỉ về đích hơn 3 tỷ USD, giảm khoảng 1 tỷ USD so năm 2014. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ khó khăn, biến động về tỷ giá làm ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản…
Chia sẻ về bức tranh xuất khẩu thủy sản không mấy sáng sủa, các doanh nghiệp chế biến cá tra băn khoăn: “Ngoài yếu tố nhu cầu thị trường thì một số quy định về tỷ lệ mạ băng của sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh, thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu… đã gây ra một số vấn đề khó cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại còn hạn chế đã không đẩy mạnh được hình ảnh sản phẩm cá tra Việt Nam đến với đông đảo người tiêu dùng trên thế giới…”.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Thuận Phước, hiện tại hơn 60% giống tôm thẻ chân trắng và 80% thức ăn cho tôm, phải nhập từ nước ngoài khiến giá ở Việt Nam cao hơn các nước khác. Đầu vào cao, nhưng tỷ lệ nuôi tôm thành công đạt thấp, từ đó dẫn đến giá xuất khẩu tôm của Việt Nam cao hơn khoảng 2USD/kg so các nước nên không cạnh tranh lại.
Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL quan ngại khi giá nguyên liệu tôm và cá tra trong năm qua quá thấp khiến nhiều hộ nuôi lỗ nặng. “Chúng tôi đang mong chờ một luồng gió mới nhằm thay đổi tích cực hơn đối với con cá tra ĐBSCL. Chứ nếu duy trì giá chỉ 20.000- 21.000 đồng/kg như thời gian qua thì người nuôi rất mệt mỏi”, ông Võ Văn Đệ, hộ nuôi cá ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) bày tỏ.
Tái cơ cấu theo chuỗi giá trị
Năm 2016, VASEP hy vọng xuất khẩu thủy sản sẽ cải thiện và dự báo đạt khoảng 7,12 tỷ USD, tăng 6,3% so năm 2015; trong đó mặt hàng tôm và cá ngừ dự báo sẽ tăng, riêng cá tra nhiều khả năng tiếp tục khó.
“Rào cản kỹ thuật từ các nước đang cản trở các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, tính cạnh tranh trên thị trường ngày càng dữ dội, trong khi giá đầu vào tăng nhưng giá xuất khó cải thiện sẽ bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu…”, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Hùng Vương, trăn trở.
Để gỡ khó cho mặt hàng cá tra, các doanh nghiệp đề xuất cơ quan chức năng nghiên cứu tháo gỡ những “nút thắt” về đăng ký hợp đồng xuất khẩu, quy định tỷ lệ mạ băng… nhằm giảm áp lực “tâm lý”, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong chế biến xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT cho biết sẽ hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu xuất khẩu thủy sản. Bộ sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình hội nhập FTA, TPP và chương trình giám sát cá da trơn mà Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa công bố. Ngành thủy sản cần nhanh chóng khắc phục bài toán giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh và giải quyết nạn ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh, có như vậy mới phát triển bền vững được. Về lâu dài, cần tái cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng “chuỗi giá trị”.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho rằng: “Việt Nam dù là nước có lợi thế về nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản, nhưng đang bộc lộ nhiều lỗ hổng lớn trong dây chuyền sản xuất, công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm… Đặc biệt, trong chuỗi giá trị toàn cầu thì thủy sản nước ta chỉ mới tham gia ở mức cung cấp sản phẩm sơ chế, nhưng lại yếu về khâu chế biến, đóng gói, hoạt động thương mại…
Đây là những khâu mang lại nhiều về giá trị gia tăng. Nguyên nhân là do chúng ta còn lạc hậu về công nghệ, trình độ, tay nghề hạn chế, thiếu sự liên kết của những tác nhân tham gia chuỗi từ khâu sản xuất đến thương mại.
Dịch vụ hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, vai trò các hiệp hội… còn yếu; ngoài ra, lâu nay chúng ta chỉ chú trọng đến sản lượng, số lượng, mà chưa quan tâm đúng mức đến giá trị gia tăng của sản phẩm”. Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, trước áp lực hội nhập thế giới thì thủy sản Việt Nam chịu sự cạnh tranh quyết liệt, vì thế phát triển “chuỗi giá trị thủy sản” trở nên cấp bách.
Nếu như trước đây từ nuôi trồng đến xuất khẩu diễn ra theo dạng “mạnh ai nấy làm”, nay khi hoạt động theo chuỗi giá trị sẽ thu hút các thành phần như: nhà cung cấp yếu tố đầu vào, người nuôi, thương lái, nhà máy chế biến, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp xuất khẩu… cùng tham gia. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học… cũng hỗ trợ bằng những cơ chế thuận lợi, những nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới…
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh: “Để phát triển chuỗi giá trị thủy sản thành công thì Nhà nước cần giữ vai trò “chủ đạo” xây dựng chính sách hợp lý, tạo môi trường lành mạnh cho các tác nhân tham gia chuỗi, thông qua hình thức liên kết dọc và liên kết ngang.
Doanh nghiệp chế biến được xem là “hạt nhân” của chuỗi giá trị, để liên kết với các vệ tinh xung quanh (như người nuôi…) thông qua chính sách hỗ trợ của Nhà nước và ràng buộc bằng hợp đồng kinh tế…”
Nuôi thủy sản hiện nay còn dạng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết. Vì vậy, tới đây cần quy hoạch vùng nuôi tập trung quy mô lớn, đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, xây dựng vùng sản xuất giống chất lượng.
Giảm dần hộ cá thể để xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm thống nhất trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ; qua đó giảm được chi phí đầu vào, giảm dịch bệnh và nâng được chất lượng thủy sản. Để thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia “chuỗi giá trị thủy sản” cần có những chính sách ưu đãi về vốn, thuế… Có cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các hiệp hội, cơ quan hữu quan, doanh nghiệp… trong từng hoạt động cụ thể.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;