Học tập đạo đức HCM

Chỉnh trang nhà ở dân cư: Chuyện khó ở vùng nông thôn!

Thứ bảy - 26/10/2013 22:38
Nhếch nhác, bẩn thỉu... là những hình ảnh nhãn tiền tại nhiều vùng nông thôn ở tỉnh ta mà chúng tôi đã chứng kiến. Nhà vệ sinh, chuồng chăn nuôi và bếp gia đình phần lớn đều nằm trong khu vực sinh hoạt chung.

 

Tại xóm 6, xã Hương Thọ (Vũ Quang), ông Phạm Thế Hùng hài hước, tự trào: “Ở đây rứa đó, người ta mần nhà vệ sinh ra phía trước cho dễ coi...”. Cũng tại đây, chúng tôi rẽ vào gia đình chị Ngô Thị Phong. 7 năm ở riêng, 6 con người trong một khoảnh nhỏ chưa đầy 10 thước đất. Đằng trước thì nhà một người họ hàng, phía sau là lối cụt, để tiện sinh hoạt, anh chị phải dồn tất cả công trình phụ ra phía trước. Đồng nghĩa với đó là một khu vệ sinh chềnh ềnh ngay lối vào, ngoảnh ra trục đường và đương nhiên là sát sườn với gian nhà chính... Chị Phong thừa nhận: Hơn ai hết, mỗi thành viên trong gia đình chính là người chịu ảnh hưởng đầu tiên.

Chỉnh trang nhà ở dân cư: Chuyện khó ở vùng nông thôn!
Xã Hương Thọ gặp không ít lực cản trong công tác chỉnh trang khu dân cư

Anh Nguyễn Hùng Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Thọ chia sẻ: Hương Thọ, hiện có trên 700 hộ dân thuộc 7 thôn. Đời sống nhân dân phụ thuộc phần nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Tỷ lệ hộ dân trực tiếp chăn nuôi gia súc, gia cầm rất lớn. Vì vậy, tác hại của môi trường ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Đặc biệt, khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, công tác chỉnh trang khu dân cư đã và đang gặp không ít lực cản ở vùng quê này. NTM khó có được bộ mặt mới khi tỷ lệ hộ dân làm công trình phụ đạt chuẩn chưa đầy 2%, như ở thôn 6, xã Hương Thọ.

Tiêu chí về quy hoạch trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM xác định nhà ở dân cư là một trong 3 vấn đề chính nhằm “quy hoạch và phát triển các khu dân cư mới, chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn các bản sắc văn hóa tốt đẹp”. Tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư nêu rõ: xã NTM phải là địa phương không có nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng là 80%. Tuy nhiên, trong thực tế, câu chuyện này vẫn còn không ít vấn đề phải bàn. Đến nay đã gần 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, vẫn còn không ít đơn vị xác nhận sai mức độ hoàn thành các tiêu chí.

Xã Thuần Thiện (Can Lộc) vốn là địa phương từ lâu được biết nhiều về những bất cập trong đời sống sinh hoạt của người dân... nhưng đây vẫn được xem là đơn vị đã hoàn thành tiêu chí về nhà ở dân cư. Gần 2 ngàn hộ dân, với thói quen cố hữu từ đời này qua đời khác đã tạo nên những nhà ở dân cư chằng chịt đường ngang lối dọc... Nhà vệ sinh, khu chuồng trại đều án ngự trước nhà ở... Một số người dân cho biết, sở dĩ có thông lệ này bởi ngoài tập tục của địa phương, cái chính vẫn là để thuận lợi trong việc bảo vệ tài sản. Với họ, con trâu là đầu cơ nghiệp, đây chính là tài sản đáng giá nhất với người nông dân. Bà Nguyễn Thị Bé (xóm Thuần Châu) cho rằng, chỉnh trang được thì tốt nhưng như thế này cũng bình thường, ở lâu thấy quen...

Tại xã Hương Minh (Vũ Quang), điểm xây dựng NTM của tỉnh có một cách nhìn khác trong câu chuyện về nhà ở dân cư. Với tổng số 728 hộ dân, phần lớn kết cấu nhà cửa theo hướng tựa lưng vào sườn đồi có độ dốc cao. Để đảm bảo vệ sinh, nhất là trong điều kiện mưa lũ, theo quy hoạch mới, các công trình phụ chăn nuôi đều được làm phía trước. Để đạt chuẩn, năm 2011, chính quyền và người dân đã nỗ lực chỉnh trang trên 400 hộ. Hiện nay, để phấn đấu về đích theo lộ trình đề ra, riêng về nhà ở nông thôn, xã Hương Minh có trên 200 hộ phải tiếp tục chỉnh trang. Nhưng, đó là cả một câu chuyện dài liên quan đến điều kiện kinh tế và tiềm lực đất đai của mỗi gia đình. Nhiều ngôi nhà mặc dù đều nằm trong diện được chỉnh trang năm 2011 và được coi là đã hoàn thành đến mức có thể... Tuy nhiên, khu chăn nuôi vẫn phải nằm phía trước, nhà vệ sinh xê dịch được bên này thì lại đối diện ngay với cửa chính của hàng xóm. Biện pháp khả dĩ nhất là 2 nhà chung nhau một khu vệ sinh để dễ bề quy hoạch... nhưng vẫn chưa thể gọi là ổn thỏa nhất.

Chị Phạm Thị Liệu - một người dân ở đây cho rằng, làm được không phải dễ. Nông dân thì phải có chuồng trâu, chuồng bò. Nhà vệ sinh ở trước thì bất tiện nhưng làm đằng sau thì không thể vì sát bạt ta-luy...

Từ nhận thức đến hành động là một quá trình. Nhìn chung, hầu hết người dân đều đồng tình với mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng để làm được cần phải có lộ trình, chứ không đơn thuần là chuyện đủ số lượng tiêu chí để hoàn thành. Trăn trở này xem ra không đơn thuần chỉ tại một vài địa phương trong tỉnh. Ông Nguyễn Trọng Sơn - Chủ tịch UBND xã Hương Minh chia sẻ: Muốn huy động bà con làm gì mình cũng phải tính, vì mấy năm qua, bà con đóng góp nhiều rồi, giờ chỉnh trang cũng cần khoản kinh phí không nhỏ. Vì vậy, cũng phải có một quá trình...

Thuận Huế
Nguồn baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập327
  • Hôm nay31,761
  • Tháng hiện tại235,189
  • Tổng lượt truy cập85,142,225
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây