Ngày 21/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình nhằm tiếp tục đẩy mạnh phối hợp trong việc phát triển bền vững, hiệu quả đối với vùng cây ăn quả có múi trọng điểm của tỉnh Hòa Bình.
Làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: Những năm qua, Hòa Bình đã có những chuyển biến tích cực trong việc triển khai tái cơ cấu nông nghiệp. Về cây ăn quả, tỉnh đã hình thành được một số vùng cây ăn quả tập trung, nhất là vựa cây có múi (cam, bưởi) tại các huyện như Cao Phong, Tân Lạc... đã khẳng định được thương hiệu nhất định.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng lo ngại: Việc phát triển cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi trên địa bàn các tỉnh phía Bắc nói chung, trong đó có tỉnh Hòa Bình thời gian qua đã và đang phát sinh một số nguy cơ đáng lo ngại. Trong đó, nguy hiểm nhất là nguy cơ bùng phát các loại bệnh trên cây ăn quả có múi.
Bên cạnh đó, do sự phát triển nóng, chạy theo số lượng và gia tăng nhanh về diện tích nên nông dân chưa chú trọng vào việc thâm canh, chưa áp dụng chặt chẽ về các quy trình kỹ thuật một cách chặt chẽ. Điều này không chỉ khiến nguy cơ dịch bệnh gia tăng, mà còn khiến chất lượng sản phẩm bị giảm sút...
Đây là vấn đề hết sức lo ngại, và từng là bài học mà nhiều địa phương có vùng có múi lớn như Hà Giang, Tuyên Quang... từng phải gánh thiệt hại, có nguy cơ xóa sổ, nhất là việc nông dân phát triển ồ ạt trên đất dốc, không theo quy trình sản xuất bền vững, dẫn tới vườn cam, bưởi bị thoái hóa, nhiễm bệnh, giảm chất lượng.
Vì vậy thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị tỉnh Hòa Hòa không nên chạy theo việc mở rộng diện tích, sản lượng về cây có múi, mà cần tập trung đi vào chiều sâu, trên cơ sở cải thiện một cách đồng bộ từ công tác nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống đảm bảo nguồn gốc chất lượng; các gói kỹ thuật thâm canh bền vững nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thương hiệu cho sản phẩm.
Làm việc với Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình có cùng lo ngại cho biết đến nay, Hòa Bình đã xây dựng được diện tích trên 10 nghìn ha cây ăn quả có múi.
Tuy nhiên những gần đây, đã có tình trạng một số vùng cam bị thoái hóa về giống, chất lượng giảm, ngày càng nhiều hạt, quả bé... Đã có những vườn cam do không được nông dân chú trọng tới quy trình sản xuất, trồng dày chen chúc, khai thác kiệt quệ, bị nhiễm bệnh, không còn cho thu hoạch quả...
Để phát triển bền vững cho vùng cây có múi của tỉnh, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã có định hướng sẽ tập trung trước hết vào công tác quản lí chất lượng giống, cải thiện chất lượng giống, bên cạnh đó sẽ đi vào thâm canh theo chiều sâu, không khuyến khích và không dành chính sách hỗ trợ đối với việc mở rộng diện tích cây có múi...
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đặc biệt cảnh báo: Công tác quản lí giống cây ăn quả nói chung, nhất là cây có múi thời gian qua tại nhiều địa phương chưa thật sự được siết chặt, dẫn tới tình trạng giống trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng còn lưu thông trên thị trường.
Đây là điều hết sức nguy hiểm bởi cây ăn quả, nhất là cây có múi như cam, bưởi có chu kỳ rất dài, 3-4 năm trở lên mới cho thu hoạch nên nếu nông dân mua phải giống không đảm bảo chất lượng thì hậu quả rất lớn...
Trong khi đó, kiểm tra tình hình nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống cây ăn quả tại các trung tâm giống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh thẳng thắn đánh giá: Mặc dù là tình sở hữu diện tích cây có múi lớn của miền Bắc, nhưng các đơn vị nghiên cứu, sản xuất giống của tỉnh Hòa Bình hiện vẫn còn yếu, cơ sở hạ tầng xuống cấp, chưa phát huy được vai trò cung ứng nguồn giống có chất lượng cao, sạch bệnh cho nhu cầu phát triển của nông dân trên địa bàn tỉnh...
Vì vậy trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ ưu tiên triển khai một số chương trình, dự án nhằm hỗ trợ nguồn lực cho tỉnh Hòa Bình, đồng thời chỉ đạo các đơn vị, viện nghiên cứu có năng lực, nhiều kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong nghiên cứu, chuyển giao về cây ăn quả có múi phối hợp với tỉnh Hòa Bình triển khai việc xây dựng, đầu tư một cách bài bản trong việc nghiên cứu, sản xuất, cung ứng ra thị trường nguồn giống cây có múi đảm bảo chất lượng, sạch bệnh cho người dân...
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, hiện nay, nghiên cứu, sản xuất giống cây ăn quả sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với các giống cây lương thực ngắn ngày.
Vì vậy, mặc dù đã có các doanh nghiệp trong ngành giống cây trồng đầu tư vào mảng này, nhưng các viện, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao về giống tại các tỉnh vẫn đóng vai trò rất quan trọng, nhất là việc bình tuyển, lưu giữ nguồn giống gốc, cây đầu dòng có chất lượng, sạch bệnh để cung cấp cho nhu cầu người dân.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đồng ý thời gian tới, sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư, củng cố và nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu, sản xuất và cung ứng trực tiếp giống ra thị trường đối với đơn vị có bề dày về nghiên cứu cây ăn quả có múi, đó là Trung tâm Nghiên cứu cây có múi (thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả).
Đây sẽ là đơn vị hạt nhân, gồm cả nghiên cứu, chọn lọc, lưu giữ nguồn giống gốc, vườn đầu dòng, tới việc sản xuất trực tiếp nguồn cây giống sạch bệnh, chất lượng, tới việc tổ chức tổng thể các mô hình, hoạt động tập huấn, chuyển giao, tư vấn, hợp tác... với nông dân, các HTX và doanh nghiệp. Qua đó, sẽ tạo ra sức lan tỏa, đảm bảo cải thiện nguồn giống cây ăn quả có múi cho nhu cầu phát triển của liên vùng Tây Bắc – phía tây Bắc Trung Bộ như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La...
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đặc biệt nhấn mạnh: Đây đang là giai đoạn quan trọng mà các vùng cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình sẽ cần phải tái canh trong giai đoạn tới.
Vì vậy, việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng năng lực cho các trung tâm nghiên cứu giống của tỉnh Hòa Bình cũng như các đơn vị trực thuộc của Bộ NN-PTNT sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm đảm bảo chất lượng nguồn giống cho các diện tích cây ăn quả có múi tái canh, mở rộng sản xuất trong thời gian tới.
Theo LÊ BỀN/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;