Học tập đạo đức HCM

63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2014”: Gương sáng của người nghèo

Thứ hai - 06/10/2014 20:57
63 nông dân Việt Nam xuất sắc đều là những người sáng tạo, đa năng và là tấm gương cho những nông dân khác học hỏi để xóa đói, giảm nghèo. 10 gương mặt cuối trong số 63 gương mà NTNN giới thiệu là những người như thế...

Làm bạn với cam, quýt...

Xuất thân từ huyện Lai Vung - vùng đất có diện tích trồng cây có múi lớn nhất Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Lệ Hồng (ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung) đã biến những lợi thế có sẵn thành khoản thu nhập “khủng” gần 1 tỷ đồng/năm cho gia đình. Để mang tới sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, bà Hồng xây dựng quy trình trồng cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 0,65ha, đạt sản lượng bình quân 52 tấn/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động và 30 lao động thời vụ tại địa phương. Với những thành tích đạt được, bà Hồng đã được UBND, Hội Nông dân (ND) tỉnh Đồng Tháp tặng nhiều giấy khen về thành tích ND tiên tiến trong phong trào ND thi đua yêu nước…

Bà chủ thương hiệu chanh không hạt VICA

Với 26ha chanh không hạt, gia đình bà Bùi Thị Ba (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, Long An) có khoản lãi 1 tỷ đồng/năm. Trước khi thành công với cây chanh không hạt, bà Ba và gia đình đã trải qua hơn 15 năm làm gì rồi cũng trắng tay. Giữa lúc gia đình đang “túng quẫn”, người bạn ở Bình Dương gợi ý, nếu chịu trồng chanh không hạt ông sẽ cung cấp cây giống. Thấy trồng chanh cũng có lời, bà nhận 1.000 gốc về trồng thử. Sau 2 năm chăm sóc, những cây chanh đã cho quả sai, to, mọng nước. Rồi bà mở rộng quy mô lên 26ha. Khi vườn chanh cho trái ổn định, bà nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu cho chanh không hạt của mình. Năm 2008, bà đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa độc quyền “chanh không hạt VICA”.

Không giữ bí quyết làm giàu cho riêng mình

Hội viên Phú Văn Trực (ấp Bình Minh, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu), là minh chứng cho công cuộc làm giàu gắn liền với cây lúa. Gia đình ông Trực có 9ha sản xuất lúa 3 vụ chất lượng cao, gắn với trồng màu, chăn nuôi và phát triển kinh tế dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Từ lúa, mỗi năm gia đình thu nhập hơn 900 triệu đồng, 100 triệu đồng từ trồng cây màu và hơn 500 triệu đồng làm máy gặt đập liên hợp, máy cày, lò sấy lúa. Hàng năm, gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và 50 lao động thời vụ; giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật cho 8 hộ trong ấp. Từ thành công của ông Trực, nhiều hộ gia đình trong xã đã tìm đến học hỏi và làm theo.

Tận dụng “tấc đất tấc vàng”

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cổ Tháp, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nên ông Ái Hiệp luôn suy nghĩ làm sao để thoát nghèo. Được địa phương cấp 8,9ha đất bạch sa, ông Hiệp dành 2ha đất đào ao thả cá trê, lóc, trắm, mè... và 4ha trồng rừng, 2ha xây nhà kho, chuồng trại nuôi heo nái, heo thịt, gà, vịt từ quy mô nhỏ, rồi sau mở rộng ra. Với suy nghĩ “tấc đất tấc vàng”, năm 2009, ông Hiệp trồng thử nghiệm 600 gốc thanh long ruột đỏ, và là người đầu tiên trong tỉnh trồng giống thanh long này; kết hợp với trồng cây cảnh, cây công nghiệp... Trời không phụ công người, nhờ chăm chỉ, cần mẫn mà trang trại của gia đình ông cho thu khoản lãi hơn 600 triệu mỗi năm. Không làm giàu cho riêng mình, ông Ái Hiệp còn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn, nên được nhiều người trong thôn tin yêu, quý trọng.

Trồng lúa, nuôi bò thu lời 400 triệu đồng/năm

Cũng như nhiều ND xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, ông Bùi Văn Hòn gắn bó với cây lúa từ bé. Tuy nhiên, nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nên năng suất lúa của gia đình ông luôn đạt 7 tấn/ha, trừ chi phí lãi 300 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, ông Hòn còn trồng thêm cây sơ ri và nuôi bò thịt. Ông duy trì thường xuyên 14 con bò trong đàn, mỗi năm cũng thu được 95 triệu đồng. Ăn nên làm ra, ông Hòn tích cực tham gia đóng góp và vận động ND xây dựng các công trình giao thông nông thôn; đóng góp Quỹ Vì người nghèo...

Anh nông dân sáng tạo

Xuất thân từ lính quân y, trải qua nhiều nghề nhưng cuối cùng, anh Nguyễn Văn Tính (ấp Tân Hưng, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, Kiên Giang) lại gắn bó với cây lúa. Với bản tính siêng năng, chỉ sau một thời gian anh đã lai tạo thành công giống lúa mới có tên HĐ1 có nhiều đặc tính ưu việt như thời gian sinh trưởng ngắn (89-92 ngày); năng suất cao (6-8 tấn/ha); gạo dẻo, thơm, ngon; khả năng chống chịu sâu bệnh khá… Ngoài HĐ1, anh Tính còn lai tạo thành công một số giống lúa mới như HĐ6, HĐ8, HĐ9, lai tạo tổ hợp lai L550 (MTL550). Với những thành công trong việc lai tạo giống lúa, anh Tính đã được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cấp giấy chứng nhận Điển hình sáng tạo Việt Nam về công trình lai tạo giống, được Bộ NNPTNT tặng bằng khen danh hiệu ND sản xuất lúa sáng tạo toàn quốc...

Thành công với mô hình tổng hợp

Nhận khoanh nuôi 45ha đất đồi để trồng rừng, ông Lò Văn Thành (ở đội 15B, xã Thanh Luông, huyện Điên Biên, Điện Biên), đã biến những điều tưởng chừng như không thể thành của cải đáng giá hàng trăm triệu đồng. Cũng phải mất một thời gian dài ông mới có thể hoàn thành cải tạo để đưa các loại cây keo, bạch đàn vào trồng và mất hơn 3 năm mới có thu hoạch bước đầu. Ngoài ra ông Thành còn dành 2ha để trồng lúa, 0,7ha trồng các loại cây ăn quả, 3,5ha nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt… Ông còn đầu tư mua máy phay, máy tuốt, máy xay xát để phục vụ bà con trong xã. Đến nay, mỗi năm ông thu hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi hơn 300 triệu đồng; tạo việc làm ổn định cho 4-6 lao động tại địa phương với mức lương 3,5-4 triệu đồng/tháng.

Sản xuất khép kín, thu lời lớn

Với quy trình sản xuất quế khép kín từ trồng trọt đến tiêu thụ sản phẩm, mỗi năm anh Nguyễn Quang Trung (thôn 5, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái) thu nhập 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Anh Trung cho biết: Khi phong trào trồng quế phát triển ở địa phương, anh nhận đấu thầu 5ha để trồng quế. Với năng suất 24 tấn vỏ/ha, 50 tấn quế cành và lá/ha, 15m3 gỗ/ha, anh Trung đã gây dựng được cuộc sống ấm no cho gia đình. Không chịu dừng lại ở đó, anh dùng số vốn kiếm được từ trồng quế để thu mua các sản phẩm từ cây quế của bà con trong thôn, xã; đồng thời anh đầu tư mua máy ép thùng phục vụ cho việc đóng gói sản phẩm quế; mua máy băm, máy nghiền lá và cành quế nhỏ giúp việc tận thu các sản phẩm từ quế và xây dựng một lò sấy quế cải tiến trị giá 50 triệu đồng và mua thêm 2 xe vận tải để vận chuyển các mặt hàng quế.

Xây dựng thương hiệu cho trái cây

Với mô hình cây ăn quả có múi, chủ yếu là bưởi da xanh, chanh không hạt, mỗi năm ông Lê Văn Xê (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) thu về hàng chục tỷ đồng. Hiện ông đã mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh lên tới hơn 100ha qua các hình thức liên doanh, liên kết với ND trong vùng. Riêng trang trại bưởi da xanh của ông Xê ở xã Hiếu Liêm mỗi năm có sản lượng khoảng 500 tấn, cho lợi nhuận gần 10 tỷ đồng. Ông Xê đã áp dụng quy trình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời xây dựng thương hiệu trái cây, trong đó có bưởi da xanh mang tên Phương Uyên. Với việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn, xây dựng được thương hiệu đã giúp bưởi da xanh của ông Xê có mặt ở các siêu thị trong nước và xuất khẩu ra một số thị trường nước ngoài.

Tỷ phú đa năng

Đó là cái tên mà người dân xã Hồng Thái, huyện An Dương (Hải Phòng) đặt cho ông Phạm Văn Huê. Năm 1985, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Huê theo học lớp trung cấp hàn, nhưng rồi lại về quê làm ruộng. Trên diện tích 1 mẫu ruộng khoán, ông trồng cà chua với năng suất 2-3 tấn/sào. Khi kinh tế đã khá lên, ông đầu tư mua máy xát gạo, máy tuốt làm dịch vụ, rồi thuê bãi đất hoang của xã để kinh doanh vật liệu xây dựng. Năm 2006, ông quyết định dồn đổi toàn bộ đất nông nghiệp của gia đình và của anh em, bạn bè để xây dựng trang trại sinh vật cảnh trồng cây sanh, lộc vừng, hoa lan, hoa sứ. Đến nay, vườn cây cảnh của ông ước tính trị giá 17 tỷ đồng. Với mô hình làm ăn đa năng như vậy, mỗi năm gia đình ông có tổng doanh thu 6 tỷ đồng, trừ chi phí ông bỏ túi hơn 1 tỷ đồng.

nguồn: danviet.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập266
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm263
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại192,254
  • Tổng lượt truy cập90,255,647
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây